Hạ viện Mỹ hủy bỏ Tu chính án Byrd:

04/04/2007 10:44 - 1626 lượt xem

Ngày 18/11, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu chính thức hủy bỏ Tu chính án Byrd, một đạo luật cho phép Chính phủ Mỹ dùng thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng nhập khẩu để trợ cấp lại cho các công ty Mỹ đi kiện. Tác động của sự kiện này sẽ như thế nào, đặc biệt là đối với các vụ kiện ở Mỹ nhằm vào các công ty Việt Nam? Thanh Niên có cuộc phỏng vấn nhanh với chuyên gia tư vấn cao cấp pháp lý của Hoa Kỳ, ông Bùi Kiến Thành.

* Thưa ông, cuối cùng Hoa Kỳ đã có bước đi đầu tiên nhằm hủy bỏ Tu chính án Byrd lâu nay vẫn bị WTO phản đối. Ông đánh giá sự kiện này như thế nào?

- Từ giữa năm nay, hai hạ nghị sĩ Clay Shaw (bang Florida), Jim Ramstad (bang Minesota) đã đệ trình lên Hạ viện Mỹ chính thức yêu cầu hủy bỏ Tu chính án Byrd. Đây là một quá trình vận động mạnh mẽ trong Hạ viện Mỹ, tranh cãi về việc có nên để đạo luật mà WTO phản đối, và gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ hay không ? Đạo luật này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của 11 đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó có Canada, EU, Mexico, Nhật Bản. Vì vậy, đây là một tin tốt lành cho các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ.

* Thế còn đối với Việt Nam thì như thế nào, thưa ông?

- Từ trước đến nay, các vụ kiện "chống bán phá giá" của các công ty Mỹ đối với các công ty Việt Nam luôn có hai động cơ: một là bảo hộ ngành sản xuất trong nước, hai là nếu thắng kiện sẽ nhận được tiền từ việc áp thuế chống bán phá giá. Từ nay, một trong những động cơ mạnh mẽ đó bị loại bỏ, đương nhiên nó ảnh hưởng rất mạnh đến quyết định kiện tụng. Các luật sư Việt Nam cần nghiên cứu kỹ vấn đề này vì giờ đây cách giải quyết các vụ kiện chống bán phá giá sẽ đi theo một hướng khác, có triển vọng giải quyết sáng sủa hơn nhiều. Tôi nghĩ một khi các công ty đi kiện không còn “nhuệ khí”, các chiến thuật để đối phó của Việt Nam cũng sẽ phải thay đổi.

* Theo ông, các vụ kiện chống bán phá giá từ Mỹ có giảm đi hay không?

Việc Hạ viện Mỹ hủy bỏ Tu chính án Byrd là một bước tiến quan trọng trong quá trình các vòng đàm phán thương mại Doha. Kể từ nay, Mỹ sẽ phải tuân thủ theo các quy định thương mại quốc tế. Sự trả đũa thương mại của Hoa Kỳ sẽ chấm dứt. Chúng tôi chúc mừng Hạ viện Mỹ và kêu gọi Thượng viện nhanh chóng thông qua việc hủy bỏ Tu chính án này.

Liên minh hành động thương mại Mỹ

- Hiểu nôm na là từ nay tiền thuế từ áp chống bán phá giá các công ty nước ngoài thay vì đi vào túi của các công ty đi kiện sẽ về nằm trong két sắt của Chính phủ Mỹ. Vậy thì chắc chắn các công ty đi kiện phải cân nhắc. Trước đây họ hoàn toàn tự tin vì sẽ có tiền để bù đắp lại chi phí đi kiện thì nay khoản đó không còn. Một khi phương tiện mạnh này đã bị tước bỏ, các vụ kiện có thể sẽ giảm đi.

* Việc hủy bỏ Tu chính án này cần được Thượng viện thông qua?

- Đúng là như thế. Tôi xin nhấn mạnh rằng Tu chính án này xuất phát từ một thượng nghị sĩ và mang tên ông ta. Được biết, hiện nay tình hình tại Thượng viện cũng không dễ dàng gì. Trong khi đó, Hạ viện thông qua việc hủy bỏ với một số phiếu sít sao. Có lẽ sẽ có những cuộc vận động hành lang mạnh mẽ ở Thượng viện trong thời gian sắp tới mà đứng đầu là Liên minh hành động thương mại Mỹ (CITAC), một tổ chức có ảnh hưởng lớn trong các nghiệp đoàn thương mại tại Mỹ.

Xuân Danh (thực hiện)

Quảng cáo sản phẩm