Hiệp định kinh tế Trung Quốc - Đài Loan: Phép tính của hai bên

01/07/2010 12:00 - 1142 lượt xem

Hiệp định khung về hợp tác kinh tế (Economic Cooperation Framework Agreement – ECFA) giữa Trung Quốc và Đài Loan, chính thức được ký kết tại Trùng Khánh vào chiều thứ Ba (29-6) vừa qua, đã đưa hai bờ eo biển Đài Loan đến gần nhau nhất trong 60 năm qua, ít nhất là về phương diện kinh tế.

Cũng trong buổi chiều 29-6, hai bên đã ký kết thỏa thuận về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Từ khi ông Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) của Quốc dân đảng lên lãnh đạo Đài Loan tháng 6-2008 đến nay, hai bên đã tiến hành 4 vòng thương lượng và ký kết được 12 thỏa thuận, cho phép chuyển trực tiếp thư tín, giao thông vận tải, thương mại, du lịch và đầu tư qua lại hai bờ eo biển Đài Loan.

Tại lễ ký kết hiệp định ECFA, giới chức hai bên đều khẳng định, ECFA sẽ mở đường tiến tới sự tự do hóa thị trường sâu rộng hơn cả về hàng hóa và dịch vụ và khởi động tiến trình bảo hộ đầu tư của nhau. Báo China Daily cho biết, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về mở rộng thương mại, dịch vụ và đầu tư trong vòng 6 tháng sau ngày hiệp định ECFA có hiệu lực.

***

Trên báo Straits Times, giáo sư George Tsai thuộc Đại học Văn hóa Trung Hoa tại Đài Bắc, nhận định, những thỏa thuận này, mà mới nhất là hiệp định ECFA, sẽ có tác động sâu rộng đến nền kinh tế, chính trị nội địa của Đài Loan cũng như quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc và các nước khác. “Đây là bước quan trọng trong việc bình thường hóa kinh tế, và về mặt chính trị nó cũng có ý nghĩa lớn”, giáo sư Tsai nói.

Đài Loan là nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu và Trung Quốc lục địa là thị trường tiêu thụ khổng lồ mà hầu như nước nào cũng nhắm tới. Chính vì thế, quan chức Đài Loan hy vọng ECFA sẽ tạo cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Đài Bắc, các doanh nghiệp Đài Loan sẽ được cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp các nước ASEAN trên thị trường Trung Quốc lục địa sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Trung Quốc-ASEAN có hiệu lực từ ngày đầu năm nay.

Họ cũng hy vọng ECFA sẽ khai thông con đường hợp tác để Đài Loan có thể ký kết FTA với các quốc gia khác – một điều hiện đang bị Trung Quốc ra sức cản trở. Theo báo Economist, nếu ECFA giúp Đài Loan vượt qua được tình trạng cô lập về ngoại giao và thuyết phục được các quốc gia khác ký FTA mà không sợ bị Trung Quốc trừng phạt thì đây là một thắng lợi lớn, ngược lại nó sẽ phản tác dụng. Giáo sư Tsai dự báo: “Nếu ông Mã không nhanh chóng đem lại ích lợi cho cử tri trong vòng 20 tháng tới, ông ấy sẽ phải đương đầu với những vấn đề chính trị”.

Trước khi hiệp định ECFA được ký kết, giới chính trị đối lập ở Đài Loan tập hợp sau đảng Dân Tiến, đã tổ chức biểu tình rầm rộ ở Đài Bắc, lên án hiệp định này đem lại lợi ích cho các tập đoàn lớn mà hy sinh các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời làm rộng hố ngăn cách giàu-nghèo. Đảng Dân Tiến yêu cầu phải đưa hiệp định ECFA ra trưng cầu dân ý trước khi phê chuẩn – một yêu cầu đã bị Quốc dân đảng cầm quyền bác bỏ.

Về phần Trung Quốc lục địa, giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh đã nhân nhượng đáng kể trong các hiệp định kinh tế với Đài Loan vì muốn thể hiện cụ thể sự ủng hộ đối với đường lối của nhà lãnh đạo Đài Loan thắt chặt quan hệ kinh tế giữa hai bờ eo biển. Theo báo Economist, Bắc Kinh nghĩ rằng nhân nhượng về kinh tế sẽ gây được thiện cảm ở người Đài Loan, mở đường cho sự nghiệp thống nhất lãnh thổ trong hòa bình. Trước mắt, bằng việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Đài Loan, Bắc Kinh có thể khuyến khích người dân Đài Loan bỏ phiếu cho Quốc dân đảng của ông Mã trong cuộc bầu cử cấp tỉnh vào tháng 11, bầu cử quốc hội và tổng thống vào năm 2012, đánh bại đảng Dân Tiến đối lập.

Nội dung chính của ECFA là hai bên sẽ dành cho nhau chính sách ưu đãi thuế quan, theo đó có 800 mặt hàng thuộc nhiều ngành công nghiệp như dệt may, hóa dầu, thiết bị máy móc… sẽ được giảm thuế trong vòng hai năm tới, một số ngành dịch vụ cũng sẽ được mở cửa cho doanh nghiệp hai bên.

Cụ thể, Trung Quốc sẽ giảm thuế nhập khẩu 539 dòng sản phẩm mà Đài Loan xuất vào Trung Quốc, có giá trị khoảng 13,8 tỉ đô la Mỹ, bằng 16% tổng giá trị xuất khẩu của Đài Loan vào Trung Quốc năm ngoái; đổi lại Đài Loan cũng giảm thuế 267 dòng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, có giá trị 2,86 tỉ đô la Mỹ, tương đương 10,5% tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Đài Loan năm ngoái.

Trong lĩnh vực dịch vụ, Trung Quốc sẽ mở cửa cho doanh nghiệp Đài Loan tham gia 11 ngành dịch vụ, kể cả tài chính-ngân hàng, đổi lại Đài Loan mở cửa 9 ngành dịch vụ cho doanh nghiệp Trung Quốc lục địa. Với ECFA, các ngân hàng Đài Loan tại Trung Quốc lục địa sẽ được kinh doanh bằng đồng nhân dân tệ cùng lúc với các ngân hàng Hồng Kông, tức là sớm hơn 1 năm so với các ngân hàng nước ngoài khác.

Trong lĩnh vực nông nghiệp vốn rất nhạy cảm, Trung Quốc đã cố làm vui lòng nông dân Đài Loan khi đưa vào ECFA những ưu đãi thuế quan cho 18 dòng sản phẩm nông nghiệp và ngư nghiệp mà không buộc Đài Loan phải mở cửa thị trường nông sản cho hàng hóa Trung Quốc.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

Quảng cáo sản phẩm