Hàn Quốc đối mặt với nhiều thách thức thương mại từ bên ngoài

07/08/2019 12:00 - 680 lượt xem

Tuyên bố ngăn chặn các nước giàu hưởng lợi từ WTO của Tổng thống Mỹ

Nền kinh tế Hàn Quốc đang chịu sức ép thương mại ngày càng gia tăng, đứng đầu là các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản nhắm vào Hàn Quốc và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Thêm vào đó, Tổng thổng Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cần phải thay đổi các quy tắc ứng xử của các nước đang phát triểnvà Washington cũng đã quyết định áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng ống dẫn dầu nhập khẩu từ Seoul. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, Giáo sư Kim Gwang-seok chuyên ngành nghiên cứu quốc tế, hệ sau đại học, trường Đại học Hanyang phân tích về những thách thức thương mại lớn đối với Seoul. Trước hết, theo ông Kim đánh giá, Mỹ đã viện dẫn cái gọi là “tình hình thị trường đặc biệt”, làm căn cứ cho những thay đổi thuế quan. Theo quy định của hệ thống điều tra, Bộ thương mại Mỹ có quyền áp đặt mức thuế tùy ý khi xác định một nước xuất khẩu không cung cấp đầy đủ tài liệu. 

Vào tháng trước, Bộ thương mại Mỹ đã quyết định áp dụng mức thuế chống bán phá giá lên tới 39% đối với sản phẩm ống dẫn dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc. Mặc dù vẫn còn thấp hơn mức thuế đề xuất 59% đưa ra vào tháng 2, nhưng con số này vẫn cao gấp hơn hai lần so với mức thuế của năm ngoái. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ống dẫn dầu của Hàn Quốc sang Mỹ lên tới 350 triệu USD. Do đó, việc tăng thuế này dự kiến sẽ đặt gánh nặng lớn lên các nhà sản xuất thép cỡ trung của Hàn Quốc, bởi thép là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất các đường ống dẫn dầu. Đáp lại, Hàn Quốc đang tìm cách áp dụng mức thuế trả đũa lên tới 350 triệu USD đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ với lý do Washington không tuân thủ phán quyết của WTO. Trước đây, Mỹ tăng thuế đối với sản phẩm ống dẫn dầu tối đa là 29,8%. Đã hơn một năm kể từ khi WTO ra phán quyết ủng hộ Hàn Quốc, cho rằng Mỹ đã vi phạm thỏa thuận của cơ quan này, nhưng Washington vẫn không chịu thay đổi các biện pháp phi công bằng. Bên cạnh thuế chống bán phá giá, Hàn Quốc còn đang đối mặt nhiều rủi ro khác. Ông Kim Gwang-seok phân tích.

Hiện tại, Hàn Quốc đang được gán mác “nước đang phát triển” trong ngành nông nghiệp. Theo đó, dù là một thành viên của WTO, Seoul vẫn có thể áp thuế tới 500% đối với gạo nhập khẩu, để bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua đã lập luận rằng thật không công bằng khi gán mác “nước đang phát triển” cho một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD/năm, và là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới cũng như thành viên của G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới). Nói một cách đơn giản, ông Trump đang gây áp lực với Hàn Quốc để ngừng nhận ưu đãi đối với ngành nông nghiệp nội địa. 

Bếp bênh khả năng Hàn Quốc duy trì mác “nước đang phát triển”

Ngày 26/7, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho Đại diện Văn phòng thương mại Mỹ (USTR) thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các nước giàu hưởng lợi từ WTO. Mặc dù mục tiêu chính có vẻ là nhằm vào Trung Quốc, nhưng dư luận cũng đề cập đến Hàn Quốc, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước thành viên của G20 và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố rằng nếu trong vòng 90 ngày, WTO không đạt được tiến bộ đáng kể nào về vấn đề này, Washington sẽ có hành động riêng để chấm dứt đối xử với các quốc gia liên quan kể trên như các nước đang phát triển. Giáo sư Kim Gwang-seok phân tích.

Tôi nghĩ Hàn Quốc có thể mất đi vị thế của một nước đang phát triển. Nếu Seoul buộc phải miễn thuế hoàn toàn hoặc không còn trợ cấp, các nước đang phát triển khác sẽ có nhiều cơ hội để xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc. Thậm chí, cho dù Seoul có thể duy trì vị thế hiện tại trong WTO, thì Washington vẫn có thể rút khỏi thỏa thuận thương mại, tấn công Hàn Quốc trực diện “một chọi một” như biện pháp tăng thuế từ 10% lên 25% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại hiện nay.

Tác hại của việc mất vị thế “nước đang phát triển”

WTO dành sự đối xử đặc biệt với các nước đang phát triển để tranh thủ sự tham gia của họ. Các nước được gán mác “đang phát triển” được hưởng nhiều lợi ích khác nhau, bao gồm kéo dài thời gian thực thi các điều khoản của WTO cùng 150 điều khoản ưu đãi khác. Trong khi các nước phát triển phải giảm thuế nông nghiệp từ 50% đến 70% trong vòng 10 năm, thì các nước đang phát triển chỉ phải giảm từ 33% đến 47% trong cùng giai đoạn. Đối với các mặt hàng cụ thể, các nước đang phát triển được hưởng mức thuế thấp hơn hoặc thậm chí miễn thuế trong hạn ngạch. Hiện nay, Hàn Quốc đang được phép đặt mức thuế cao nhất là 513% đối với gạo nhập khẩu, đồng thời Chính phủ có thể trợ cấp tối đa cho người nông dân trong nước là 1,2 tỷ USD/năm. Nếu bị tước bỏ vị thế của một nước đang phát triển, Seoul sẽ mất đi đặc quyền này. Áp lực thương mại từ Mỹ ngày càng gia tăng đang phủ một bóng đen lên nền kinh tế Hàn Quốc, vốn đang vật lộn với hàng loạt thách thức do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các biện pháp kiềm chế xuất khẩu của Nhật Bản. Ông Kim Gwang-seok đánh giá.

Theo báo cáo của WTO vào tháng 4, một cuộc chiến thương mại toàn cầu kéo dài sẽ dẫn tới Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới giảm sút và quy mô thương mại toàn cầu thu hẹp cho đến năm 2022. Đặc biệt, sự suy thoái kinh tế sẽ giáng một đòn mạnh vào GDP của Hàn Quốc. Xuất khẩu của Seoul đã giảm 8,5% trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, con số này còn có thể cao hơn, thậm chí lên tới 20%, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung và tranh chấp với Nhật Bản chưa có hồi kết. 

Chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu mới 

Ngoài tác động tiềm tàng của tranh chấp thương mại Mỹ-Trung kéo dài và biện pháp trả đũa kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc còn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi khác. Các chỉ số động thái kinh tế tổng hợp (CCI), chỉ số tổng hợp đánh giá về tình trạng cũng như xu thế hiện tại của nền kinh tế, đã đồng loạt giảm, trong khi nền kinh tế địa phương sẽ tiếp tục chững lại, thể hiện ở sự sụt giảm tăng trưởng lần đầu tiên trong quý I. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc buộc phải cải tổ chiến lược kinh doanh. Giáo sư Kim Gwang-seok khuyến nghị.

Cho đến nay, Hàn Quốc đã quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Trung Quốc. Đã đến cần lúc mở rộng các điểm đến xuất khẩu sang các thị trường mới nổi của Hàn Quốc, để không bị quá phụ thuộc vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Seoul cũng cần đảm bảo có nhiều lựa chọn thay thế về cung cấp nguyên liệu chính, ngoài Tokyo, nhằm duy trì chuỗi cung ứng ổn định ngay cả khi mối quan hệ với một quốc gia bị xấu đi. Thông qua cải cách cơ cấu, Hàn Quốc nên biến khủng hoảng thành cơ hội.

Nguồn: KBS World Radio
Quảng cáo sản phẩm