EU yêu cầu thành lập Ban hội thẩm WTO để xem xét các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc đối với nguyên liệu thô

10/11/2009 12:00 - 1277 lượt xem

Brussels, ngày 4 tháng 11 năm 2009

Liên minh Châu Âu đã yêu cầu thành lập Ban hội thẩm WTO để xem xét các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc đối với một số nguyên liệu thô chủ chốt, vấn đề được coi là vi phạm rõ ràng các quy tắc thương mại quốc tế. EU đã nhiều lần nêu vấn đề này với Trung Quốc nhưng không đạt kết quả, kể cả đã thông qua tham vấn chính thức theo thủ tục của WTO. Nay EU đã chuyển sang sử dụng quy trình giải quyết tranh chấp của WTO để bảo đảm việc Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình. Cũng trong hôm nay, Hoa Kỳ và Mêhicô đã yêu cầu thành lập ban hội thẩm về cùng vấn đề này.

Ủy viên Thương mại EU Catherine Ashton nói: “Các hạn chế của Trung Quốc đối với nguyên liệu thô tiếp tục bóp méo cạnh tranh và làm tăng giá cả trên toàn cầu, thậm chí tạo ra những điều kiện khó khăn cho các công ty của chúng tôi trong bối cảnh kinh tế này. Tôi lấy làm tiếc rằng quá trình tham vấn chính thức và sự tham gia đáng kể của EU trong vấn đề này đã không đem lại một giải pháp hòa giải mà chúng tôi vẫn mong muốn hơn”.

Trong nhiều năm qua, các ngành công nghiệp của EU đã nêu ra các quan ngại về những hạn chế xuất khẩu - hạn ngạch, thuế xuất khẩu và giá xuất khẩu tối thiểu – mà Trung Quốc đã áp đặt đối với các nguyên liệu thô chủ chốt, gồm phốt-pho vàng, bô-xit, than cốc, flourit, ma-giê, măng-gan, kim loại silic, cacbua silic và kẽm. Một số loại tài nguyên này không thể tìm thấy được ở nơi khác.

Các hạn chế đối với nguyên liệu thô mang lại cho các công ty Trung Quốc một lợi thế không công bằng do các ngành công nghiệp hạ nguồn tại Trung Quốc được tiếp cận với các nguyên liệu rẻ hơn các đối thủ cạnh tranh của họ bên ngoài Trung Quốc. Các ngành công nghiệp hóa chất, thép và kim loại màu, cũng như là các khách hàng hạ nguồn của họ, là những ngành có nhiều quan ngại nhất.

EU cho rằng những hạn chế này không chỉ vi phạm các quy tắc chung của WTO mà còn vi phạm những cam kết cụ thể mà Trung Quốc đã ký như là một phần của Nghị định thư Gia nhập WTO, theo đó hoặc là cấm việc áp dụng thuế xuất khẩu hoặc hạn chế chỉ đổi với một số ít sản phẩm, cũng như phải tuân thủ các quy định về việc áp dụng cấp phép xuất khẩu và giá xuất khẩu tối thiểu bắt buộc.

Ban hội thẩm được yêu cầu thành lập hôm nay trước hết sẽ tập trung vào một số biện pháp và sản phẩm. Tuy nhiên, các quan ngại của EU không chỉ giới hạn trong những biện pháp đó và việc kiện tụng tiếp theo có thể không được giải quyết nếu những quan ngại này không được nêu ra một cách hiệu quả.

EU đã yêu cầu tham vấn chính thức theo thủ tục của WTO vào ngày 23 tháng 6 năm 2009 nhưng những thảo luận này đã không đem lại một giải pháp mang tính hòa giải.

Bối cảnh

Quan hệ thương mại EU – Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây và hiện nay tổng số đã vượt mức 300 tỷ Euro. Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU chỉ sau Hoa Kỳ và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU. Các hàng rào phi thuế quan của Trung Quốc làm cho các công ty của EU mất đi các cơ hội kinh doanh với Trung Quốc trị giá ít nhất 20 tỷ Euro một năm.

Xem tóm tắt nội dung chính dưới đây (Factsheet)

EU yêu cầu thành lập Ban hội thẩm WTO để xem xét các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc đối với nguyên liệu thô

Tóm tắt nội dung chính (Factsheet) - Brussels, 4 tháng 11 năm 2009

Trung Quốc đã áp dụng các hạn chế xuất khẩu - hạn ngạch và thuế xuất khẩu - đối với các nguyên liệu thô chủ chốt. Những hạn chế này bóp méo cạnh tranh và làm tăng giá cả trên toàn cầu bởi một số loại tài nguyên này không thể tìm thấy được ở nơi khác. Do đó, các ngành công nghiệp hạ nguồn tại Trung Quốc được tiếp cận với nguyên liệu giá rẻ hơn các đối thủ cạnh tranh của họ ở ngoài Trung Quốc. Đó không phải là một sân chơi ngang bằng và EU, Mêhicô và Hoa Kỳ đã cùng yêu cầu thành lập một ban hội thẩm giải quyết tranh chấp tại WTO.

Nhiều năm nay, Trung Quốc đã áp dụng các hạn chế xuất khẩu - hạn ngạch và thuế xuất khẩu – đối với những nguyên liệu thô chủ chốt mà Trung Quốc là nhà khai thác và xuất khẩu hàng đầu. Những hạn chế xuất khẩu này bóp méo cạnh tranh và làm tăng giá cả trên toàn cầu bởi trong đó có một số loại tài nguyên không thể tìm thấy ở nơi khác. Điều này cũng có nghĩa là các công ty của EU phụ thuộc vào những nguyên liệu đầu vào đó để tiếp tục gia công phải đối diện với khả năng đóng cửa kinh doanh, nhất là đối với các ngành công nghiệp hạ nguồn.

Hàng năm, hạn ngạch xuất khẩu ngày càng hạn chế hơn, làm trầm trọng thêm vấn đề về nguồn cung mà các ngành công nghiệp đang phải đối mặt. Hơn nữa, đối với nhiều loại nguyên liệu thô đã bị áp đặt hạn ngạch xuất khẩu, Trung Quốc cũng đánh cả thuế xuất khẩu. Hiện tại Trung Quốc đang áp thuế xuất khẩu đối với 373 dòng thuế có mã 8 con số. Giá trị nhập khẩu những sản phẩm này vào EU ước tính đạt tới 4,5 tỷ Euro trong năm 2008.

Trong khi Trung Quốc đang áp dụng các hạn chế xuất khẩu đối với hàng loạt các mặt hàng, EU hiện tại đang khiếu kiện các chính sách sau đây của Trung Quốc:

- Trung Quốc áp đặt hạn ngạch xuất khẩu đối với bô-xit, than cốc, flourit, cacbua silic và kẽm.

- Trung Quốc áp thuế xuất khẩu từ 10% đến 15% đối với bô-xit (tùy thuộc sản phẩm), 40% đối với than cốc, 15% đối với flourit, 10% đối với magiê, từ 15% đến 20% đối với măng-gan (tùy thuộc sản phẩm), 15% đối với kim loại silic và từ 5% đến 30% đối với kẽm (tùy thuộc sản phẩm).

- Trung Quốc quy định thêm các yêu cầu và thủ tục liên quan đến việc xuất khẩu các nguyên liệu này, bao gồm, nhưng không hạn chế, những nội dung sau:

+ Hạn chế quyền xuất khẩu, ví dụ như phải dựa trên quá trình xuất khẩu trước đó;

+ Đặt ra các tiêu chí mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thỏa mãn để có thể xuất khẩu khác với những tiêu chí áp dụng với doanh nghiệp trong nước.

+ Yêu cầu các nhà xuất khẩu phải trả phí.

+ Trung Quốc duy trì hệ thống giá xuất khẩu tối thiểu đối với những nguyên liệu này và yêu cầu kiểm tra cũng như thủ tục phê duyệt hợp đồng và giá xuất khẩu. Trung Quốc điều hành hệ thống này và những yêu cầu nói trên thông qua các bộ cũng nhưng các phòng thương mại.

Những sản phẩm nêu trên được sử dụng bởi các ngành công nghiệp thép, nhôm và hóa chất. Các ngành công nghiệp này của EU có khả năng bị ảnh hưởng chiếm 4% các hoạt động công nghiệp của EU và giải quyết khoảng 500.000 lao động. Các ngành này phục vụ rất nhiều ngành công nghiệp khác như sản xuất ôtô, xây dựng và hóa chất chữa cháy.

Khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã đồng ý hạn chế số lượng sản phẩm phải chịu thuế xuất khẩu được nêu trong Phụ lục 6 của Nghị định thư Gia nhập. Phụ lục 6 liệt kê tổng cộng 84 sản phẩm mã 8 con số với mức thuế tối đa có thể được áp dụng. Bô-xit, than cốc, flourit, ma-giê, măng-gan, kim loại silic và một số loại kẽm là các sản phẩm không có trong danh sách của Phụ lục 6 này, nhưng Trung Quốc lại vẫn áp đặt thuế xuất khẩu. Điều 11.3 Phần I của Nghị định thư Gia nhập cấm việc áp đặt các loại thuế xuất khẩu đối với những sản phẩm không có trong danh sách của Phụ lục 6.

Các ngành công nghiệp của EU phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô, và do đó bị tổn thương do sự méo mó trên thị trường hàng hóa thế giới. Các loại thuế xuất khẩu làm trầm trọng thêm sự tổn thương của EU, trực tiếp làm giảm tính cạnh tranh của ngành công nghiệp của EU và trong một số trường hợp có thể cắt đứt hẳn ngành công nghiệp của EU với các nguyên liệu đầu vào thiết yếu. Hiện không có một sân chơi ngang bằng giữa ngành công nghiệp của EU với các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Một khi các tài nguyên này được đưa ra thị trường thế giới, EU tin tưởng rằng chúng nên được cung cấp mà không bị phân biệt đối xử giữa những người mua nội địa và nước ngoài. Nhưng tình hình hiện nay không phải như vậy.

Những hạn chế này không chỉ vi phạm các quy tắc chung của WTO mà còn vi phạm các cam kết mà Trung Quốc đã ký như là một bộ phận của Nghị định thư Gia nhập WTO, theo đó hoặc là cấm việc áp dụng thuế xuất khẩu hoặc hạn chế chỉ đối với một số ít sản phẩm. Hạn ngạch xuất khẩu không đúng quy định bị cấm theo Điều XI Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) từ năm 1994. Cụ thể là Trung Quốc đã duy trì các hạn chế không thể so sánh được đối với việc bán hàng nội địa những nguyên liệu thô này. Trung Quốc cũng không thông báo cho WTO nhiều loại hạn ngạch xuất khẩu, mặc dù Trung Quốc đã cam kết sẽ thông báo.

Ngày 28 tháng 5 năm 2009, Hội đồng của Liên minh Châu Âu đã ủng hộ Thông cáo của Ủy ban Châu Âu về Sáng kiến Nguyên liệu thô tạo khả năng cho vấn đề nguyên liệu thô trở thành ưu tiên trong chương trình nghị sự của EU. Chiến lược thương mại được xây dựng để thực hiện sáng kiến này đã thúc đẩy các hành động để thi hành các quy tắc quốc tế thông qua giải quyết tranh chấp nếu cần thiết.

Người dịch: Lê Hoàng Tùng

Nguồn: Ủy ban Châu Âu - http://trade.ec.europa.eu/doclib/press/index.cfm?id=481

 

Quảng cáo sản phẩm