Hội thảo “Chính sách và quy định về xuất xứ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại” ngày 27/9/2019

02/10/2019 12:00 - 964 lượt xem

Trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế thời gian gần đây đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra căng thẳng, đồng thời các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới đang ngày càng gia tăng thực thi các chính sách bảo hộ mậu dịch và phòng vệ thương mại (PVTM), hàng xuất khẩu Việt Nam theo đó đã, đang và sẽ phải chịu tác động đáng kể tại các thị trường xuất khẩu.

Chính sách thương mại của các nước thời gian vừa qua đang chứng kiến các xu thế có phần trái ngược nhau. Một mặt nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đẩy mạnh việc tự do hóa thương mại thông qua việc ký kết, gia nhập các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực. Mặt khác, xu thế bảo hộ trên thế giới đang gia tăng, đặc biệt là việc sử dụng các biện pháp bảo hộ dưới các hình thức như chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ như một công cụ để ngăn cản hàng nhập khẩu. Các yếu tố trên đã đặt ra các thách thức lớn, có liên quan trực tiếp tới các nội dung về PVTM trong thời gian tới. 

Trước tình hình diễn biến trên, ngày 04 tháng 7 năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” (Đề án 824) trong đó đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật PVTM của Việt Nam cũng như của WTO và một số nước trên thế giới để nâng cao nhận thức và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ PVTM.

Nhằm phân tích thực trạng, đưa ra cảnh báo và các khuyến nghị cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam để ngăn ngừa nguy cơ bị điều tra cũng như cách thức ứng phó hiệu quả khi bị kiện chống lẩn tránh biện pháp PVTM và chống gian lận xuất xứ, Cục PVTM đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo về “Chính sách, quy định về xuất xứ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại” tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội thảo có sự tham dự và phát biểu khai mạc của Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cùng sự tham gia của 150 đại biểu từ các cơ quan Ban/Ngành tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; các Hội, Hiệp hội; cộng đồng doanh nghiệp; các Viện - Trường và các cơ quan báo chí & truyền thông. Đặc biệt hội thảo có sự sự chia sẻ của ông Robert Thommen, đại diện Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ về những quy định điều tra chống gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh biện pháp PVTM của Hoa Kỳ.

Vấn đề lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ đang được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây khi môi trường thương mại quốc tế có những biến động phức tạp.

Thời gian qua, nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như sắt thép, xe đạp điện, pin năng lượng mặt trời, gỗ ván ép… có kim ngạch xuất khẩu gia tăng đột biến từ 20% đến 50%, khiến nhiều mặt hàng của Việt Nam bị các đối tác nhập khẩu điều tra chống lẩn tránh thuế.

Bản chất của các biện pháp này thường chỉ hướng đến những mặt hàng có xuất xứ từ một hoặc một số quốc gia nhất định. Điều này tạo động cơ cho các hành vi gian lận nhằm hưởng lợi bất chính do có sự chênh lệch thuế nhập khẩu giữa hàng hoá đến từ các quốc gia bị áp dụng đến các quốc gia không bị áp dụng biện pháp PVMT.

“Các hành vi như vậy, nếu diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam, có thể chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một bộ phận rất nhỏ doanh nghiệp, nhưng sẽ ảnh hưởng đến đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của hàng xuất khẩu Việt Nam một khi những hành vi này bị các cơ quan chức năng của nước sở tại điều tra và phát hiện” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định. Trước thực trạng này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Cụ thể, Bộ đã ban hành kế hoạch hành động của Bộ Công Thương để triển khai Đề án 824; thành lập Tổ công tác liên ngành về phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ; xây dựng danh sách hàng hóa cảnh báo sớm; phối hợp, cung cấp thông tin tới các cơ quan liên quan để tăng cường kiểm tra, theo dõi và triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Đề án.

Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa đối với các vụ việc lốp ô tô, thép cán mạ phủ sơn, tôm, pin năng lượng mặt trời xuất khẩu sang EU... Trong các vụ việc này, sau khi kiểm tra những trường hợp nghi vấn, làm rõ thông tin, Bộ đã có kiến nghị và chuyển các đơn vị liên quan xử lý; đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ, EU trong các vụ việc điều tra.

Nhân hội thảo này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không tiếp tay cho những hành vi gian lận và sẽ cùng phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi này. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Tăng trưởng xuất khẩu này cần phải đến từ việc gia tăng năng lực sản xuất thật sự của mỗi doanh nghiệp và của toàn bộ nền kinh tế. Tăng trưởng xuất khẩu không thể đến từ việc hàng hóa của một nước thứ ba núp bóng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi nước khác. Có như vậy mới đảm bảo được sự phát triển bền vững của xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế”.

Tại hội thảo, bà Phạm Hương Giang - Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ, Cục PVTM đã thông tin chi tiết những quy định và thực tiễn của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới về biện pháp chống lẩn tránh PVTM. Bà Giang cho biết, lẩn tránh các biện pháp PVTM là trốn tránh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thực thi biện pháp PVTM mà phổ biến là lẩn tránh thuế PVTM.

Có rất nhiều hình thức lẩn tránh các biện pháp PVTM từ đơn giản đến phức tạp; trong đó phổ biến nhất là hoạt động chuyển tải hàng hóa sang nước thứ ba để lấy xuất xứ, ngoài ra còn có các hình thức khác như khai sai xuất xứ, mô tả sản phẩm, dán lại nhãn hàng hóa, khai trị giá nhập khẩu thấp hơn thực tế...

Theo bà Phạm Hương Giang, cho đến nay, Việt Nam chưa điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp mà mới chỉ khởi xướng một vụ điều tra chống lẩn tránh thuế tự vệ đối với hàng nhập khẩu là thép dây cán nguội. Tuy nhiên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu bị điều tra chống lẩn tránh khá nhiều với 20 vụ với 17 mặt hàng ở các thị trường EU, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ và Braslzil, trong đó có 11 vụ đang bị áp thuế, 2 vụ đang điều tra. Đáng lưu ý là đa số các vụ điều tra liên quan lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp áp với hàng Trung Quốc lắp ráp tại Việt Nam. Dự kiến, xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng do có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng trong các gói biện pháp tương đối rộng.

Tuy nhiên, bà Giang cho biết thêm, việc phát hiện lẩn tránh PVTM đang ngày càng khó khăn hơn khi các doanh nhiệp sử dụng những phương thức lẩn tránh phức tạp hơn như: lẩn tránh thuế từ thượng nguồn sản phẩm, không xuất khẩu sản phẩm mà xuất khẩu linh kiện lắp ráp sang các nước không bị áp thuế PVTM (nước thứ ba). Hoặc thay đổi một số chi tiết nhỏ sản phẩm bị áp thuế PVTM; Xuất khẩu thông qua công ty có mức thuế thấp hơn hoặc thông qua các công ty đa quốc gia. Ngoài ra các công ty đã bị vi phạm sẽ chống lẩn tránh bằng việc cho ra đời các sản phẩm theo series, vòng đời ngắn, làm giảm thời hạn điều tra áp thuế. Thậm chí còn có công ty thay đổi hình dạng của sản phẩm,... Với các hình thức lẩn tránh này, khi bị nước điều tra phát hiện sẽ tiếp tục có những điều chỉnh, áp dụng điều tra và áp thuế mạnh hơn nữa lên không chỉ doanh nghiệp mà cả ngành sản xuất của nước thứ ba.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh căng thẳng thương mại thế giới có nhiều biến động, nguy cơ chuyển tải hàng hóa từ nước bị áp thuế phong vệ thương mại qua Việt Nam xuất khẩu vào nước áp thuế là rất lớn. Trước tình hình trên, Cục Xuất nhập khẩu cần tăng cường kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, đồng thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu.

Mặt khác, bà Trịnh Thị Thu Hiền cũng khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp trong nước chủ động tìm hiểu, tuân thủ quy tắc xuất xứ hàng hóa, phòng tránh, ngăn chặn hành vi chuyển tải hàng hóa, gian lận thương mại để đảm bảo được sự phát triển bền vững của xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, bà Hiền cũng giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp trong việc đảm bảo quy tắc xuất xứ của sản phẩm theo quy định FTA mà Việt Nam đang tham gia và khuyến nghị các hoạt động cần làm để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trong bối cảnh căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc vẫn tiếp diễn.

Ông Robert Thommen, đại diện của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ tại khu vực đã trình bày về pháp luật của Hoa Kỳ đối với các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Ông Ông Robert Thommen cho biết các hành vi gian này gây thất thoát và thiệt hại cho nên công nghiệp Hoa Kỳ và thực tế nước này đã gia tăng điều tra các vụ chống phá giá và chống trợ cấp. Số liệu thống kê cũng cho thấy, Trung Quốc chiếm 30% tổng số vụ việc chống phá giá và chống trợ cấp kể từ 2000 đến nay của Hoa Kỳ. Tuy gian lận xuất xứ/chuyển tải bất hợp pháp không phải một vấn đề mới nhưng Hoa Kỳ cũng đã đưa ra một số định hướng cho việc giải quyết tình trạng gian này như: xây dựng năng lực cho các cơ quan cấp chứng nhận xuất xứ và/hoặc Cục Hải quan cũng như chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hải quan trong và ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. 

Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo cũng nhất trí cho rằng muốn chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp PVTM cần có sự chung tay của cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng các quy định về xuất xứ hàng hóa; chú trọng đào tạo cán bộ nghiệp vụ chuyên phụ trách hoạt động về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để các cán bộ trong doanh nghiệp biết cách kê khai và biết được thủ tục xin cấp C/O.

Các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với đối tác thương mại lớn, nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện PVTM, lẩn tránh biện pháp PVTM đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo để các doanh nghiệp nhận thức, thận trọng trong hợp tác làm ăn, tránh tiếp tay cho các hành vi lợi dụng, gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí thiệt hại đến các ngành sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ trong việc cập nhật thông tin; theo dõi, ngăn chặn và xử lý hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Hội thảo “Chính sách, quy định về xuất xứ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại” là một trong những hoạt động triển khai Đề án 824 nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh bất hợp pháp các biện pháp phòng vệ thương mại và định hướng phát triển sản xuất, xuất khẩu theo hướng bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế cũng như bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Đề án 824 đặt ra 03 yêu cầu lớn cho các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương. Một là, tiếp tục nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại tự do. Hai là, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi bất hợp pháp hoặc để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, giúp phát triển bền vững hoạt động xuất khẩu của nước ta. Ba là, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế, trong đó có quyền và lợi ích của các doanh nghiệp chân chính của Việt Nam.

Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại

Quảng cáo sản phẩm