Khó chứng minh DN VN nhận thức đủ việc đổi tên cá

26/11/2006 12:00 - 1672 lượt xem

(VietNamNet) - "Đa số các tay bán cá lẻ ở Mỹ và Canada đều tham gia vào vụ gian lận và đã hưởng lợi. Chi tiết này có thể làm người ta tự hỏi vậy tại sao những tay bán cá lẻ này lại không có tên trong bản cáo trạng" - phân tích của Tiến sĩ luật người Mỹ, ông Eli Angell Mazur (Giảng viên chương trình Fulbright)

>> Đề nghị Bộ Ngoại giao thuê luật sư cho ông Bửu Huy

Chưa có nhiều thông tin về vụ này, vì thế rất khó bình luận. Nên nhớ rằng vụ này chỉ là bước đầu tiên của 1 tiến trình tố tụng. Vì thế, phòng chưởng lý mới đưa ra bản buộc tội.

Phòng chưởng lý khác với tòa xét xử. Tòa xét xử quyết định xem bị cáo vô tội hay có tội. Ngược lại, phòng chưởng lý quyết định bên nguyên đơn (ở đây là chính phủ Mỹ) có đầy đủ bằng chứng hay chưa nhằm buộc tội bên bị đơn trong 1 bản cáo trạng – đây là thủ tục đầu tiên trong tiến trình một vụ kiện. Một bản cáo trạng được ban hành bởi một đoàn bồi thẩm, tuy nhiên đoàn bồi thẩm chỉ nghe chứng cứ buộc tội từ phía nguyên đơn (chính phủ Mỹ).

Phía bị đơn không có trách nhiệm tham dự phiên tòa hay trình bất cứ chứng cứ gì. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì trong giai đoạn này, phòng chưởng lý sẽ không xác định bị đơn là có tội hay không, chỉ đơn thuần là bên nguyên (chính phủ Mỹ) đã sử dụng quyền cho phép của hệ thống pháp luật để điều tra thêm những hành động của bị đơn. Ví dụ, khi phòng chưởng lý phát cáo trạng – một chỉ thị chính thức đối với bị đơn, chính phủ có nhiều biện pháp hợp pháp trong tay để yêu cầu nhân chứng ra tòa cung cấp lời khai, yêu cầu cung cấp thông tin từ cá nhân và các công ty có liên quan. Bản cáo trạng không có nghĩa là cá nhân hay công ty có tội; nó không phải là bằng chứng buộc tội.

Trong trường hợp này, cáo trạng buộc tội Bửu Huy, một số công ty Việt Nam và Mỹ đã tham gia vào vụ gian lận cố tình ghi sai nhãn cá tra, cá basa rồi nhập vào Mỹ để trốn thuế.

Bản cáo trạng cũng buộc tội 2 người khác và 2 công ty Mỹ dính líu vào một vụ việc khác liên quan, bán số cá nhập khẩu này với tên gọi khác (cá mú, cá vược,…) ở Mỹ và Canada.

Về bản chất, cáo trạng này muốn nói lên hành vi gian lận là để trốn thuế từ năm 2002 đến 2005. Sự vụ chỉ đổ bể khi một quản đốc của 1 công ty thủy sản (điều hành bởi cả người Mỹ và Việt) tiết lộ với khách hàng (những công ty bán lẻ ở Mỹ) của công ty này.

Mặc dù bị cáo trong vụ này bị truy tố hình sự, và có nguy cơ bị phạt tù, tuy nhiên, các công ty Việt Nam bị đề cập trong bản cáo trạng chỉ bị truy cứu dân sự. Nếu có tội, các cá nhân có thể bị phạt tù. Câu hỏi lớn là các công ty Việt Nam có bị truy tố hay không phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề nhận thức. Liệu các công ty Việt Nam dính líu này có biết cá xuất khẩu của mình có bị ghi sai tên gọi hay không? Dễ dàng chứng minh rằng các công ty Mỹ và công ty liên doanh giữa Mỹ - Việt đều biết thông tin ghi sai nhãn này, tuy nhiên, để chứng minh công ty Việt Nam xuất khẩu cá tra biết sự gian lận là một điều khó khăn hơn đối với tòa án Mỹ.

Hơn thế nữa, một chi tiết thú vị khác đó là ông quản đốc, người đã tiết lộ vụ việc, đã được trích dẫn lời như sau “đa số các tay buôn cá đều biết cá này không phải là cá mú nhưng họ vẫn tiếp tục mua bán vì có lợi nhuận”. Lời trích dẫn này được đề cập trong lệnh bắt người của Tòa án Panama. Điều này chứng tỏ đa số các tay bán cá lẻ ở Mỹ và Canada đều tham gia vào vụ gian lận và đã hưởng lợi.

Chi tiết này có thể làm người ta tự hỏi vậy tại sao những tay bán cá lẻ này lại không có tên trong bản cáo trạng.

Doanh nghiệp lâm nạn vì... nhẹ dạ

Việc ông Bửu Huy, phó giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản An Giang, giám đốc xí nghiệp đông lạnh thuỷ sản AFIEX bị câu lưu tại Bỉ và 4 doanh nghiệp Việt Nam bị Toà án Mỹ khởi tố với cáo buộc có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế khiến các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản (đặc biệt là chế biến xuất khẩu sản phẩm cá da trơn) hết sức hoang mang.

Các doanh nghiệp “mù” luật!

Theo một nguồn tin từ các doanh nghiệp chuyên chế biến mặt hàng cá da trơn ở ĐBSCL, từ sau khi vụ kiện bán phá giá cá da trơn của Việt Nam bùng phát, nhiều đối tác Việt kiều Mỹ đã “thay tên đổi họ” sản phẩm cá da trơn.

Các đối tác lý giải, người tiêu dùng ở thị trường Hoa Kỳ không hề quan tâm đến tên gọi cụ thể của sản phẩm cá da trơn phi lê (là tra, basa hay cá gì không quan trọng) mà họ chỉ cần biết giá bán có rẻ không và ăn có ngon hay không.

Vì vậy, sản phẩm phi lê cá da trơn Việt Nam đã được các đối tác nhập khẩu ở Mỹ nhập khẩu vào thị trường này dưới nhiều tên gọi khác nhau như: cá mú, cá lóc, cá vược... Các doanh nghiệp Việt Nam không hề quan tâm đến chuyện này. Xưa nay, hàng nông sản Việt Nam chỉ xuất thô, bên nhập khẩu họ muốn gán thương hiệu, chỉ dẫn gì là chuyện của họ, một nhà xuất khẩu cá ở An Giang tâm sự.

Chỉ đến khi ông Bửu Huy bị câu lưu và 4 doanh nghiệp Việt Nam bị Tòa án Hoa Kỳ khởi tố vì hành vi “thay tên đổi họ” sản phẩm cá da trơn và bị cho là gian lận thương mại và trốn thuế, nhiều doanh nghiệp mới tá hỏa. Một doanh nghiệp chế biến cá da trơn ở An Giang nói rằng, hình như lâu nay các doanh nghiệp ở ĐBSCL chỉ lo làm ăn chứ chưa nghiên cứu kỹ các điều luật thương mại của phía Hoa Kỳ nên mới xảy ra cơ sự này. Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp Việt Nam rơi vào hoàn cảnh này, hoàn toàn bất ngờ và không lường đựơc hậu quả trầm trọng như vậy.

Đã khuyến cáo nhưng doanh nghiệp không hiểu vấn đề

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thuỷ sản tỉnh An Giang đã nói như vậy vào sáng 14/5/2006. Theo ông Khánh, chuyện “thay tên đổi họ” sản phẩm cá da trơn phía Hiệp hội đã nghe dư luận râm ran lâu nay và Hiệp hội từng khuyến cáo các doanh nghiệp. Hiện tại VCCI chi nhánh Càn Thơ đang cho người liên hệ các bên tìm hiểu chi tiến vấn đề để có các giải pháp thích hợp. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp chế biến thuỷ sản cho rằng, sự việc này là một bài học rất đắt giá đối với doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với các đối tác nước ngoài.

Anh Vũ

Quảng cáo sản phẩm