Luật phòng vệ thương mại hiện hành của Việt Nam trói buộc doanh nghiệp như thế nào?

30/08/2017 12:00 - 2445 lượt xem

Với hệ thống văn bản pháp luật về phòng vệ thương mại hiện hành, doanh nghiệp Việt Nam dù chịu thiệt hại lớn vẫn rất e ngại nộp hồ sơ yêu cầu khởi xướng vụ việc chống tự vệ hay bán phá giá.  

Pháp luật về phòng vệ thương mại hiện hành của Việt Nam gây khó cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý các vụ việc về phòng chống tự vệ cũng như chống bán phá giá, ông Nguyễn Ngọc Sơn, chuyên gia dự án USAID GIG cho biết trong Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại được tổ chức tại TP. HCM vào ngày 29/8.

Những tồn tại trong pháp luật về biện pháp tự vệ
Ngày 8/12/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh tự về trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam. Mặc dù bám sát và không vi phạm với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng Nghị định này vẫn cho thấy một số bất cập đối với doanh nghiệp trong nước, ông Sơn nhận định.

Về căn cứ khởi xướng điều tra, Nghị định 150 quy định đại diện nguyên đơn phải đảm bảo lượng sản xuất chiếm 25% ngành sản xuất trong nước. Nói cách khác, doanh nghiệp Việt Nam khi muốn khởi xướng hay khiếu nại một vụ việc về tự vệ phải chứng minh được mình đang đại diện cho 25% sản lượng sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều chỉ có quy mô vừa và nhỏ nên để đảm bảo được điều kiện này, các doanh nghiệp phải liên minh với nhau. “Để liên minh với nhau, đối với các doanh nghiệp cũng không phải là dễ dàng” ông Sơn khẳng định.

Trên thực tế, quy định này đang vừa trói buộc doanh nghiệp Việt Nam khi khởi xướng một vụ việc về tự vệ, vừa ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc đốc thúc và thẩm tra hồ sơ, theo ông Sơn.

Hơn nữa, Nghị định 150 yêu cầu quá chi tiết và phức tạp về hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp khi yêu cầu cơ quan thực thi pháp luật khởi xướng một vụ việc về tự vệ. “ Yêu cầu này này vượt quá khả năng của các doanh nghiệp. Có doanh nghiệp mất tới 4 – 5 tháng để có thể nộp hồ sơ tham vấn đến Cục Quản lý Cạnh tranh, chứ chưa nói đến hồ sơ khởi kiện chính thức”, ông Sơn cho biết.

Trong khi đó, Nghị định 150 lại không quy định về thủ tục để cơ quan điều tra tự khởi xướng một vụ việc về tự vệ, giống như WTO quy định. Nói cách khác, ở Việt Nam, việc khởi xướng điều tra chống tự vệ với một mặt hàng phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp có nộp đơn yêu cầu hay không.

Tuy nhiên với một số trói buộc nêu trên, doanh nghiệp trong nước trên thực tế dù thiệt hại rất lớn vẫn e ngại nộp đơn khởi kiện vì băn khoăn về khả năng thành công và chi phí kiện tụng.

Về phương pháp xác định thiệt hại, Nghị định 150 xác định ngành sản xuất trong nước đại diện hợp pháp phải chiếm tỷ lệ ít nhất 50% trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành đó được sản xuất ra ở trong nước. Việc quy định cứng tỷ lệ 50% này sẽ gây khó khăn trong nhiều vụ việc khi thị phần các doanh nghiệp trên thị trường nhỏ lẻ và số lượng doanh nghiệp rất lớn, ông Sơn cho hay.

Về xác định mức độ thiệt hại, Nghị định 150 tính toán thiệt hại dựa trên phân tích giá của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra so với giá của hàng hóa tương tự trong nước. Trong khi đó, WTO lại so sánh diễn biến giá của hàng hóa trong nước đặt trong bối cảnh thị trường trong nước, để xem liệu với áp lực nhập khẩu của hàng nhập khẩu thì giá hàng hóa trong nước có phải đang bị ép không thể tăng hoặc phải hạ giá trong khi đáng lẽ giữ giá hoặc tăng giá mới có thể hoạt động được.

Về quy định xác định lượng nhập khẩu quá mức, quy định hiện hành của Việt Nam cho rằng, nhập khẩu hàng hóa quá mức là việc nhập khẩu hàng hóa với khối lượng, số lượng hoặc trị giá gia tăng.

Tuy nhiên theo ông Sơn, việc so sánh về giá trị nhập khẩu sẽ không phản ánh đầy đủ và đúng đắn về mức độ gia tăng của hàng hóa nhập khẩu so với hàng hóa tương tự sản xuất trong nước. Bởi theo WTO, căn cứ cơ bản để áp dụng biện pháp tự vệ là khi có sự gia tăng chỉ về số lượng nhập khẩu đối với với sản xuất nội địa.

Không chỉ doanh nghiệp, cơ quan điều tra đôi khi cũng gặp áp lực lớn với Nghị định 150 khi quy định tổng thời gian điều tra một vụ việc chỉ là 8 tháng.

Ngoài ra, Nghị định 150 cũng không quy định hoặc nêu rõ về các biện pháp tự vệ (như tăng mức thuế nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, thuế tuyệt đói, cấp phép nhập khẩu, phụ thu,...), phạm vi miễn trừ, vai trò của Hội đồng xử lý vụ việc hay vấn đề trả đũa, bồi thường, ông Sơn cho hay.

Nguồn: vietnambiz.vn
Quảng cáo sản phẩm