Mở cửa thị trường dược phẩm: sức ép lớn đối với thị trường trong nước

05/02/2009 12:00 - 1093 lượt xem

Thực hiện lộ trình cam kết WTO, từ 1-1-2009, thị trường bán lẻ trong nước được mở cửa. Đối với dược phẩm, việc mở cửa tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài được quyền xuất nhập khẩu, phân phối thuốc ở Việt Nam. Thực tế này tạo nhiều sức ép với thị trường trong nước, nhất là với doanh nghiệp nội địa, vì hơn 50% thị phần thuốc trong nước vẫn là thuốc ngoại.

Tăng trưởng nhưng vẫn phụ thuộc

Theo đánh giá của Cục Quản lý dược Việt Nam, trong năm vừa qua, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực dược phẩm Việt Nam tiếp tục phát triển khá mạnh.

Điều này được thể hiện bằng số doanh nghiệp dược phẩm nước ngoài đầu tư và xuất khẩu thuốc vào Việt Nam cũng tăng nhanh cả về số lượng và quy mô, cùng với đó là giá trị sử dụng tiền thuốc của người dân và số thuốc được cấp phép cũng tăng cao.

Tính đến đầu năm 2009, đã có 438 doanh nghiệp dược nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam, tăng 68 doanh nghiệp so với năm 2007. Những quốc gia có nhiều công ty dược phẩm cũng như số đăng ký thuốc nhiều nhất trên thị trường Việt Nam là Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Đức.

Đáng chú ý, trong năm 2008 đã có tới 2.300 loại thuốc nước ngoài được cấp số đăng ký lưu hành ở Việt Nam, chủ yếu là thuốc kháng sinh và kháng viêm.

Trị giá thuốc sản xuất của các nhà máy dược phẩm nước ngoài chiếm khoảng 22% tổng giá trị thuốc sản xuất của các nhà máy dược phẩm trong cả nước.

Cùng với đó, tiền sử dụng thuốc bình quân đầu người năm vừa qua đã đạt mức 16,45 USD, tăng 3,06 USD so với năm 2007 và tăng 11,15 USD so với năm 2000.

Tuy nhiên Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường cũng thẳng thắn nhận định, trong sự phát triển này, thị trường dược phẩm vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố nước ngoài.

Hiện nay, thuốc ngoại nhập vẫn chiếm vị trí quan trọng khi cung ứng tới 60% trị giá thuốc cho thị trường thuốc trong nước, trong đó có nhiều loại thuốc đặc trị, chuyên khoa sâu, thuốc có công nghệ cao mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Bên cạnh đó, đối với thuốc được sản xuất trong nước và các doanh nghiệp dược nội địa vẫn còn phụ thuộc tới 90% nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc được nhập từ nước ngoài.

Cạnh tranh sẽ mạnh mẽ hơn

Bước vào năm 2009, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dược nhận định, thị trường bán lẻ trong lĩnh vực dược phẩm được mở cửa, với việc doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được quyền xuất nhập khẩu và phân phối thuốc sẽ có những tác động không nhỏ tới thị trường về cung cầu và giá cả.

Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cũng đã đưa ra đánh giá, đến thời điểm hiện nay, thị trường dược Việt Nam đã hội tụ đầy đủ sắc thái của một thị trường cạnh tranh ở mức độ cao.

Theo Cục Quản lý dược, hiện nay thị trường thuốc nhập khẩu không có hiện tượng độc quyền trong việc kinh doanh, phân phối thuốc nhập khẩu mà đang có sự cạnh tranh quyết liệt của 425 doanh nghiệp nước ngoài cung cấp thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại thị trường Việt Nam và 90 doanh nghiệp được phép nhập khẩu thuốc trực tiếp.

Dự kiến trong năm nay, số lượng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu thuốc sẽ tăng trên 60%. Đặc biệt giá trị sử dụng tiền thuốc bình quân của người dân cũng sẽ tăng lên, khoảng 18 USD/người/năm.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết, việc thực hiện các lộ trình cam kết WTO đối với lĩnh vực dược phẩm sẽ vẫn được thực hiện đúng theo kế hoạch. Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tác nước ngoài kinh doanh và sản xuất dược phẩm hoạt động trong môi trường thông thoáng, lành mạnh, công khai, bình đẳng và minh bạch.

Tuy nhiên, dược phẩm là một lĩnh vực nhạy cảm có ảnh hưởng lớn tới đời sống nên Thứ trưởng Cao Minh Quang khẳng định, Bộ Y tế cùng với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp sẽ phải có sự phối hợp chặt chẽ, với mục tiêu là cung ứng thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.

Về phía Cục Quản lý dược, ông Trương Quốc Cường cho biết, đối với doanh nghiệp dược nước ngoài hoạt động ở Việt Nam từ ngày 1-1-2009 được phép nhập thuốc trực tiếp vào Việt Nam. Nhưng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài không có đại diện thương mại tại Việt Nam chỉ được quyền nhập khẩu và không có quyền phân phối dược phẩm.

Để chuẩn bị cho những thay đổi này, Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hướng dẫn quy định theo nguyên tắc: doanh nghiệp nước ngoài được quyền nhập khẩu, sau đó thực hiện việc cung cấp thuốc cho doanh nghiệp Việt Nam theo điều kiện về chuyên môn, kỹ thuật để đáp ứng chất lượng thuốc.

Ngoài ra, để được nhập khẩu thuốc trực tiếp, doanh nghiệp dược nước ngoài phải đầu tư vào lĩnh vực dược tại Việt Nam, như đầu tư vào sản xuất, dịch vụ bảo quản hoặc dịch vụ kiểm nghiệm dược phẩm.

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược trong nước, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, ngành dược dự kiến tăng mạnh số lượng các nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn GMP-WHO lên hơn 55%. Đồng thời tập trung phát triển, xây dựng những nhà máy chuyên sản xuất nguyên liệu, kháng sinh để phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Đặc biệt, đại diện một số doanh nghiệp dược trong nước cho biết, rất có thể sẽ có sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau để hình thành nên những tập đoàn dược phẩm nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
 
Theo: Báo Sài Gòn giải phóng
Quảng cáo sản phẩm