Hàng hóa 'Made in Vietnam' vẫn thu hút người Mỹ bất chấp chính sách bảo hộ của ông Trump

29/12/2017 12:00 - 454 lượt xem

Từ điện thoại di động tới đồ gỗ nội thất, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tăng trưởng, xóa tan những nghi ngờ từ đầu năm nay khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ và rút khỏi TPP.

Độ phủ của hàng hóa "Made in Vietnam" trên thế giới vẫn lớn


Việc ông Trump ngay lập tức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi nhậm chức được xem như một “đòn giáng” đối với Việt Nam, nước đang xuất khẩu khoảng 1/5 số hàng hóa sang thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, năm 2017 đánh dấu sự phục hồi của hoạt động thương mại toàn cầu, cùng với lợi thế sở hữu lực lượng lao động trẻ và giá rẻ, Việt Nam lại trở thành “thỏi nam châm” thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế. Điển hình là Nestle SA đã đầu tư xây dựng một số nhà máy ở Việt Nam trong năm qua.

Thông qua đó, kinh tế Việt Nam được củng cố vững chắc và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Bloomberg cho biết. Giới chuyên gia kinh tế dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,75% trong năm nay.

Việt Nam đang bước vào một thập kỷ rất thành công, với thành tựu là sự chuyển đổi nhanh chóng thành một công xưởng sản xuất lớn, chuyên gia kinh tế Eugenia Victorino tại Ngân hàng ANZ tại Singapore nhận định. “Sự đa dạng về hàng hóa và thị trường là điều kiện thuận lợi để xuất khẩu [của Việt Nam] tăng trưởng. Chúng tôi rất lạc quan về đà tăng trưởng kinh tế [Việt Nam] dù vẫn phải thận trọng về vấn đề cơ cấu nợ xấu,” ông Victorino nói.

Hơn nữa, kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ cũng là một thuận lợi lớn đối với Việt Nam, nước xuất khẩu lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á trong năm 2016.

Lạc quan nhưng vẫn cần thận trọng

Ông Nguyễn Sỹ Hòe, Phó Tổng giám đốc công ty Phú Tài, dự đoán xuất khẩu hàng hóa của công ty sẽ tăng 30% trong năm 2018. Phú Tài chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất cho các cửa hàng của Wal-Mart Stores Inc. tại Mỹ, với lượng xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 40%.

Trả lời Bloomberg, Tổng giám đốc Lê Duy Anh của công ty sản xuất đồ gỗ nội thất Xuân Hòa Việt Nam cũng cho biết công ty vừa đầu tư 3 triệu USD vào các trang thiết bị để mở rộng sản xuất, với kỳ vọng số đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng 20% trong năm 2018. Công ty Xuân Hòa, có trụ sở ở Hà Nội, chuyên sản xuất bàn và tủ văn phòng cho những khách hàng như Ikea.

“Tôi rất lạc quan về doanh số bán hàng trong năm tới. Chúng tôi có khách hàng mới ở châu Âu, mà các bạn hàng truyền thống cũng đặt nhiều đơn hàng hơn năm ngoái,” ông Anh cho biết.

Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục 177 triệu USD, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới khoảng 22% tổng giá trị. Điện thoại di động và linh kiện là các mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường này, chiếm 1/5 tổng xuất khẩu. Trước đó, xuất khẩu chiếm tới 90% GDP Việt Nam trong năm 2015, từ mức 64% của một thập kỷ trước, theo số liệu của World Bank.

Xuất khẩu tăng trưởng như vậy nhưng chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ 6,7% trong năm 2018, ngang với mục tiêu của năm nay.

“Có một số rủi ro tiềm ẩn trong năm 2018 mà chúng ta cần lưu ý. Các yếu tố tiêu cực có thể đến từ Mỹ và một số thị trường quốc tế khác. Nhưng hiện nay, kinh tế [Việt Nam] vẫn đang có dấu hiệu tích cực,” chuyên gia kinh tế học kiêm thành viên Tổ tư vấn kinh tế Chính phủ Vũ Minh Khương cho biết.
Nguồn: vietnambiz.vn
Quảng cáo sản phẩm