Kiểm soát thách thức khi gia nhập WTO: Cải tổ cơ chế chống bán phá giá của Nam Phi

18/11/2010 12:00 - 1960 lượt xem

Tác giả: Niel Joubert*

Bài nghiên cứu này đánh giá sự phát triển và cải tổ của cơ chế chống bán phá giá của Nam Phi – một ví dụ cho việc quốc gia này gia nhập WTO. Việc Nam Phi sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ lâu minh chứng cho một sự thật là các nước đang phát triển hoàn toàn có thể gia nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu. Bằng cách sử dụng Hiệp định chống bán phá giá (ADA) như là một kiểu mẫu cho hệ thống chống bán phá giá của nước mình, Nam Phi là một ví dụ điển hình về cách một nước sử dụng các công cụ WTO để đưa luật pháp nước mình phù hợp với nghĩa vụ quốc tế.

Phần đầu tiên của bài nghiên cứu sẽ điểm lại sơ qua tình hình sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Nam Phi trong thời gian qua, sự phát triển quốc tế của các qui định về chống phá giá và những thay đổi khác nhau về mặt pháp lý mà Nam Phi đã thực hiện trong thế kỷ trước nhằm hình thành nên hệ thống chống phá giá ngày nay. Phần này cũng đi xác định những nhân tố cần thiết cho việc cải tổ cơ chế chống phá giá của Nam Phi và thảo luận ngắn gọn về ảnh hưởng của những thay đổi trong khu vực lên quá trình chống phá giá của Nam Phi

Phần 2 đưa ra cái nhìn tổng quan về chính phủ, doanh nghiệp và các thành phần xã hội liên quan tới quá trình cải tổ lại hệ thống chống bán phá giá của Nam Phi. Phần 2 nêu sơ qua về vai trò của các bên khác nhau có trách nhiệm đối với quản lý hệ thống trong giai đoạn tiền và hậu A pác thai.

Phần 3 đưa ra các thách thức mà các thành viên phải đối mặt trong quá trình cải tổ cơ chế chống phá giá hiện tại. Đặc biệt chú ý tới ảnh hưởng của sự phát triển khu vực trong quá trình cải tổ của Nam Phi. Phần này đánh giá sự phù hợp của cơ chế mới đang trong quá trình triển khai thực tế và đánh giá về cơ cấu của hệ thống quản lý thuế chống bán phá giá mới. Cuối cùng, phần này xem xét liệu hệ thống mới có giải quyết triệt để được những quan ngại của các bên liên quan hay không.

Phần 4 tổng kết quá trình Nam Phi đã trải qua và rút ra những kinh nghiệm cho các nước khác. Phần này chứng minh tham vấn giữa giữa chính phủ các bên liên quan đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách hiệu quả.

I. Bối cảnh sự việc

Lịch sử sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Nam Phi

Nam Phi là một trong những quốc gia sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sớm nhất. Các biện pháp này được đề cập đầu tiên dưới hình thức là các biện pháp chống bán phá, trợ cấp và biện pháp đối kháng trong mục 8 của Bộ luật thuế quan hải quan năm 1914.(1). Các biện pháp này do Bộ Hải quan, sau đổi thành Cục thuế vụ Nam Phi quản lý.(2)
Trách nhiệm quản lý các biện pháp phòng vệ thương mại được chuyển cho Ban thương mại và công nghiệp (BTI) tháng 09/1923. Nam Phi là nước sử dụng sớm và hiệu quả các biện pháp này. Trong giai đoạn từ 1921 đến 1947, hơn 90 cuộc điều tra về chông bán phá giá và đối kháng đã được tiến hành và hơn 818 cuộc điều tra diễn ra từ năm 1948 đến tháng 10/20001.(3) Khó có thể đưa ra chính xác số lượng các cuộc điều tra chống bán phá giá do trước năm 1992 người ta không phân biệt giữa điều tra chống bán phá giá và điều tra chống trợ cấp. Cuộc điều tra chống bán phá giá đầu tiên là về thuế chống bán phá giá đối với xi măng.

Tại thời gian diễn ra các cuộc đàm phán của Tổ chức thương mại quốc tế (ITO) và Hiệp chung về thuế quan và thương mại (GATT) trong thập kỷ 40, chống bán phá giá với tư cách là biện pháp phòng vệ thương mại đã nổi lên và được chấp nhận trong thực tế và được đưa vào điều khoản VI của GATT 1947.

Các bên tham gia hiệp định nhận thấy rằng phá giá, việc hàng hóa của một nước bán với giá thấp hơn giá trị thông thường tại một nước khác, bị cấm nếu nó gây ra hoặc đe dọa thiệt hại đáng kể tới ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu làm thu hẹp ngành sản xuất nội địa

Điều khoản VI chỉ đề cập tới một số nguyên tắc cơ bản để xác định và áp đặt thuế chống bán phá giá được các thành viên của GATT thống nhất. Điều này dẫn tới sự thống nhất trong Bảng mã chống bán phá giá (Nam Phi không ký) trong Vòng đàm phán đa phương Kenedy diễn ra trong giai đoạn 1963-1967 mà sau này được thay bằng Hiệp định về việc thực thi điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (Hiệp định chống bán phá giá) tại vòng đàm phán Tokyo kết thúc vào năm 1979.

Năm 1977, BTI đã đề cập trong báo cáo thường niên của cơ quan này rằng toàn bộ thuế chống bán phá giá Nam Phi đang áp dụng cần phải được xoá bỏ trước ngày 01/01/1978. BTI cho rằng các biện pháp này đã tồn tại quá lâu đến nỗi mà cho dù có dỡ bỏ đi thì cũng không gây bất kỳ sự đe dọa nào cho ngành sản xuất nội địa nước này và rằng vấn đề cạnh tranh có thể giải quyết thông qua sử dụng thuế công thức.(4)  Trong 5 năm đưa ra khuyến nghị, BTI ủng hộ gấp đôi thuế chống bán phá giá. Việc giảm thiểu sử dụng các biện pháp chống bán phá giá trong giai đoạn thập kỷ 70, 80 được lý giải bởi một thực tế là các nhà sản xuất Nam Phi được bảo vệ bởi hàng rào thuế quan rất cao.(5) Trừng phạt thương mại được áp đặt lên Nam Phi bởi chính sách A pác thai khuyến khích chính phủ bảo vệ ngành sản xuất nội địa mà chế độ này coi là mang tính chất quan trọng chiến lược.(6)  Chi phí nhập khẩu gia tăng, trong số các vấn đề khác được sử dụng cho mục đích này và làm giảm nhu cầu phải sử dụng các biện pháp chống bán phá giá,

Tình huống này dẫn tới quyết định của Bộ trưởng Bộ Công thương Nam Phi dỡ bỏ tất cả thuế chống bán phá giá hiện hành trước ngày 01/01/1978 bởi ông cho rằng thuế quan cao như hiện tại đã bảo vệ đủ cho các nhà sản xuất nội địa.(7) Những rắc rối của cạnh tranh sau năm 1978 bởi vậy được xử theo vụ kiện thuế quan. Bất cứ khi nào giá của hàng nhập khẩu xuống thấp hơn một mức xác định, thuế công thức sẽ áp dụng và có thể làm tăng mức giá trước thuế của hàng nhập khẩu một cách rất hiệu quả .(8)

Bộ luật về Ban thuế quan và thương mại đã thay thế BTI bằng Ban thuế quan và thương mại BTT tháng 09/1986.(9)  Năm 1992, Ban điều tra bán phá giá được thành lập trực thuộc Bộ Công thương (DTI) nhằm hỗ trợ BTT trong việc tổ chức các cuộc điều tra chống bán phá giá và trợ cấp dưới danh nghĩa BTT. BTT đã xuất bản cuốn “Hướng dẫn chính sách và qui trình liên quan tới thực tiễn hoạt động phòng vệ thương mại quốc tế: phá giá, trợ cấp và các hình thái khác của cạnh tranh” năm 1992. Sau đó năm 1995, BTT xuất bản thêm cuốn “ Hướng dẫn chính sách và qui trình liên quan tới thực tiễn hoạt động phòng vệ thương mại quốc tế: phá giá và trợ cấp xuất khẩu”. Tuy nhiên, năm 1996 Liên minh thuế quan Nam Phi đã rút lại hướng dẫn này.

Tăng cường sử dụng các biện pháp chống bán phá giá của Nam Phi

Nam Phi trở lại cộng đồng quốc tế đầu thập kỷ 90 sau hàng thập kỷ bị trừng phạt kinh tế. Sự chuyển đổi sang nền dân chủ đã giúp nước này thoát khỏi trừng phạt thương mại. Quốc gia này bắt đầu mở cửa nền kinh tế để trở nên cạnh tranh hơn và gia nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Nam Phi đã chủ động tham gia vào vòng đàm phán thương mại Uruguay và trở thành thành viên sáng lập của WTO.

Nam Phi đã khởi động quá trình tự do hóa nhanh chóng bằng cách áp dụng mức thuế quan chung cho các nước phát triển. Điều này làm cho các công ty nôi địa đối mặt với cạnh tranh tăng cao đến từ thương mại bình đẳng và không bình đẳng. Mức thuế quan tối huệ quốc (MFN) trung bình của Nam Phi cho tất cả các hàng hóa giảm từ 14% năm 1996 xuống còn 8% năm 2001. Mức thuế MFN cho hàng hóa thuộc ngành công nghiệp giảm 50% và 55% đối với hàng dệt may. Mức thuế quan MFN bình quân gia quyền giảm từ 8.6% năm 1996 xuống còn 5% năm 2001.

Với việc không còn được bảo hộ bởi thuế quan, các biện pháp phòng vệ thương mại như chống phá giá và trợ cấp trở nên quan trọng hơn đối với các nhà sản xuất trong nước và để bảo vệ họ khỏi hàng nhập khẩu gia tăng mạnh về số lượng. Điều này dẫn tới sự gia tăng mạnh của việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đặc biệt là các biện pháp chống bán phá giá. Theo báo cáo của Nam Phi nước này đã tiến hành 157 cuộc điều tra chống bán phá giá và 106 vụ đã thực hiện áp đặt thuế chống bán phá giá giai đoạn từ 01/01/1995 tới 30/06/2002.  Nam Phi là nước sử dụng nhiều các biện pháp chống bán phá giá thứ 5 sau Mỹ, EU, Ấn Độ và Achentina.

Nghĩa vụ của Nam Phi theo WTO

Với việc gia nhập WTO, Nam Phi trở thành một bên tham gia tất cả các hiệp định của tổ chức này, bao gồm: hiệp định thực thi điều VI của GATT 1994 (Hiệp định chống bán phá giá). Điều VI của GATT 1994 qui định về quyền của các bên tham gia hiệp định được sử dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu có giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thông thường của hàng hóa (thường là giá ở thị trường nội địa của nước xuất khẩu) nếu việc bán phá giá này gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất nước nhập khẩu. Mặc dù tất cả các hiệp định của WTO đều được nghị viện Nam Phi phê chuẩn, các hiệp định này vẫn chưa được ban hành chính thức tại Nam phi. Tuy nhiên theo Hiến pháp Nam Phi, các cam kết quốc tế được sử dụng như là một dẫn chiếu và định hướng cho cách hiểu các nguồn luật trong nước (15)

Điều 1 của Hiệp định chống bán phá giá qui định các thành viên chỉ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá trong các trường hợp nêu trong điều VI của GATT 1994 và chỉ sau khi tiến hành điều tra theo các điều khoản của Hiệp định chống bán phá giá. Hiệp định chống bán phá giá đưa ra các nguyên tắc cụ thể liên quan tới cách xác định liệu hàng hóa đó có bị bán phá giá không, một tiêu chí được xem xét đến là hàng hóa phá giá có gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa; thủ tục trong khởi xướng à tiến hành điều tra chống bán phá giá cũng như quy định trong thực thi và thời hạn của các biện pháp chống bán phá giá. Nếu một nước thành viên áp dụng các biện pháp chống bán phá giá không phù hợp với các nguyên tắc của WTO nêu ra thì sẽ giải quyết tranh chấp theo cơ chế của WTO.

Điều 16 của Hiệp định chống bán phá giá thành lập Ủy ban về thực tiễn chống bán phá giá (CADP). Điều khoản này qui định các thành viên thông báo cho Ủy ban ngay lập tức các biện pháp tạm thời và chính thức sử dụng trong các cuộc điều tra chống bán phá giá và đệ trình báo cáo định kỳ nửa năm một lần về các biện pháp chống bán phá giá được sử dụng. Điều 18(4) qui định các nước thành viên WTO phải sửa đổi luật, nghị định và các thủ tục hành chính sao cho phù hợp với Hiệp định chống bán phá giá trước ngày Hiệp định này có hiệu lực. (17) Điều 18.5 qui định các thành viên phải thông báo bất kì sự thay đổi nào về luật, nghị định, thủ tục hành chính và quản lý về chống bán phá giá của nước mình cho CADP.

 Ngay từ năm 1994, Diễn đàn kinh tế quốc gia Nam Phi - một cơ quan 3 bên gồm đại diện các doanh nghiệp, chính phủ và người lao động đã nhấn mạnh nhu cầu phải có luật quốc gia qui định về chống bán phá giá và các biện pháp đối kháng và nhu cầu thành lập cơ quan chuyên trách về vấn đề chống bán phá giá.

Bộ luật sửa đổi năm 1995 đã sửa đổi một phần nhỏ luật pháp của Nam Phi nhằm đưa cơ chế chống bán phá giá của Nam Phi phù hợp hơn với Hiệp định chống bán phá giá (ADA). (19) Định nghĩa phá giá đã được thay đổi phù hợp với định nghĩa về phá giá nêu ra trong ADA và đưa ra các khái niệm mới, trong đó có khái niệm “giá trị thông thường”. Tuy nhiên, lần sửa đổi này vẫn chưa đưa ra được khung pháp lý và các qui định tiến hành điều tra chống bán phá giá. Như đề cập ở trên, năm 1995, BTT đã ban hành hướng dẫn về các thủ tục chống bán phá giá nhưng sau đó lại rút lại năm 1996.(20)

Với việc sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp chống bán phá giá, Nam Phi bắt đầu chịu nhiều áp lực hơn từ phía các thành viên khác của WTO buộc đưa luật pháp và việc quản lý các biện pháp này phù hợp với ADA. Tháng 4/1996, Nam Phi thông báo với Ủy ban về thực tiễn chống bán phá giá của WTO (CADP) rằng nước này dự kiến sửa đổi luật pháp về chống bán phá giá cho phù hợp với các cam kết WTO.

Bộ Công thương Nam Phi định kỳ tạo điều kiện cho BTT điều tra việc tái cơ cấu lại cơ chế chống bán phá giá của Nam Phi. Các sửa đổi nhỏ được thực hiện đối với các nguồn luật hiện tại năm 1997 nhằm trao quyền nhiều hơn cho bộ trưởng trong việc thiết lập qui định về các biện pháp phòng vệ thương mại và tạo điều kiện cho việc áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời.

Giáo sư Colin McCarthy, chủ tịch Uỷ ban quản lý thương mại quốc tế (ITAC) nhấn mạnh một thực tế là Nam Phi luôn nỗ lực để phù hợp với các nguyên tắc của WTO trong thực thi các cuộc điều tra chống bán phá giá; điều VI của GATT và ADA qui định. (23) Mặc dù điều này có thể diễn ra trên thực tế, luật pháp hiện thời của Nam Phi không phản ánh hoàn toàn đầy đủ nghĩa vụ của nước này theo GATT 1994 và WTO. Thư mời góp ý của Phòng thương mại và công nghiệp về dự thảo luật chống bán pháp giá của Nam Phi nhấn mạnh một thực tế là cần phải thông báo cho các bên liên quan về nội dung và thủ tục của các nguồn luật, qui định trước đây liên quan tới nội dung và thủ tục của các cuộc điều tra chống bán phá giá.

Việc tái cơ cấu lại cơ chế chống bán phá giá cuối cùng cũng trở thành hiện thực với việc ban hành bộ Hiệp định thực thi thương mại quốc tế ngày 22/01/2003 theo đó thành lập một cơ quan mới là Ủy ban ITAC có nhiệm vụ quản lý các biện pháp phòng vệ thương mại trong Nam Phi. Việc này là kết quả của việc ban hành các qui định chi tiết về chống bán phá giá hồi tháng 11/2003 nhằm hướng dẫn ITAC trong việc điều tra chống bán phá giá.

Những thay đổi trong khu vực

Năm 1999, Nam Phi ký hiệp định tự do thương mại: Hiệp định hợp tác, phát triển và thương mại với EU (TDCA) có hiệu lực ngày 01/01/2000. Nước này cũng ký hiệp định tự do thương mại với 11 quốc gia khác thuộc Cộng đồng phát triển Nam Phi (SADC) vào ngày 01/09/2000 với việc trở thành thành viên của Nghị định thư thương mại SADC. Các hiệp định tự do thương mại này giúp EU và các thành viên thuộc SADC tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường Nam Phi đồng thời tăng năng lực cạnh tranh hơn đối với các nhà sản xuất nội địa. Các hiệp định đều bao gồm các điều khoản về chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ.

Nam Phi là thành viên của SACU cùng với Botswana, Lesotho, Namibia and Swaziland (các nước BLNS). Các quốc gia này đã ký Hiệp định SACU mới năm 2002 có hiệu lực ngày 15/07/2002. Ngay sau khi Nam Phi bầu ra chính phủ dân chủ lần đầu tiên năm 1994, các cuộc đàm phán về hiệp định này chính thức được tiến hành. Mục đích là để dân chủ hoá SACU và tạo ra nhiều thể chế cho phép các nước BLNS gia nhập sâu hơn vào quá trình ra quyết định trong liên minh thuế quan.

Hiệp định SACU mới có quan hệ mật thiết với cơ chế chống bán phá giá trong liên minh thuế quan. Nó làm thay đổi cách thức ra các quyết định về thuế quan, bao gồm thuế chống bán phá giá đồng thời yêu cầu các thành viên phát triển cơ sở pháp lý cho các các biện pháp phòng vệ thương mại bình đẳng như chống bán phá giá và thành lập các cơ quan quốc gia có thẩm quyền quản lý các biện pháp phòng vệ thương mại.

Như đề cập ở trên, Nam Phi ban hành luật ITA tháng 01/2003. (25) Với mục đích cung cấp cơ sở về mặt tổ chức cho việc thực thi chính sách thương mại và áp dụng thuế quan phù hợp với các nghĩa vụ của Nam Phi theo các cam kết WTO, Cộng đồng phát triển Nam Phi và SACU. Chúng ta hãy xem xét một cách chi tiết hơn sự thay đổi trong việc quản lý các vấn đề thương mại quốc tế của Nam Phi trong phần tiếp theo.

II. Các bên liên quan trong và ngoài nước và vai trò của họ

Chống bán phá giá tại Nam Phi theo Hiệp định SACU 1996

Theo hiệp định SACU 1996, Nam Phi chịu trách nhiệm duy nhất về việc thiết lập hệ thống thuế quan cũng như các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ cho liên minh thuế quan. Với tư cách thành viên của liên minh thuế quan, các nước BLNS có trách nhiệm áp dụng các biện pháp này, mặc dù họ không phải lúc nào cũng là người được hưởng lợi do phần lớn các điều khoản liên quan không do ngành sản xuất nội địa đưa ra.

Là cơ quan có trách nhiệm xác định mức thuế quan và thực thi các biện pháp chống bán phá giá, BTT đã khởi xướng các cuộc điều tra chống bán phá giá theo yêu cầu của ngành sản xuất nội địa trong phạm vi SACU. Các nhà nhập khẩu, xuất khẩu và các nhà sản xuất nước ngoài đều có cơ hội như nhau trong đệ trình thông tin trong các cuộc điều tra. Sau khi tiến hành các cuộc điều tra BTT sẽ đưa ra các khuyến nghị cho Bộ trưởng Bộ Công thương Nam Phi và Bộ sẽ đề nghị Bộ Tài chính áp dụng thuế chống bán phá giá. Năm 1992, Phòng thương mại và công nghiệp hỗ trợ BTT thông qua việc thay mặt cơ quan này tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá và trợ cấp. Do cơ quan này vẫn chưa có các qui định chính thức trong điều tra, đã sử dụng điều VI của GATT và ADA để làm cơ sở tiến hành các cuộc điều tra.

Chống bán phá giá theo hiệp định SACU 2002

Ngày 01/06/2003, ITAC được thành lập trên cơ sở Hiệp định ITA . ITAC thay thế BTT và sẽ là cơ quan quốc gia của Nam Phi theo điều khoản 14 của Hiệp định SACU 2002. Cơ quan này hoạt động với tư cách là cơ quan thuế đối với toàn SACU và mang các chức năng của BTT trước đây như điều tra và đánh giá thực thi sửa đổi thuế quan, giảm thuế, kiếm soát xuất nhập khẩu và quản lý các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Hiệp định SACU 2002 đưa ra hệ thống tổ chức mới cho liên minh thuế quan. SACU sẽ có 1 Hội đồng bộ trưởng, 1 Thư ký (đặt tại Windhoek, Namibia), 1 Ban thuế, 1 tòa án, 1 ủy ban liên minh thuế quan và 1 số hội đồng kỹ thuật. Nếu Nam Phi muốn sử dụng một biện pháp chống bán phá giá, Ủy ban ITAC có trách nhiệm điều tra và theo Hiệp định SACU mới, ITAC có trách nhiệm trực tiếp đưa ra khuyến nghị cho Ban thuế SACU.

Ban thuế là tổ chức đa quốc gia trong SACU, bao gồm các chuyên gia đến từ các nước thành viên. Ban sẽ đưa ra khuyến nghị cho hội đồng bộ trưởng với tư cách là một cơ quan quốc gia. Phán quyết cuối cùng là của hội đồng bộ trưởng bao gồm ít nhất tuyên bố ủng hộ của một bộ trưởng của mỗi nước thành viên. Do hiệp định SACU mới vẫn chưa được hoàn thiện đầy đủ, các thành viên thống nhất một giải pháp tạm thời. Tình hình hiện tại đang được thảo luận chi tiết trong phần 3 dưới đây.

Việc thông qua Pháp luật quản lý thương mại quốc tế (ITA) và Hiệp định SACU

Quy định ITA được nghị viện thông qua và trở thành luật tại Nam Phi. Uỷ ban đầu tư nghị viện về Thương mại và Công nghiệp và Uỷ ban các vấn đề thương mại tiêu biểu đã tổ chức hàng loạt các trưng cầu dân ý và hướng dẫn lý giải cặn kẽ cho các bên liên quan và giải quyết các khúc mắc của họ. Phòng kinh tế Nam Phi (SACOB) đại diện cho khu vực tư nhân và Hội nghị liên minh thương mại Nam Phi (COSATU) đại diện cho người lao động đã gửi nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề này. Sau khi tham vấn và bàn luận cả trong và ngoại nghị viện, dự thảo luật đã đựợc thông qua tháng 11/2003.

Hiệp định SACU 2002 phải được nghị viện thông qua trước khi có hiệu lực tại Nam Phi, theo như qui định của điều khoản 231, Hiến pháp Nam Phi. (27) Uỷ ban đầu tư nghị viện về thương mại và công nghiệp đã tổ chức các cuộc thảo luận và thăm dò ý kiến để giúp các bên liên quan có cơ hội đóng góp ý kiến vào dự thảo luật. SACOB, Trung tâm luật thương mại cho Nam Phi (Tralac), các học giả, Hội đồng lao động và phát triển kinh tế quốc gia (Nedlac), COSATU và Agri-SA đại diện cho người nông dân tiếp nhận cũng tham gia đóng góp ý kiến.

Nedlac đệ trình báo cáo sau khi tổ chức các cuộc thảo luận trong Phòng thương mại và công nghiệp về Hiệp định SACU mới và dự thảo luật ITA. Nedlac là cơ quan chính của Nam Phi về tổ chức các cuộc đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp, chính phủ, nghiệp đoàn và xã hội về các vấn đề liên quan tới chính sách xã hội và kinh tế. (28) Nedlac phải xem xét vấn đề pháp lý liên quan tới người lao động trước khi đệ trình lên nghị viện cũng như các vấn đề pháp luật khác có tác động lớn đến chính sách kinh tế xã hội. (29) Đây cũng là diễn đàn chính thức cho thảo luận về các cam kết thương mại. Nedlac tạo điều kiện cho các bên liên quan đạt được sự đồng thuận về một vấn đề. Mục đích là hướng tới các quyết định kinh tế mang tầm bao quát đầy đủ hơn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội. Các phòng ban khác Nedlac hợp tác là Phòng thị trường lao động, phòng phát triển, phòng chính sách tiền tệ và tài chính công.

Tiền thân của Nedlac là NEF, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách của Nam Phi. Nó cung cấp các ý kiến quí báu trong các quyết định về thuế mà Nam Phi áp dụng với các nước thành viên WTO khi Nam Phi gia nhập WTO năm 1995. Nhưng sau đó vai trò xây dựng pháp luật của Nedlac giảm đáng kể. Nedlac cần tái tập trung, tái cơ cấu và phát triển nguồn lực hơn nữa.

III. Kết quả và những thách thức đối với Nam Phi

Bảo vệ luật chống bán phá giá của Nam Phi tại WTO

Việc ban hành Quy định ITA và các qui định về chống bán phá giá trong ITAC là một nỗ lực nhằm đưa luật pháp chống bán phá giá của Nam Phi phù hợp với các qui định của WTO. (30) Tháng 03/2003, ITAC công bố dự thảo qui định về chống bán phá giá để lấy ý kiến công chúng. ITAC sử dụng ADA như một mô hình kiểu mẫu và tham khảo cơ chế chống bán phá giá của EU, Mỹ, New Zealand và Úc trong dự thảo các qui định. (31) Các cuộc điều tra của ITAC bởi vậy dựa trên ADA, trong khi các qui định là các định hướng mang tính chất thủ tục. Cơ sở xây dựng dự thảo qui định chống bán phá giá là các ý kiến đóng góp từ các luật sư Canada, Mỹ, New Zealand cũng như là các luật sư và học giả trong nước. Theo giáo sư McCarthy, các qui định dự thảo này được thảo luận và đóng góp ý kiến chi tiết trong ITAC. (32) Các qui định trong bản dự thảo cuối cùng được Bộ trưởng Bộ Công thương thông qua ngày 12/11/2003.

Điều 18(5) của ADA qui định các qui định chống bán phá giá cùng với Luật quản lý thương mại quốc tế mới được thông báo cho Uỷ ban thực tiễn về chống bán phá giá của WTO ngày 20/01/2004. (33) Nội dung thông báo bao gồm toàn văn luật và các qui định liên quan cũng như các hồ sơ WTO chính thức khác, cần phải gửi tới tất cả các thành viên WTO bằng 3 thứ tiếng. (34)

Luật và các qui định mới sẽ được CADP rà soát lại. Việc rà soát này được thực hiện thông qua các bảng câu hỏi từ các thành viên WTO khác, các câu hỏi cũng được gửi tới nước thông báo trong cuộc họp của CADP. ITAC phải cung cấp câu trả lời thoả đáng cho tất cả các câu hỏi và quan chức ITAC cần phải xuất hiện trước CADP để trả lời các câu hỏi của các thành viên. (35) Các câu hỏi bằng văn bản của EU, Mỹ và Venezuela với các câu hỏi bổ sung tại cuộc họp CADP của Thổ Nhĩ Kỳ. Nam Phi đã bảo vệ thành công luật và qui định chống bán phá giá của nứớc mình tại CADP bằng cách đưa ra các câu trả lời và lý giải thoả đáng giải quyết được các khúc mắc của các thành viên.

Việc thực thi hệ thống chống bán phá giá mới tại SACU

Các cơ quan mới của SACU vẫn chưa được thành lập. Ban thư ký hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng tại Windhoek, Namibia. Hội đồng bộ trưởng đã được thành lập nhưng Ban thuế, tòa án, ủy ban liên minh thuế quan vẫn đang trong quá trình thành lập. Nam Phi là quốc gia duy nhất đã thành lập cơ quan quốc gia đúng thời hạn. Theo giáo sư McCarthy, điều quan trọng là các nước BLNS thành lập được các cơ quan này bởi chỉ có như vậy mới đưa ra được các khuyến nghị cho ban thuế SACU. Ban thuế sẽ chưa có chức năng trừ phi các cơ quan này được thành lập. Trước những khó khăn này, Hội đồng bộ trưởng SACU đã yêu cầu ITAC ngày 01/07/2004 tạm thời tiếp tục quản lý các cuộc điều tra chống bán phá giá trong 12 tháng tới. Điều khoản duy nhất là các cuộc điều tra chống bán phá giá cần được tiến hành tham vấn với các nước BLNS.(36)

Một trong những mục tiêu chính của Hiệp định SACU mới là dân chủ hoá quá trình ra quyết định trong liên minh thuế quan. Phán quyết cuối cùng như thuế chống bán phá giá và cơ chế ra quyết định tối cao của SACU là do hội đồng bộ trưởng quyết định. Điều này đồng nghĩa với các quyết định của các cơ quan SACU phải đạt tới sự đồng thuận. (37) Điều này đề cập tới quyền phủ quyết của các thành viên, phải có sự đồng thuận của cả 5 thành viên trong khi các nước có những mối quan tâm lợi ích khác nhau.

Thay đổi trong quá trình áp đặt thuế chống bán phá giá là nguyên nhân gây ra mối quan ngại nghiêm trọng của các bên liên quan tại Nam Phi. Các hiệp hội doanh nghiệp và người lao động đưa ra nhiều ý kiến khác nhau trong các cuộc trưng cầu dân ý của ITAC liên quan tới việc thành lập các cơ quan mới của SACU, cụ thể ảnh hưởng tới chức năng của ITAC. (39) Phòng kinh tế Nam Phi (SACOB) chỉ ra trong báo cáo gửi nghị viện rằng vẫn còn băn khoăn về những trở ngại tới quá trình ra quyết định của các thành viên SACU liên quan tới phá giá và các các biện pháp phòng vệ thương mại khác, do cơ cấu ra quyết định rườm rà và phức tạp. Tính cạnh tranh của ngành công nghiệp Nam Phi và khu vực phụ thuộc đáng kể vào quá trình ra quyết định, đặc biệt là trong thời đại tự do hoá và toàn cầu hoá thương mại này. (40)

Vấn đề này đã được tính tới trong dự thảo các qui định chống bán phá giá của ITAC, vì ADA qui định khoảng thời gian khắt khe cho việc tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá. Các qui định này bởi vậy bao gồm khoảng thời gian khắt khe hơn.

ITAC dự kiến hoàn thành các cuộc điều tra trong 12 tháng, mặc dù các qui định về chống bán phá giá cho phép các cuộc điều tra diễn ra trong tối đa 18 tháng. (41) Thực tế thường không đạt được khoảng thời gian này. Colin McCarthy đã chỉ ra rằng cần phải đưa ra lý do hợp lý cho việc này: Uỷ ban đóng vai trò chủ động trong các cuộc điều tra, đưa ra ý kiến đệ trình khi có các ý kiến trái ngược giữa các bên liên quan và điều này có thể làm cho quá trình ra quyết định bị chậm lại. Các bên liên quan cũng tận dụng tối đa cơ hội để kéo dài các thời hạn. (42) Quá trình ra quyết định mới của SACU vẫn chưa chính thức, bởi vậy chưa có cơ hội đánh giá được tính hiệu quả của nó. Chúng ta sẽ đợi và chờ xem liệu mối quan ngại của chúng ta có xảy ra không.

IV. Bài học cho các thành viên khác

Các nước nên nhớ rằng khu vực tư nhân chứ không phải chính phủ tham gia kinh doanh. Một vấn đề chung mà các quốc gia phải đối mặt đó là thiếu sự tham vấn giữa chính phủ và các bên liên quan để chắc chắn là các khúc mắc được giải quyểt trước khi chính phủ phê duyệt chính sách thương mại. Điều quan trọng là chính phủ tạo ra cơ hội cho khu vực tư nhân phát biểu ý kiến của mình nhằm đưa tất cả các ý kiến đóng góp của xã hội vào quá trình ra quyết định, việc xây dựng chính sách không thể làm trên cơ sở thiếu thực tế.

Nam Phi có một loạt các cơ quan quốc gia như Nedlac và các cuộc trưng cầu dân ý của nghị viện nêu trên nhằm đảm bảo tất cả thành phần xã hội đều có thể tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là bao nhiêu tham vấn là hiệu quả và chính phủ tiếp thu những ý kiến này ở mức độ như thế nào. Trong ý kiến của SACOB đệ trình lên Ủy ban đầu tư nghị viện về Hiệp định SACU mới, SACOB bày tỏ mối quan ngại rằng các cuộc trưng cầu dân ý mới chỉ mang tính chất hình thức. Thực tế là rất ít những khúc mắc của các doanh nghiệp về dự thảo Hiệp định SACU được tính tới trong bản Hiệp định cuối cùng mà chính phủ phê chuẩn.

Do đây là các khúc mắc về mặt pháp luật và Hiệp định SACU là kết quả của quá trình đàm phán lâu dài với các nước thành viên và điều này làm hạn chế chính phủ đưa những ý kiến đóng góp vào hiệp định. Cần phải có sự tham vấn nhiều hơn giữa chính phủ và các thành phần xã hội liên quan. Theo Marion Hummel, chuyên gia đầu tư và thương mại quốc tế của SACOB, SACOB thường không được chính phủ cho đủ thời gian để xem xét và đóng góp ý kiến về các vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới kinh doanh. (43) SACOB cùng với các tổ chức khác, có khả năng hạn chế và chỉ có thể đưa ra được những ý kiến hiệu quả trong một khoảng thời gian hợp lý đủ để nghiên cứu và thảo luận.

Quá trình xây dựng chính sách cần phải có phương pháp đồng bộ từ trên xuống dưới. Cần phải khai thông luồng thông tin giữa chính phủ và các bên liên quan, bởi họ không thể nắm được tất cả các vấn đề đang diễn ra. Chính phủ cũng cần phải bỏ đi cách thức tiếp cận đơn lẻ đối với các vấn đề kinh tế. Mảng kinh doanh chia thành nhiều lĩnh vực khác nhau và điều này thường dẫn tới việc các vấn đề chung thường bị bỏ qua.

Việc thảo luận giữa các bên liên quan không chỉ tập trung vào các vấn đề vi mô mà còn cả những vấn đề ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Hiện tại còn thiếu các kế hoạch chiến lược liên ngành của các doanh nghiệp và chính phủ tại Nam Phi. Bao gồm các cuộc thảo luận về chính sách thương mại quốc gia của Nam Phi. Lĩnh vực kinh doanh đa dạng cần phải trở nên gắn kết với nhau hơn. Việc tái cơ cấu các hiệp hội doanh nghiệp ở Nam Phi mặc dù là cần thiết nhưng có tác động tiêu cực tới quá trình hợp tác.

Việc sử dụng ADA như là một mô hình kiểu mẫu cho phát luât Nam Phi là ví dụ cho một nước sử dụng các công cụ WTO nhằm đảm bảo pháp luật nước này phù hợp với các nghĩa vụ của WTO. Các nước có thể điều chỉnh các công cụ này cho phù hợp với các nhu cầu khác nhau mà không cần phải phát minh ra một cơ chế hoàn toàn mới. Lịch sử sử dụng các biện pháp chống bán phá giá của Nam Phi và toàn bộ tiến trình Nam Phi đã trả qua, cả trong nước và tại WTO, cho thấy các nước đang phát triển có thể gia nhập thành công vào hệ thống thương mại toàn cầu.

Phụ lục I

Nguồn: Thông báo với WTO và thông tin do Nam Phi cung cấp.

Barral et al. (2004), Chống bán phá giá ở Braxin, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi – các qui định, xu hướng và nguyên nhân, Thuỵ Sỹ: Uỷ ban quốc gia về thương mại

Brink, Gustav (2002), Các cuộc điều tra chống bán phá giá và trợ cấp tại Nam Phi: Hướng dẫn thực thi và các thủ tục của Uỷ ban thuế quan và thương mại

COSATU (2003), “Đóng góp cho Hiệp định liên minh thuế quan Nam Phi” 20/11

Erasmus, Gerhard (2004), “Cơ cấu của SACU: Triển vọng hội nhập khu vực”, chi tiết tại website www.tralac.org

Erasmus, Gerhard (2004), “Cơ cấu SACU mới đang trong quá trình xâu dựng”, chi tiết tại website www.tralac.org

Trung tâm thương mại quốc tế (2003), “Hướng dẫn các biện pháp phòng vệ thương mại tại Nam Phi và Liên minh thuế quan Nam Phi”

Rà soát chính sách thương mại SACU, WTO 2002 WT/TPR/S/114

Phòng thương mại Nam Phi (SACOB) (2003), “Ý kiến về Hiệp định SACU đã phê chuẩn của Nam Phi”, tháng 11
“Hiệp định liên minh thuế quan Nam Phi: bản tóm tắt. Uỷ ban đầu tư thương mại và công nghiệp, 16/04/2003”, chi tiết tại website http://www.pmg.org.za

Chú thích

1.    Hiệp định 26 năm 1914. Hiệp định cũng đề cập tới “trợ cấp” và “biện pháp đối kháng”, “ưu đãi”, “thuế chống bán phá giá ưu đãi”

2.    Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) 2003, “Hướng dẫn các biện pháp phòng vệ thương mại tại Nam Phi và liên minh thuế quan Nam Phi”

3.    Gustav F. Brink (2002), Các cuộc điều tra chống bán phá giá và trợ cấp tại Nam Phi: Hướng dẫn thực thi và các thủ tục của Uỷ ban thuế quan và thương mại

4.    ITC (2003), trang 2

5.    Brink (2002), trang 3

6.    Barral et al. (2004), “Chống bán phá giá ở Braxin, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi – các qui định, xu hướng và nguyên nhân”, trang 49. Thuỵ Sỹ: Uỷ ban quốc gia về thương mại

7.    Brink (2002), trang 4

8.    Phỏng vấn Gustav Brink, chủ tịch, chính sách phòng vệ thương mại, ITAC, 31/08/2004

9.    Hiệp định 107 năm 1986

10.    Hiệp định sửa đổi Ban thuế quan và thương mại 1992 (HIệp định 60 1992) và Hiệp định sửa đổi thực thi và hải quan 1992 (Hiệp định 61 1992)

11.    ITC (2003), trang 2

12.    Barral et al. (2004), trang 51

13.    Phụ lục I

14.    WTO (2002). Rà soát chính sách thương mại SACU,  WT/TPR/S/114 , trang 34

15.    ITC (2003), trang 3

16.    Điều 16(4) Hiệp định chống bán phá giá

17.    Hiệp định chống bán phá giá, cùng với các cam kết WTO khác thoả thuận trong vòng đàm phán Uruguay, có hiệu lực ngày 01/01/2005

18.    Nedlac thay thế cho NEF ngày 18/02/1995, xem chi tiết dưới đây thảo luận về Nedlac, phỏng vấn Brink
19.    Brink (2002), trang 5

20.    “Hướng dẫn chính sách và thủ tục liên quan tới các hành động chống lại thực tiễn thương mại không bình đẳng: Phá giá và trợ cấp xuất khẩu”

21.    Rà soát chính sách thương mại SACU WTO, trang 33, WT/TPR/S/114. Theo hiệp định SACU 1969, thuế quan và luật pháp Nam Phi về các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng trực tiếp với tất cả các nước thành viên SACU

22.    ITC (2003), trang 4

23.    Phỏng vấn giáo sư Colin McCarthy, chủ tịch ITAC, 31/08/2004

24.    Ý kiến về luật chống bán phá giá, 04/04/2003, Trung tâm luật thương mại Nam Phi, www.tralac.org.

25.    Hiệp định 71 năm 2002

26.    Uỷ ban thuế quan và thương mại, Hiệp định 107 năm 1986

27.    Hiệp định 108 năm 1996

28.    Website Nedlac www.nedlac.org.za

29.    Ss. 4(1)(c) và (d) Viện Nedlac

30.    Ý kiến về luật ngày 04/04/2003, trung tâm luật thương mại Nam Phi

31.    Phỏng vấn McCarthy.

32.    Phỏng vấn McCarthy

33.    WTO G/ADP/N/1/ZAF/2, 20/01/2004. Ngôn ngữ chính thức WTO là Tiếng Anh, Pháp và tiếng Tây Ban Nha

34.    Phỏng vấn với Brink

35.    Câu hỏi và trả lời chi tiết trong các tài liệu của WTO G/ADP/Q1/ZAF/2, G/ADP/Q1/ZAF/4, G/ADP/Q1/ZAF/3, G/ADP/Q1/ZAF/5 và G/ADP/Q1/ZAF/1.

36.    Phỏng vấn McCarthy.

37.    Điều 17, HIệp định SACU 2002

38.    Gerhard Erasmus (2004), “ Cơ cấu SACU mới: triển vọng hội nhập khu vực”, tại website www.tralac.org

39.    Tóm tắt hiệp định liên minh thuế quan Nam Phi, Uỷ ban đầu tư công nghiệp và thương mại, 16/04/2003

40.    Ý kiến của SACOB về Hiệp định SACU dự kiến phê chuẩn của Nam Phi, 11/2003, đoạn 2.2

41.    Qui định 20, ITAC, các qui định chống bán phá giá

42.    Phỏng vấn McCarthy

43.    Phỏng vấn Marion Hummel, chuyên gia đầu tư và thương mại quốc tế, SACOB

Ngọc Hường dịch
Nguồn: www.wto.org
Quảng cáo sản phẩm