Hoa mắt với nguồn gốc hàng nhập khẩu

19/01/2009 12:00 - 1041 lượt xem

TT - Thị trường tết hàng nhập khẩu về nhiều, người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn, nhưng bên cạnh đó tình trạng lập lờ nguồn gốc của nhiều mặt hàng cũng diễn ra khá phổ biến.

Tình trạng trên xảy ra chủ yếu  ở các mặt hàng điện tử, điện máy, vật dụng gia đình, kể cả một số mặt hàng thực phẩm.
Rối rắm nguồn gốc

Tại một trung tâm mua sắm trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM) hỏi mua chiếc máy từ điển có giá khoảng 2,9 triệu đồng. Nhân viên cửa hàng này giới thiệu đây là hàng sản xuất tại Mỹ, do một công ty ở VN nhập về. Nhưng khi hỏi về hãng sản xuất của chiếc máy, nhân viên này chỉ trả lời chung chung: “Hàng này đặt làm bên Mỹ nên chị cứ yên tâm về chất lượng”.  Trong khi đó vẫn sản phẩm này, một nhân viên khác lại cho rằng đây là hàng lắp ráp tại Trung Quốc do Hãng Panasonic (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, trên chiếc máy không hề có bất cứ thông tin nào để khẳng định đây là hàng của Panasonic.

Tương tự,  anh Nguyễn Văn Nam (Q.2, TP.HCM) kể: “Tôi vừa mua một bếp gas âm tại một trung tâm điện máy ở Q.Phú Nhuận. Thông tin trên sản phẩm cho biết đây là hàng xuất xứ Nhật Bản. Nhưng sau khi mua tôi mới biết chiếc bếp này lắp ráp tại Đài Loan”.

Đến các trung tâm điện máy hoặc siêu thị có thể thấy thị trường tết năm nay rất nhiều nhãn hàng mới. Nhân viên bán hàng giới thiệu đây là hàng Mỹ lắp ráp tại Trung Quốc, hoặc hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng theo công nghệ châu Âu… Tuy nhiên, trừ những thương hiệu đã quá nổi danh, người tiêu dùng không  biết đường nào mà lần vì nhân viên chỉ giải thích bằng… lời nói, còn trên catalogue hay tờ bướm giới thiệu không có gì để chứng minh những nhãn hiệu kia là của Mỹ hay Đức, Nhật…

Ở các mặt hàng thực phẩm, tình trạng này không phổ biến như hàng điện máy, đồ gia dụng nhưng vẫn xuất hiện ở một số cửa hàng bán lẻ. Tại một tiệm bán đồ khô trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, một số sản phẩm như: bánh mì, bơ, phômai… được nhân viên cho biết là hàng nhập khẩu. Tuy nhiên trên bao bì, nhãn mác những mặt hàng này cũng không ghi rõ nơi sản xuất. Nhiều người có kinh nghiệm mua sắm cho biết tình trạng lập lờ, ém nhẹm thông tin xuất xứ hàng hóa này không chỉ có những cửa hàng bán lẻ, mà còn xuất hiện ở những siêu thị.

Quản lý: bó tay?

Ông Trần Thành Công, cục phó Cục Quản lý chất lượng hàng hóa, đại diện miền Nam, cho biết theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm tra hàng nhập khẩu chính ngạch thuộc nhóm II (có nguy cơ mất an toàn) trước khi đưa vào lưu thông, còn những mặt hàng khác không thể kiểm tra hết. Theo ông Công, những mặt hàng được kiểm tra này tỉ lệ vi phạm là rất thấp, nhưng trên thị trường số lượng vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa là rất lớn do hàng nhập khẩu không chính ngạch về nhiều. “Phần nhiều hàng hóa vi phạm quy định về nhãn mác là đồ điện do Trung Quốc sản xuất được nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, hoặc hàng không thuộc danh mục bắt buộc kiểm tra chất lượng…” - ông Công nói.

Qua những lần kiểm tra gần đây, hầu hết vi phạm đều xoay quanh việc ghi nhãn hàng hóa. Trong đó, những nội dung bắt buộc phải ghi như xuất xứ hàng hóa thường bị nhà nhập khẩu bỏ qua hoặc ghi mập mờ, xóa hoặc sửa lại hạn sử dụng, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, hoặc có nhưng nội dung không đầy đủ khiến người tiêu dùng hiểu sai nội dung nhãn gốc… “Các hành vi trên nhằm đánh lừa người tiêu dùng để bán giá cao” - ông Công nhận xét.

Theo ông Công, các biện pháp chế tài không đủ răn đe là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Lời khuyên của ông Công là người tiêu dùng nên mua hàng hóa tại các đại lý chính hãng, yêu cầu tư vấn từ những công ty có văn phòng đại diện tại VN, tra cứu mã hàng hóa trên trang web của những nhà sản xuất…
Những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu

Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, tùy theo tính chất mỗi loại hàng hóa, nhãn hàng hóa còn bắt buộc phải thể hiện các nội dung về định lượng, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo, thông số kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng và bảo quản…

Trường hợp ghi nhãn phụ: trường hợp ghi thêm những nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật VN về ghi nhãn hàng hóa mà nhãn gốc không có thì tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với nội dung ghi. Những nội dung ghi thêm trên nhãn phụ không được gây hiểu sai nội dung của nhãn gốc.

(Nguồn: nghị định 89/2006NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Thông tư 09/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thực hiện nghị định 89)

Nguồn: Tuổi trẻ Online
Quảng cáo sản phẩm