Gạo xuất khẩu… “mang gông”

15/05/2009 12:49 - 1075 lượt xem

Việc doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng lên VFA và thực hiện nghĩa vụ giá sàn trong xuất khẩu, cho thấy Việt Nam chưa xem hạt gạo là mặt hàng thương mại mua bán tự do.
 

“Hiệp hội là một tổ chức phi chính phủ, là đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp thành viên. Nhưng không hiểu sao hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại được trao cho cái quyền đăng ký xuất khẩu gạo, mà thực chất là cơ chế “xin – cho”, giám đốc một doanh nghiệp đã lên tiếng như vậy

Theo vị giám đốc này, trước đây, doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo chỉ cần đăng ký, được bộ Thương mại cấp giấy phép, là xuất tự do, còn nay bị giám sát chặt chẽ, đến mức mất hết tự do trong đàm phán ký hợp đồng, mất thời cơ bán giá cao hơn…

Bắt cóc bỏ dĩa?

Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, tâm sự rằng, chính ông cũng không ham hố gì đến đặc quyền được giao.

Một hiệp hội, vừa thực hiện vai trò tổ chức phi chính phủ vì quyền lợi doanh nghiệp thành viên, vừa gánh vác thêm chức năng “quản lý nhà nước” trong điều tiết, định giá xuất khẩu, đã bộc lộ khá nhiều nhược điểm.

Mô hình này, dường như chỉ có ở VFA, còn với các hiệp hội khác như tiêu, điều, cà phê hoàn toàn không áp dụng. Những công việc mà VFA đang được giao đảm trách, trước đây thuộc bộ Thương mại (nay là bộ Công thương) quản lý.

Sau cuộc họp bàn biện pháp điều hành xuất khẩu gạo mới đây, VFA chính thức đề nghị chuyển giao một số quyền hành, vốn đã kiêm nhiệm từ nhiều năm nay cho cơ quan quản lý nhà nước.

Qua đó, VFA đề nghị, nếu tiếp tục thực hiện tiếp nhận đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, hướng dẫn giá sàn, thì nên chuyển việc này sang bộ Tài chính hoặc bộ Công thương cho đúng chức năng. Còn, VFA sẽ trở lại là “chính mình”, làm đúng chức năng giúp các doanh nghiệp hội viên…

Nhà nước can thiệp sâu

Việc doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng lên VFA và thực hiện nghĩa vụ giá sàn trong xuất khẩu, cho thấy Việt Nam chưa xem hạt gạo là mặt hàng thương mại mua bán tự do.

Từ khi tham gia thị trường xuất khẩu gạo, năm 1989, sau 20 năm, cho dù đã trải qua nhiều cơ chế điều hành khác nhau, nhưng mục đích đều chỉ xoay quanh hai vấn đề là tiêu thụ hết lúa gạo trong dân với giá tốt và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Chính vì an ninh lương thực mà hiện nay, việc điều hành xuất khẩu gạo do thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, dưới nữa là tổ điều hành gồm một thứ trưởng bộ Công thương làm trưởng ban và đại diện bộ Tài chính, Nông nghiệp, tổng cục Thuế, VFA, sắp tới sẽ có thêm các tỉnh tham gia. Tổ này, sẽ theo dõi hoạt động xuất khẩu, có thể đưa ra lệnh cấm giao dịch gạo khi thị trường bất ổn.

Từ mùa xuất khẩu 2006 – 2007 VFA được bộ Thương mại giao thêm nhiệm vụ tiếp nhận hợp đồng do doanh nghiệp lên đăng ký. Lúc đầu, công việc này chỉ nhằm mục đích thống kê sản lượng gạo ký, xuất để có phương án điều chỉnh cho khớp với chỉ tiêu xuất khẩu.

Qua 2007 – 2008, sau khi xảy ra nhiều trường hợp doanh nghiệp gian lận, cạnh tranh bán phá giá, trong quy chế hoạt động của hiệp hội trao thêm cho tổ chức này quyền được từ chối, phân bổ uỷ thác hoặc chia số lượng gạo cho từng thành viên hoặc các địa phương, nếu có nghi ngờ gian lận. Từ đây, cũng là lúc xuất hiện nhiều ca thán từ phía doanh nghiệp.

Tự do xuất khẩu gạo?

Ông Trần Đức Tụng, nguyên chuyên viên vụ Kế hoạch, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, cần phải loại bỏ ngay bốn từ “an ninh lương thực” ra khỏi hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo.

Vì theo ông, việc sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đang đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu xuất khẩu. Còn sản xuất lúa gạo ở miền Bắc, miền Trung đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo ở đồng bằng sông Cửu Long¬ gần như không ảnh hưởng gì tới an ninh lương thực quốc gia.

Các ý kiến khác cũng cho rằng, Việt Nam là nước trồng lúa hàng đầu thế giới, rất khó có khả năng thiếu hụt lương thực. Hơn nữa, dự trữ ngoại tệ hơn 20 tỉ USD, nên Việt Nam có đủ khả năng nhập khẩu lương thực để bù đắp thiếu hụt trong những trường hợp khẩn cấp.

Từ 2007 – 2008, chính việc lo ngại giá gạo góp phần làm tăng giá tiêu dùng, nên hạt gạo, cho dù thị trường xuất khẩu giá cao thì doanh nghiệp cũng không được ồ ạt ký hợp đồng xuất khẩu... Thật dễ nhận ra, người thiệt hại cuối cùng trong cách điều hành này là người trồng lúa.

Dựa trên kinh nghiệm của Thái Lan, nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi cách điều hành xuất khẩu gạo. Doanh nghiệp được tự mua bán, đàm phán ký hợp đồng dựa trên nguyên tắc phải có kho chứa, có vốn, có cơ sở sản xuất, gạo trong kho, đăng ký số lượng xuất qua bộ Công thương.

Nhà nước, chỉ cần mua vào đủ lượng gạo để đảm bảo an ninh lương thực, còn bao nhiêu cho doanh nghiệp xuất tự do. Nếu lo sợ giá trong nước tăng cao thì, dùng biện pháp đánh thuế xuất khẩu...

 Nguồn: http://cafef.vn
Quảng cáo sản phẩm