Hiệp hội Dệt may phản đối Mỹ áp đặt cơ chế chống phá giá

05/12/2006 12:00 - 1422 lượt xem

"Hiệp hội Dệt may Việt Nam cực lực phản đối nếu phía Mỹ áp đặt cơ chế chống phá giá trái với quy định WTO nói trên đối với hàng dệt may Việt Nam."

Chính phủ Mỹ hiện đang tích cực vận động 2 thượng nghị sĩ Dole và Graham để nhanh chóng thông qua Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam.

Để thuyết phục 2 thượng nghị sĩ trên đồng ý, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra cơ chế về chống phá giá đối với hàng dệt may Việt Nam. Ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - cho biết quan điểm của Vitas về vấn đề này.

Thưa ông, Chính phủ Mỹ muốn sớm thông qua PNTR cho Việt Nam, nhưng tại sao lại áp đặt cơ chế chống phá giá?

Chính phủ Mỹ muốn Quốc hội sớm thông qua PNTR trước khi Tổng thống Bush sang thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 11/2006. Hiện nay quy chế PNTR này bị cản trở, chưa được đưa ra biểu quyết là vì bị "giữ lại" bởi hai thượng nghị sĩ Dole và Graham.

Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo với hai thượng nghị sĩ trên là sẽ áp đặt cơ chế chống phá giá đặc biệt đối với hàng dệt may Việt Nam để thuyết phục họ thông qua PNTR. Cơ quan đại diện thương mại Mỹ đã có cuộc họp với các doanh nghiệp Mỹ 30/9/2006, nhằm thông báo về cơ chế giám sát đặc biệt và chống bán phá giá với hàng dệt may Việt Nam.

Khi áp dụng biện pháp này, hàng tháng phía Mỹ sẽ khảo sát số lượng, giá cả hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ và so sánh với nước thứ ba để đưa ra căn cứ áp dụng biện pháp chống phá giá đối với hàng dệt may Việt Nam.

Vậy quan điểm của các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các nhà nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam như thế nào trước sự việc này, thưa ông?

Họ không đồng ý vì điều này gây bất lợi cho các nhà nhập khẩu Mỹ và gây thiệt hại rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Nhiều nhà nhập khẩu lớn của Mỹ như Nike, JC Penny... cho biết, nếu Mỹ áp đặt biện pháp tự vệ đối với hàng dệt may Việt Nam thì họ sẽ đưa đơn hàng ra khỏi Việt Nam, đặt hàng ở các nước khác.

Thưa ông, như vậy có nghĩa rằng Việt Nam vào được WTO nhưng ngành dệt may sẽ bị trả giá? Quan điểm của ông về vấn đề này?

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cực lực phản đối nếu phía Mỹ áp đặt cơ chế chống phá giá trái với quy định WTO nói trên đối với hàng dệt may Việt Nam. Cho đến nay, theo tôi được biết thì phía Mỹ cũng chưa chính thức bàn bạc với Chính phủ Việt Nam về cơ chế này.

Việc làm này của Hoa Kỳ thể hiện sự phân biệt đối xử với Việt Nam, trái với quy chế đối xử bình đẳng đối với các nước WTO. Hơn nữa, việc làm này vi phạm điều khoản về phân biệt đối xử (MFN) trong Hiệp định về thuế quan và thương mại (GATT).

Việc đề nghị cơ chế chống phá giá nói trên là một việc làm không đúng đắn của Chính phủ Mỹ. Tôi cho rằng điều này còn tệ hại hơn so với việc áp đặt hạn ngạch (quota) đối với hàng dệt may Việt Nam.

Bởi vì với cơ chế chống phá giá, bất cứ lúc nào phía Mỹ cũng có thể áp đặt mức thuế cao để ngăn chặn hàng dệt may Việt Nam. Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp trở ngại rất lớn.

Các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ, do không tiên liệu được chương trình nhập hàng, sẽ rút đơn đặt hàng tại Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gây khó khăn cho người lao động.

Bởi vậy, quan điểm của Hiệp hội Dệt may Việt Nam là không chấp nhận thông qua PNTR bằng biện pháp áp đặt cơ chế đặc biệt chống phá giá đối với ngành dệt may ngoài khuôn khổ WTO. Việt Nam không nên vào WTO bằng mọi giá.

Theo tin mới nhất, 2 thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Dole và Lindsey Graham, đại diện cho lợi ích các tập đoàn dệt may Mỹ, tuyên bố ngừng ngăn cản Quốc hội Mỹ thông qua PNTR với Việt Nam, sau khi nhận được cam kết bằng văn bản của Chính phủ Mỹ rằng sẽ theo dõi và công bố hàng tháng các dữ liệu liên quan đến hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam và chủ động tiến hành điều tra nếu phát hiện dấu hiệu bán phá giá.

(Nguồn: VNECONOMY)

Quảng cáo sản phẩm