Giá nông sản diễn biến khó lường

22/05/2009 12:00 - 994 lượt xem

Sau cơn sốt giá của nhiều mặt hàng nông sản vào giữa năm ngoái, cho tới nay, hầu hết các mặt hàng nông sản đều rớt giá dưới tác động của khủng hoảng tài chính- kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, ngoại trừ gạo và cao su, giá các mặt hàng nông sản khác vẫn còn diễn biến khó lường. 

Giá gạo, cao su: hồi phục 

Đã từng có thời gian trong năm ngoái, giá cao su thiên nhiên xuất khẩu rớt theo đợt giảm giá mạnh của dầu thô, kéo giá cao su ở thị trường trong nước đi xuống. Giá giảm đến mức tại nhiều tiểu điền (trang trại cao su tư nhân), nông dân ngưng cạo mủ bởi giá bán không bù đắp nổi chi phí thuê nhân công lẫn chăm sóc vườn cây. 

Vị trí đặt quảng cáoNay, theo xu hướng tăng trở lại của giá dầu, giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới nhích dần lên ở mức khá, giao dịch quanh mức 1.500 - 1.600 đô la Mỹ/tấn so với mức đáy 1.200 đô la Mỹ trong tháng 1-2009. Giá cao su tăng đã kích thích nông dân, các nông trường chăm sóc cây cao su để chuẩn bị vụ khai thác.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, với giá xuất khẩu cao su như hiện tại thì sau khi trừ chi phí, nông dân trồng cao su còn lãi khoảng 300 đến 400 đô la Mỹ/tấn.

Không khác gì cao su, giá gạo xuất khẩu lẫn thị trường nội địa lên cơn sốt đỉnh điểm vào tháng 4 năm ngoái trước thông tin khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nhưng sau đó lại giảm tới mức nông dân không bán được lúa, còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tổ chức nhiều cuộc họp tìm cách tiêu thụ lúa cho nông dân, nhất là lúa chất lượng thấp.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, diện tích cao su của cả nước đạt 640.000 héc ta với sản lượng 680.000 tấn và xuất khẩu thu về gần 1 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, vào đầu năm nay, mặc dù khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng giá gạo xuất khẩu đi theo chiều hướng hồi phục dần và hiện ở mức khá nên nông dân ĐBSCL và ngành nông nghiệp hồ hởi bởi “trúng mùa được giá” trong vụ lúa đông xuân cơ bản thu hoạch đã xong.

Trong 10 ngày qua, theo các doanh nghiệp kinh doanh gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có chiều hướng giảm nhẹ. Hiện giá gạo 5% tấm là 405 đô la Mỹ/tấn, 25% tấm là 375 đô la Mỹ/tấn; đã kéo theo giá lúa trong nước giảm theo. Tuy nhiên, vẫn theo doanh nghiệp thì giá trên vẫn còn ở mức khá, đủ cho nông dân trồng lúa có lãi.

Tại hội thảo triển vọng ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2009 diễn ra vào tháng 4 tại TPHCM, nhiều chuyên gia về thị trường nông sản đến từ các tổ chức quốc tế cho rằng trong ngắn hạn giá gạo thế giới có thể không tăng không phải do thế giới dư thừa lúa gạo, mà do kinh tế khó khăn nên tiêu thụ gạo toàn cầu giảm nhẹ.

Các chuyên gia đều có chung nhận định, giá lúa gạo trong tương lai trung và dài hạn sẽ tiếp tục tăng theo đà phát triển dân số trong khi sản lượng lương thực không tăng đáng kể. Trong các dự báo gần đây về gạo và cao su của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cơ quan thực hiện dự báo các mặt hàng nông sản đầu tiên của Việt Nam, đều cho rằng hai mặt hàng này có nhiều tín hiệu khả quan so với các loại nông sản khác.

Giá nông sản khác ở thế giằng co

Bà Nguyễn Thị Thanh, một chủ đại lý kinh doanh cà phê nhân ở huyện Cư Mgar, Dak Lak, dù có nhiều năm kinh nghiệm nhưng vẫn không thể hiểu nguyên nhân tại sao vào giữa năm ngoái, giá cà phê thế giới và trong nước tăng cao kỷ lục trong hàng chục năm qua.

Lúc ấy có ngày bà Thanh bán được 42.000 đồng/kg cà phê, còn gần nửa năm nay, giá cà phê giằng co ở mức 24.000 - 25.000 đồng/kg, tức giảm gần một nửa.

Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết tuy giá cà phê thế giới có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng tổ chức này dẫn nguồn Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rằng dưới tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cà phê sẽ giảm. WB dự báo giá cà phê chè (Arabica) sẽ giảm 14,52% trong năm 2009, giá cà phê vối (Robusta) sẽ giảm 15,08% so với mức giá bình quân của năm 2008.

Còn theo Báo cáo thường niên ngành hàng cà phê Việt Nam 2008 và triển vọng 2009 của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Agroinfo), trong điều kiện mất mùa làm suy giảm sản lượng cà phê của Brazil và một số nước xuất khẩu chủ chốt (Việt Nam, Colombia, Ấn Độ...), nguồn cung cà phê sẽ giảm dẫn tới giá tăng cao nhưng không thể đạt tới mức đỉnh điểm của năm 2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính. Giá cà phê thế giới nhiều khả năng sẽ giảm khoảng 12,57% so với mức giá trung bình của năm 2008.

Tại Việt Nam, giá cà phê tuy đã xuống thấp và tăng giảm không đột ngột như những năm trước nhưng bà Thanh cho rằng với mức giá như hiện nay, người trồng cà phê vẫn có lời, bởi giá thành cà phê nhân dao động 15.000-20.000 đồng/kg.

Tương tự như cà phê là hạt tiêu, hạt điều nhân, giá cũng đã giảm mạnh so với cùng thời gian này năm ngoái và hiện tại đang ở thế giằng co theo kiểu “vài ngày xuống, vài ngày lên” và cái khó nhất của các doanh nghiệp kinh doanh nông sản hiện nay là ở chỗ “giá như hiện nay đã ở mức đáy hay chưa”.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá xuất khẩu tiêu trong tháng 4 tăng nhẹ so với tháng 3-2009, đạt 2.076 đô la Mỹ/tấn và đây là mức giá thấp nhất so với giá tiêu trong năm 2008 và các tháng đầu năm 2009. Giá thu mua tiêu nội địa tháng 4 có tăng chút ít so với tháng 3 và giữ đều trong tháng, trung bình ở mức 30.000 – 32.000 đồng/kg, một mức giá thấp so với ky vọng của bà con nông dân.

Mặc dù 4 tháng đầu năm hồ tiêu đã xuất khẩu với số lượng lớn nhưng lượng tiêu tồn trong dân vẫn còn tích trữ từ vụ trước khá nhiều. Dự đoán với lượng thu hoạch cơ bản vụ 2009 đã xong nên giá thu mua tiêu nội địa trong thời gian tới không thể tăng mạnh được, vẫn được xem là ở thế giằng co.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

Quảng cáo sản phẩm