Hàng rẻ Trung Quốc gặp đối thủ

26/05/2009 12:00 - 1198 lượt xem

DN ở hầu hết các quốc gia trên thế giới cho rằng, hàng hóa Trung Quốc đang đắt hơn đồ cùng loại của Mexico nếu so sánh về giá trong mối quan hệ với chất lượng, giá thành vận chuyển và sự thay đổi về mẫu mã kiểu dáng.

Trong một thời gian dài, cả thế giới chịu áp lực về hàng giá rẻ của Trung Quốc. Nhiều nhà máy có sản phẩm cùng chủng loại với hàng nhập khẩu Trung Quốc đã phải đóng cửa hoặc tái cơ cấu vì tập đoàn mẹ đã chuyển nhiều xí nghiệp sang Trung Quốc với công nghệ mới nhất, hiện đại nhất.

Thay đổi lớn

Tuy nhiên trong khoảng 3 năm qua, theo nghiên cứu của Cty tư vấn AlixParrtners, hàng Trung Quốc - vốn một thời nổi tiếng vì rẻ - giờ đã dần mất vị trí đó. Minh chứng cụ thể được AlixPartners chỉ ra trên cơ sở so sánh loại hàng hóa sản phẩm máy móc dùng nhiều lao động như bộ phận động cơ làm bằng nhôm và loại hàng ít nhân lực như các bộ phận làm bằng chất dẻo. Nếu như năm 2005, một sản phẩm Trung Quốc khi nhập cảng Mỹ có giá rẻ hơn mặt hàng cùng loại ở đó là 22% thì tới năm 2008, mức chênh lệch chỉ còn 5,5%. Và sự khác biệt về giá này không đủ lớn để hấp dẫn người mua so với hàng loạt rắc rối có thể gặp khi phải chờ hàng nhập khẩu cách nửa trái đất. Đặc biệt giá hàng làm ở Mexico còn có tính cạnh tranh với hàng Trung Quốc nhiều hơn nữa. Vào năm 2005, hàng Trung Quốc trung bình rẻ hơn hàng Mexico 5% thì giờ đây sản phẩm từ Trung Quốc đã đắt hơn Mexico tới 20%. 

Sự chuyển đổi hiện tại

Các yếu tố lớn nhất đằng sau những thay đổi này là giá trị đồng tiền và lao động. Đồng Peso của Mexico mất giá gần 20% so với USD kể từ cuối năm 2005 trong khi Nhân dân tệ Trung Quốc đã lên giá khoảng 11%. Hơn thế, lương nhân công Trung Quốc đã tăng đều 7-8% một năm trong khi lương công nhân Mexico cũng tăng nhưng theo đồng Peso và vì thế không quá lớn khi tính theo USD. Ngoài ra, còn có các ảnh hưởng khác như giá vận tải biển tăng mạnh trong thời gian qua khi giá dầu có lúc lên đến đỉnh điểm 140 USD/thùng, trong khi đó quãng đường biển chở hàng từ Trung Quốc sang Mỹ trung bình mất 45 ngày. Chi phí kiểm kê hàng hóa càng trở thành gánh nặng trong thời kỳ suy thoái khi các nhà sản xuất rất khó khăn để dự đoán nhu cầu của thị trường Mỹ. Nếu chuyển hàng bằng máy bay thì giá bán sẽ tăng vọt và lợi nhuận không còn nhiều, thậm chí ảnh hưởng xấu đến giá bán ra.

Mặc dầu vậy, Trung Quốc vẫn là ông vua không đối thủ trong các lĩnh vực may mặc, giày dép, đồ chơi, hàng tiêu dùng điện tử và sản xuất máy tính cá nhân. Và dù cho sự nổi lên của các đối thủ cạnh tranh mới nhưng cũng không thể nhìn thấy một sự chuyển đổi ồ ạt các nhà máy khỏi Trung Quốc tới các quốc gia khác vì bản thân thị trường nội địa Trung Quốc cũng là nơi tiêu thụ rất lớn.

Cơ hội mới

Do suy thoái nên một số chuyên gia tư vấn cho rằng hầu hết các nhà sản xuất Mỹ đang cố gắng không di chuyển trong lúc này. Bất kỳ sự tiết kiệm nào đạt được bằng cách chuyển nhà máy sang Mexico cũng không giá trị bằng việc xây dựng lại và thiết lập nhà máy hiện đại, hiệu quả với đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, công nhân lành nghề. Bên cạnh đó, chẳng ai muốn chuyển mọi thứ tới Mexico để sau đó lại thấy Nhân dân tệ giảm giá trị xuống và hàng Trung Quốc lại rẻ trở lại.

Giới chuyên gia tin rằng thế giới đang chứng kiến một sự khởi đầu quá trình chuyển đổi trong đó các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ tính toán kỹ việc đặt nhà máy ở từng nước cho phù hợp, không nhất thiết tất cả công việc đều phải chuyển tới Trung Quốc nếu như chúng có thể làm tại Mexico. Sự thay đổi tư duy này của các Cty nước ngoài là một dịp để các DNVN định hình, suy nghĩ về cơ hội có thể giành được khi thế giới cấu trúc lại sự phân bổ nhà máy trên toàn cầu nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

 

Quảng cáo sản phẩm