Gỗ Việt dồn dập nhận đơn hàng 'khủng'

08/03/2017 12:00 - 1607 lượt xem

Xuất khẩu gỗ Việt Nam năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD, thấp hơn kỳ vọng, tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm, đơn đặt hàng đang dồn dập đổ về.

Công ty TNHH Sản xuất Thịnh Việt là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nội thất tại Việt Nam, có thị trường ở hơn 25 nước, mức tăng trưởng ổn định hàng năm. Tuy nhiên, năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng của Thịnh Việt là 0. Sự sụt giảm ở thị trường châu Âu, mảnh đất chính của Thịnh Việt, đã khiến doanh thu của đơn vị này sụt giảm đáng kể.

“Suy giảm ở châu Âu sau sự kiện Brexit là tình hình chung của cả ngành chế biến gỗ thế giới, góp phần làm cho xuất khẩu gỗ Việt Nam tăng trưởng kém. Nếu không nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, có lẽ Thịnh Việt cũng không tránh được việc tụt dốc, dừng ở mức không tăng trưởng như năm qua”, ông Lê Xuân Bắc, Chủ tịch Thịnh Việt Furniture chia sẻ.

Điều bất ngờ là ngay sau khi bước qua năm 2016 chật vật, chỉ trong 2 tháng đầu năm, đơn đặt hàng đổ về Thịnh Việt, gần như kín lịch sản xuất của cả năm 2017. Khảo sát thị trường cho thấy, Thịnh Việt không phải trường hợp ngẫu nhiên, mà khá nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam cũng nhận được đơn hàng tương tự. Scansia Pacific, công ty liên kết giữa Anh và Na Uy, chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu có trụ sở chính đặt tại KCN Tân Tạo cũng đang trong tình trạng hết công suất cho cả năm 2017.

“Đơn hàng mới hứa hẹn sẽ đổ về thời gian tới, nhất là sau sự kiện triển lãm quốc tế Vifa Expo 2017 sắp đến”, ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng giám đốc Scansia Pacific cho biết.  
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ - HAWA cũng cho biết, hầu như phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam ở hai “thủ phủ” lớn nhất là Bình Dương, Đồng Nai… cũng đang có những tín hiệu lạc quan cho năm 2017. “Các doanh nghiệp đang dự trù tăng năng suất 20 đến 25% trong năm nay, nhưng theo tôi đó vẫn là con số khiêm tốn”, ông Hạnh nói.

Dễ thấy nhất là việc đầu tư mở rộng nhà xưởng, trang bị máy móc… ở các doanh nghiệp hiện nay. Đức Lợi, Scansia Pacific, Thịnh Việt, An Cường, Mifaco… là những cái tên đang đổ thêm vốn để trang bị cơ sở vật chất, phục vụ cho việc nhận thêm đơn hàng. Ông Cao Duy Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Vĩ Đại, đơn vị chuyên phân phối máy móc chế biến gỗ cho biết trước đây, để doanh nghiệp đầu tư máy dù chỉ vài nghìn USD cũng khó vì năng lực tài chính có giới hạn, nhân công lại rẻ. Nhưng nay những dây chuyền trị giá 200.000 đến 500.000 USD vẫn được các doanh nghiệp tìm mua, phục vụ nhu cầu cải tiến năng lực sản xuất.

Nhận xét về tiềm năng ngành chế biến gỗ, ông Huỳnh Văn Hạnh cho biết, đây là ngành xuất siêu cao, tăng trưởng ổn định, ít phụ thuộc và có giá trị gia tăng trên 40%. Về cơ hội thị trường, Việt Nam vừa ký nhiều Hiệp định FTA nên ngành có rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển. Trong năm 2017, nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất trên toàn thế giới tiếp tục tăng. Theo ông Hạnh, điều quan trọng là hiện nay khách hàng các nước đang dồn sự chú ý vào doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam vì xác định Việt Nam là quốc gia sản xuất đồ gỗ chứ không phải làm dịch vụ như Singapore, Philippines... Với thực tế doanh nghiệp chế biến gỗ đang đón nhận nhiều đơn hàng như hiện nay, khả năng bứt phá về mặt doanh thu xuất khẩu 2017 sẽ khá cao.

Phó chủ tịch HAWA dự đoán, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD. Con số này có thể lớn hơn nữa nếu doanh nghiệp chế biến gỗ phát triển hơn về mặt nội tại như hiện nay.

Nguồn: Vnexpress.net
Quảng cáo sản phẩm