Gỡ bỏ rào cản bảo hộ để phát triển

06/03/2009 12:00 - 1231 lượt xem

Chủ nghĩa quốc gia kinh tế - nhằm giữ lại vốn và chất xám trong nước – đã và đang biến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị và báo hiệu nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng trầm trọng hơn.

Toàn cầu hóa nền kinh tế mang lại rất nhiều lợi ích rõ rệt như đẩy mạnh chuyên môn hóa,gia tăng lợi nhuận,phân bổ vốn hiệu quả hơn,tăng lòng tin và bảo đảm tính an toàn cho nhà đầu tư. Trong tình hình hiện nay,nếu chủ nghĩa bảo hộ không được xóa bỏ nhanh chóng, những hậu quả của nó sẽ khó mà lường trước được.

Biểu hiện rõ nét nhất của chủ nghĩa bảo hộ đang được nhiều nước công khai làm thể chế mà thể hiện rõ nét nhất trong ngành ngân hàng. Tại Pháp và Anh, các ngân hàng phải cam kết cho vay trong nước nếu muốn nhận được các khoản tiền hỗ trợ từ chính phủ. Quy định này đã khiến các ngân hàng giảm một lượng lớn các khoản vay nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách cũng coi đây là một hình thức bảo hộ. Thụy Sỹ hiện cũng đang ưu tiên các khoản vay trong nước và lờ tịt danh sách xin vay vốn dài dằng dặc của các doanh nghiệp nước ngoài.Ngoài ra,các chính phủ cũng tìm cách bảo hộ cho hàng hóa và dòng vốn trong nước để đảm bảo việc làm trong nước.

Chủ nghĩa quốc gia kinh tế đã được xem xét trên cả phương diện kinh tế và chính trị. Trên quan điểm kinh tế, các ngân hàng đang gặp rắc rối tài chính có thể cảm thấy an toàn hơn khi cho vay trong nước – một thị trường họ đã hiểu quá rõ từ cả mức độ lợi nhuận lẫn rủi ro. Nhưng trên thực tế, các chính phủ cần hạn chế bớt xu hướng cho vay nội địa chứ không nên khuyến khích. Trên quan điểm chính trị, hoàn toàn có thể hiểu được tại sao các nhà lãnh đạo luôn muốn sử dụng ngân sách từ các khoản thuế thu được cho các khoản chi trong nước miễn là chi phí không quá cao.

Các chính trị gia cũng hiểu rằng khi họ thực hiện những kế hoạch và biện pháp hỗ trợ thị trường nội địa đang lao dốc thì họ đã vô tình xóa bỏ những nỗ lực của quá trình toàn cầu hóa. Nỗ lực cứu những ngân hàng Ai-len hồi cuối năm ngoái đã hút hết nguồn tiền gửi tiết kiệm tại Anh. Kế hoạch điều tiết cho vay của chính phủ Mỹ cũng khuyến khích các ngân hàng cho vay trong nước hơn là cho vay nước ngoài. Thực tế là khi mỗi quốc gia cố cứu lấy mình thì lại đang đặt những quốc gia khác vào thế nguy nan và sau đó lại chính mình hứng chịu những biến động nội tại.Lúc đó sự chống đỡ sẽ trong tình trạng "đơn thương độc mã".

Đối mặt với một cuộc khủng hoảng phức tạp như suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay cần phải tỉnh táo và nhạy bén chứ không phải là áp đặt một cách máy móc một quy tắc giải quyết khủng hoảng đơn thuần. Theo nhiều chuyên gia kinh tế và những bài học rút ra từ Đại suy thoái trước đây,các chính phủ cần trợ lực cho thị trường tín dụng bằng cách cấp bảo lãnh hay mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng? Có lẽ là cả hai. Gói thúc đẩy tài chính nào sẽ có hiệu quả nhất? Câu trả lời cho từng quốc gia sẽ khác nhau. Liệu có nên quốc hữu hóa các ngân hàng? Câu trả lời có thể là “Có” trong một số trường hợp. Áp dụng một cách rập khuôn hoặc ôm khư khư bất kỳ một giải pháp nào cũng sẽ là lựa chọn sai lầm trong lúc này.

Nguyên tắc đầu tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay chính là “hợp tác”, nhất là trong việc đưa ra các gói cứu trợ. Kế hoạch thúc đẩy kinh tế của các quốc gia cần được xây dựng dựa trên những quy chuẩn chung và chỉ có những chi tiết nhỏ được điều chỉnh cho phù hợp với từng quốc gia cụ thể. Trong trường hợp hiện nay, hợp tác vừa giải quyết được bài toán chính trị và bài toán kinh tế: những kế hoạch được phối hợp chặt chẽ bao giờ cũng hiệu quả và kinh tế hơn một quốc gia đơn lẻ độc lập hành động.

Nguyên tắc thứ hai là “kiên trì”. Khi xây dựng kế hoạch thúc đẩy kinh tế, mỗi quốc gia cần chú ý tới cả thị trường bên ngoài, chấp nhận mang lại lợi ích cho cả các doanh nghiệp nước ngoài. Các nhà hoạch định tài chính nên chấp nhận chia sẻ nguồn tài nguyên vốn hiếm hoi hiện nay cho các nước bạn để có thể xây dựng một hệ thống ngân hàng mang tầm cỡ quốc tế, vượt qua cả biên giới các quốc gia, chứ không nên nhăm nhăm mục tiêu cho vay vốn nội địa và đưa ra những quy định có thể gây ra những hậu quả về lâu dài.

Nguyên tắc thứ ba là “đa phương hóa”. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và các ngân hàng phát triển cần hỗ trợ vốn cho những thị trường mới nổi nhưng họ cần có nguồn lực và cơ chế để làm như vậy. Tổ chức Thương mại Thế giới WTO có thể giúp hoàn thiện hệ thống thương mại toàn cầu nếu các thành viên cam kết hoàn thành vòng đàm phán Doha và các nước G20 cần cam kết gỡ bỏ những rào cản bảo hộ thương mại của mình.

Nguồn: Báo Công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm