Kiềm chế nhập siêu từ năm 2008 nhìn tới 2009: Công tác dự báo phải đặt lên hàng đầu

12/01/2009 02:08 - 1043 lượt xem

Trong khi nhập siêu đang đà tăng phi mã với con số 14,41 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm 2008, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cam kết với Chính phủ sẽ kiềm chế nhập siêu không quá 20 tỉ USD.

CôngThương - Trong thời điểm nhạy cảm đó, lời cam kết về con số “20 tỉ” đã góp thêm yếu tố làm yên lòng các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng và đặc biệt là đã giữ vững được sự biến động về tỉ giá trong nước.

“Kìm cương” đúng thời điểm

Nhiều ý kiến lúc đó quan ngại rằng, với đà tăng trưởng của nhập siêu như vậy, 20 tỉ USD là một ranh giới cực kỳ mong manh, khó khả thi. Bởi vì như vậy có nghĩa 6 tháng cuối năm, nhập siêu phải được kìm ở mức dưới 1 tỉ USD/tháng, trong khi tốc độ NK của hầu hết các mặt hàng có kim ngạch chiếm tỉ trọng lớn liên tục tăng cao cả về số lượng và trị giá.

Việc cam kết khống chế mức nhập siêu không vượt quá 20 tỉ của Bộ Công Thương đã được trù tính và kèm theo đó là hàng loạt các nhóm giải pháp mang tính cấp bách. Cụ thể, ngoài khả năng tăng cường XK, thu hẹp khoảng cách nhập siêu, có từng giải pháp đối với từng nhóm mặt hàng NK như: đối với nhóm mặt hàng cần NK và nhóm mặt hàng NK cần kiểm soát, tuy phục vụ cho sản xuất và đầu tư, nhưng vẫn phải tính đến khả năng giảm NK hợp lý ở 2 nhóm này thông qua việc lập các đoàn kiểm tra liên ngành về việc sử dụng các mặt hàng NK có kim ngạch lớn như: sắt thép, phôi thép, máy móc... để đề xuất các biện pháp giảm cầu và hạn chế NK; kiểm soát chặt chẽ hiệu quả các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư công; khuyến khích tiết kiệm trong sản xuất xây dựng và tiêu dùng; đẩy mạnh sản xuất, sử dụng hiệu quả nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập, nhất là tại các dự án, các công trình lớn...

Đối với nhóm mặt hàng hạn chế NK như hàng tiêu dùng chưa cần thiết hoặc có thể thay thế, được áp dụng các biện pháp như nâng thuế suất thuế NK tới trần của khung thuế suất theo cam kết; nâng thuế tiêu thụ đặc biệt; nộp thuế NK trước khi nhận hàng; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng và bảo lãnh cho vay NK hàng trả chậm, đồng thời tăng cường tuyên truyền người dân triệt để thực hành tiết kiệm, tích cực sử dụng hàng trong nước...

Năm 2008 chứng kiến một tần suất hiếm thấy trong điều chỉnh thuế XNK đối với nhiều mặt hàng. Một mặt, những điều chỉnh này vẫn tuân thủ đúng theo các cam kết thuế quan giữa các nước thành viên khối ASEAN và theo lộ trình gia nhập WTO; mặt khác, đây cũng là ứng xử của nhà điều hành chính sách trước những diễn biến tiêu cực từ thâm hụt thương mại. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã liên tục giao ban, yêu cầu các cục, vụ chức năng theo dõi sát sao hoạt động NK hàng tháng, để từ đó nhanh chóng đưa ra các giải pháp kịp thời. Một trong những giải pháp đem đến thành quả cao nhất trong vấn đề kiềm chế nhập siêu đó chính là áp dụng chế độ cấp phép tự động đối với một số mặt hàng tiêu dùng và sa sỉ phẩm như: ôtô, xe máy, xe đạp máy, điện thoại di động, quần áo và hàng may mặc phụ trợ, cà phê, chè, dầu ăn… Quyết định này được ban hành từ 1/8/2008, và được áp dụng từ tháng 9.

Theo Vụ Xuất nhập khẩu (XNK) Bộ Công Thương, có thể nói, nhờ có áp dụng biện pháp này mà kim ngạch NK hàng tháng đã giảm đi rõ rệt, vả lại đây là những mặt hàng không thiết yếu, trong nước có thể đáp ứng được nên hạn chế NK được là rất tốt.

Các giải pháp giảm nhập siêu năm 2009

Theo Bộ Công Thương, NK năm 2009 vào khoảng 91 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2008, trong đó nhập siêu sẽ ở mức 18,68 tỉ USD, chiếm khoảng 25,8% kim ngạch XK. Sở dĩ đưa ra con số được nhìn nhận là không cao so với năm 2008 này là bởi Bộ Công Thương đã dự báo, năm 2009, do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của 4 mặt hàng chủ chốt là sắt thép, phôi thép, phân bón, xăng dầu giảm mạnh, từ 30 đến 50% (ước giảm theo giá của 4 mặt hàng trên khoảng 6 tỷ USD) so với năm 2008 làm cho trị giá NK giảm nhiều mặc dù số lượng có thể tăng nhẹ. Mặt khác, việc NK số lượng lớn sắt thép, phôi thép, phân bón để đầu cơ khiến giá lên như năm qua nhiều khả năng không còn. Thêm vào đó, nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động nên lượng xăng, dầu NK năm 2009 sẽ giảm, ước đạt 11 triệu tấn với kim ngạch khoảng 6 tỷ USD (giá bình quân 545 USD/tấn), giảm thêm 5 tỷ USD so với năm 2008. Ngoài ra, do khó khăn về thị trường, vốn, lãi suất, DN và người dân cũng sẽ tiết kiệm hơn trong sản xuất, tiêu dùng nên nhu cầu NK nguyên liệu để sản xuất hàng XK cũng giảm theo.

Để giảm nhập siêu, tiến tới cải thiện cán cân thương mại và nâng cao mức dự trữ ngoại tệ nhằm duy trì sự lành mạnh của các chỉ tiêu kinh tế vi mô, cùng với nhiệm vụ đẩy mạnh XK, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp ngắn hạn, trung và dài hạn như: tiếp tục kiểm soát chặt nguồn ngoại tệ cho NK đối với nhóm cần kiểm soát NK và nhóm hạn chế nhập siêu; tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản của nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo xu hướng giá cả và thị trường thế giới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, qua đó đề xuất những giải pháp bình ổn thị trường, cân đối cung - cầu hiệu quả; duy trì quản lý NK bằng giấp phép tự động; hạn chế NK qua việc quy định thời hạn nộp thuế; phát động nhân dân tiết kiệm và sử dụng hàng Việt Nam… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thay thế hàng NK; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; nghiên cứu xây dựng các biên pháp và tiêu chuẩn kỹ thuật; chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản…

Tuy nhiên, để những giải pháp trên đạt được hiệu quả cao, tại Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2009” vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt lưu ý đến công tác dự báo và điều hành của các cơ quan, cục, vụ chức năng. Theo Thủ tướng, Vụ XNK Bộ Công Thương và Tổ Điều hành thị trường trong nước phải theo dõi sát sao, cập nhật diễn biến, số liệu NK từng ngày, tháng để báo cáo và đưa ra những đề xuất kịp thời cho lãnh đạo Bộ và Chính phủ. Mặt khác, Thủ tướng cũng yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ chức năng với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, như vậy năm 2009 mới có khả năng thực hiện được các chỉ tiêu đã đề ra.

Nguồn: http://www.baothuongmai.com.vn

 

Quảng cáo sản phẩm