Hỗ trợ làm hàng xuất khẩu: nguy cơ bị trừng phạt thương mại

18/03/2009 12:00 - 825 lượt xem

Để kích thích xuất khẩu, vừa qua, Chính phủ đã tiến hành nhiều biện pháp như: hỗ trợ lãi suất, phê duyệt gói hỗ trợ xúc tiến thương mại đợt 1; chỉ đạo ngành hải quan đơn giản hoá các thủ tục xuất, nhập khẩu... Các chính sách này có tác dụng nhất định hỗ trợ xuất khẩu, không vi phạm các nguyên tắc của tổ chức Thương mại quốc tế (WTO). Gần đây, một số bộ, ngành, hiệp hội đang bàn một số giải pháp khác, nếu thực hiện sẽ vi phạm các nguyên tắc của WTO, có ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu của Việt Nam.

Tuần qua, một số báo đưa tin bộ Công thương có chính sách hỗ trợ trực tiếp một số ngành xuất khẩu như dệt may, da giày…, cụ thể hỗ trợ 40đ/USD giá trị xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Theo nguồn tin của Sài Gòn Tiếp Thị, đây mới là chủ trương được bàn bạc ở cấp bộ, chưa được chính thức thực hiện. Hơn nữa, kế hoạch này cũng phải lấy ý kiến từ bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt.

Theo nguyên tắc của WTO, cấm hỗ trợ trực tiếp cho xuất khẩu. Hơn nữa, việc hỗ trợ 40đ/1USD xuất khẩu cũng không nhiều: cả ngành dệt may nếu năm nay xuất khẩu được 10 tỉ USD, thì số tiền hỗ trợ cũng chỉ chiếm hơn 0,2% kim ngạch xuất khẩu. Số tiền đó nếu phân bổ cho hai triệu người lao động của ngành, cũng được thêm khoảng 200.000đ/người.

Cũng trong tuần qua, bộ Công thương, hiệp hội Cơ khí đã đề xuất cơ chế chỉ định thầu các dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách cho các doanh nghiệp sản xuất hàng cơ khí trong nước, hoặc cho doanh nghiệp Việt Nam làm tổng thầu. Doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia phải liên danh hoặc làm thầu phụ. Đề xuất này cũng vi phạm quy định cấm phân biệt đối xử về hàng hoá, dịch vụ theo nguyên tắc của WTO.

Từ cuối năm 2008 đến nay, xu hướng bảo hộ, tăng cường các rào cản thương mại ở các nước ngày càng rõ. Ví dụ như Nhật Bản đã siết chặt hơn các điều kiện về tiêu chuẩn, kỹ thuật với sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu; Hoa Kỳ và Pháp ra quy định cao hơn, giảm tỷ lệ hàm lượng chì, keo trong gỗ nhập khẩu của Việt Nam xuống rất thấp. Vừa qua, 10.3, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật PBNS, phần báo cáo kèm theo dự luật vẫn giữ nguyên các từ, ngữ yêu cầu giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Các cơ quan Việt Nam sẽ còn phải đấu tranh rất vất vả nếu muốn quy định này không được thực hiện.

Tất cả các việc kể trên, tuy không có liên quan trực tiếp gì đến các chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam gần đây, tuy nhiên, nó đang gióng lên hồi chuông báo động cho những người làm chính sách phải hết sức chú ý để tránh việc bị áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu của các nước. Các biện pháp tăng cường về hàng rào thuế quan, hạn chế nhập khẩu ở một số nước trên thực tế đã và đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam đã từng áp dụng cơ chế thưởng xuất khẩu trong nhiều năm, và đã phải từ bỏ chính sách này sau khi gia nhập WTO. Nay càng không có lý do gì quay lại một chính sách như vậy.

Xuất khẩu đang rất cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, có nhiều hình thức hỗ trợ cần thiết khác cho doanh nghiệp mà không vi phạm các quy định của WTO, nhưng đáng tiếc là các bộ, ngành chức năng lại chưa nghiên cứu, đề xuất thực hiện sớm. Ví dụ như hỗ trợ về xúc tiến thương mại, hiện nay, mới chỉ được 63 tỉ đồng kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia đợt 1, trong khi, kinh phí đợt 2, nghe nói chỉ hơn đợt 1 là 10 tỉ đồng. Hay việc hỗ trợ cho công tác đào tạo lao động, hỗ trợ cho người lao động về tiền đóng bảo hiểm xã hội, tiền thuê nhà; đầu tư nghiên cứu, cải tiến về thiết kế, mẫu mã hàng hoá… là cách hỗ trợ hợp lý, chẳng ai cấm, thì lại không thấy bộ Công thương hay bộ Tài chính đề xuất.

Mạnh Quân

Nguồn: http://www.baomoi.com
Quảng cáo sản phẩm