Liên tiếp bị kiện, thép Việt phải làm gì? Lỗi tại... chủ nghĩa bảo hộ?

25/09/2018 12:00 - 1116 lượt xem

TS NGUYỄN VĂN SƯA, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng thép Việt luôn phải chống đỡ với các vụ kiện về chống bán phá giá có nguyên nhân chủ yếu từ... chủ nghĩa bảo hộ.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang là đối tượng của tổng cộng 107 vụ điều tra phòng vệ thương mại ở các thị trường khác nhau. Các vụ điều tra chủ yếu nhằm vào sản phẩm kim loại, dệt may và các sản phẩm công nghiệp khác của Việt Nam.

- Ông có thể lý giải tại sao thép Việt Nam lại luôn là “tâm điểm” để các thị trường nhập khẩu dùng biện pháp chống bán phá giá, thưa ông?

Góc độ khách quan, gần đây, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch nổi lên mạnh mẽ, đặc biệt khi Mỹ đã sử dụng mục 232 về đánh thuế vào những sản phẩm có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng của nước Mỹ, với mức thuế xuất là 25% đối với các sản phẩm thép. Bên cạnh đó cũng có nhiều nước sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để áp dụng với sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu sang nước họ và biện pháp các nước thường xuyên sử dụng là chống bán phá giá.

  Từ đầu năm đến nay, thép Việt đã đối diện với  47 vụ kiện và bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại  tại các thị trường thép Việt xuất khẩu.

Ở chiều chủ quan, hiện nay, ngành thép Việt Nam có năng lực cạnh tranh tương đối khá, chất lượng đảm bảo theo các tiêu chuẩn trong nước cũng như quốc tế. Quan trọng là giá cả cũng rất hợp lý. Do đó, các nước phải dùng đến công cụ chống bán phá giá để khởi xướng những việc điều tra để áp thuế nhằm ngăn cản số lượng thép xuất khẩu của Việt Nam.

- Có ý kiến cho rằng, thép của Việt Nam “bị kiện nhiều hơn” do doanh nghiệp thép tập trung phát triển một vài lợi thế nhất định trong toàn chuỗi, như: quặng, phôi, thép đen, thép trắng, thép cao cấp... với chi phí sản xuất rẻ?

Trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp bao giờ cũng phải lợi dụng triệt để những lợi thế của mình. Đơn cử, Việt Nam có rất ít quặng sắt, với tốc độ phát triển như năm 2018 này, lượng nhập khẩu quặng sắt có thể lên tới 9 – 10 triệu tấn, dự báo năm 2019 còn có thể tăng lên. Theo đánh giá của chúng tôi, các năm sau có thể 80 -90% số lượng quặng sắt là phải nhập khẩu.

Hay với than để luyện cốc thì gần như 100% Việt Nam phải nhập khẩu. Như vậy, gần hết các nguyên liệu để sản xuất thép Việt Nam đều phải nhập khẩu.

- Nhưng ông không thể phủ nhận rằng, hiện nay doanh nghiệp thép Việt Nam chỉ mạnh ở một vài điểm?

Tôi lại nghĩ khác. Hiện chúng ta đang có 5 sản phẩm chính của ngành thép Việt Nam, đó là thép xây dựng; thép cuộn cán nóng – đây là loại sản phẩm mà Việt Nam đã sản xuất từ tháng 6/2017 để làm nguyên liệu cho những ngành gia công về sau; thép cuộn cán nguội; ống thép hàn và cuối cùng là tôn mạ và tôn sơn phủ màu. Như vậy, thép Việt có hầu như tất cả các loại mặt hàng chủ yếu chỉ trừ một số loại thép hợp kim hay thép không rỉ và thép cao cấp.

- Chẳng hạn như quặng gần như chỉ có Hòa Phát. Trong khi Hòa Phát lại chỉ sản xuất thép đen, chưa làm được thép cao cấp, thưa ông?

Đây là câu chuyện rất phức tạp mà các doanh nghiệp phải phân tích kỹ để lựa chọn phương án đầu tư. Thứ nhất, doanh nghiệp phải lựa chọn thép có đối tượng sử dụng nhiều. Ví dụ, thép xây dựng mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hàng chục triệu tấn... Tổng cộng lại, sản phẩm của ngành thép cũng lên trên 20 triệu tấn, năm 2017 là 22 triệu tấn và dự kiến năm 2018 là 25 triệu tấn. Với số lượng như vậy thì rất đáng đồng tiền bát gạo để doanh nghiệp đầu tư vào mảng này với số lượng lớn.

Còn với thép cao cấp, theo ước tính của Hiệp hội Thép, hiện nay cũng vào khoảng 1 triệu – 1,5 triệu tấn/năm. Đây là số lượng rất nhỏ và có rất nhiều chủng loại mặt hàng với gam sản phẩm này.

Cho nên việc sản xuất đòi hỏi phải có một trình độ khoa học rất cao. Trong thời gian vừa qua, các nhà sản xuất thép trong nước chưa có điều kiện để đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng theo quan điểm của tôi, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên nghĩ đến việc xây dựng một nhà máy về thép hợp kim khoảng trên 1 triệu tấn/ năm là hợp lý.

- Còn một nguyên nhân nữa khiến ngành thép bị cuốn vào các cuộc kiện chống bán phá giá là do nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phôi để sản xuất thép nhưng không phải từ công nghệ gốc. Ông bình luận thế nào về vấn đề này?

Phát triển ngành công nghiệp thép đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, các doanh nghiệp của Việt Nam cách đây khoảng 20 năm còn thiếu và hạn hẹp về công nghệ, tài chính. Do đó, giá rẻ là bước đi đầu tiên. Vào những năm 1994 -1996 trở đi, một loạt các nhà máy cán thép đã được xây dựng, các nhà máy này đã mua phôi từ bên ngoài về để cán ra sản phẩm và để cung cấp cho nền kinh tế. Theo tôi, đây là bước đi hoàn toàn hợp lý trong thời kỳ đầu phát triển ngành công nghiệp này.

- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp
Quảng cáo sản phẩm