Mở rộng thị trường để thúc đẩy xuất khẩu

17/05/2019 12:00 - 570 lượt xem

4 tháng đầu năm 2019, đà xuất siêu hàng hóa ghi nhận sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2019, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu (XK) khoảng 7-8%. Theo Bộ Công Thương, để đạt mức tăng trưởng 8% năm 2019, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cần đạt là 263 tỷ USD.

Như vậy, KNXK 8 tháng tiếp theo phải đạt khoảng 184 tỷ USD. Nghĩa là bình quân một tháng phải đạt khoảng 23 tỷ USD. Đây là nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp (DN).

Nhiều mặt hàng chủ lực giảm đà tăng trưởng xuất khẩu

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 4 tháng đầu năm 2019, KNXK hàng hóa ước đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù trong quý I, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư với mức xuất siêu 1,4 tỷ USD; tuy nhiên, bước sang tháng 4, ước tính nhập siêu khoảng 700 triệu USD. Như vậy, tính chung 4 tháng năm 2019, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 711 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức 3,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.

Có thể thấy, điểm nổi bật của hoạt động XK sau 4 tháng đầu năm là tăng trưởng XK của khối DN trong nước đạt 10,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 4% của khối DN nước ngoài. Tuy nhiên, yếu tố khiến KNXK 4 tháng tăng trưởng chậm là do KNXK một số mặt hàng chủ lực về lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giảm; mặt hàng điện thoại, linh kiện cũng không tăng trưởng cao như những năm trước… Cụ thể, mặc dù điện thoại, linh kiện có giá trị lớn nhất, đạt 16 tỷ USD, nhưng giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước; thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, nhưng giảm 1,3% so với cùng kỳ. KNXK cà phê đạt 1,1 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ; hạt điều đạt 884 triệu USD, nhưng giảm 16,9% (lượng tăng 5%); gạo đạt 866 triệu USD, giảm 21,7% (lượng giảm 7,9%); hạt tiêu đạt 270 triệu USD, giảm 12% (lượng tăng 18,6%).

Doanh nghiệp cần chủ động đáp ứng các yêu cầu của thị trường

Bước sang quý II, Bộ Công Thương nhận định, KNXK hàng hóa mặc dù vẫn tăng trưởng, song, tốc độ tăng sẽ không cao như cùng kỳ năm trước do sự suy giảm của thương mại toàn cầu; đặc biệt là những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong đó đáng chú ý, sự sụt giảm nhu cầu đối với mặt hàng điện thoại di động trên toàn cầu trong năm 2019. Mặt hàng này sẽ ảnh hưởng đến KNXK của Việt Nam thời gian tới. Ngoài ra, triển vọng XK nhóm hàng nông, thủy sản cũng không mấy khả quan do giá các mặt hàng này giảm trong bối cảnh cung vượt cầu, ví như: Cao su, hạt tiêu, cà phê…

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, dẫu hoạt động XK của Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức trong thời gian tới, song, với chính sách mở cửa thị trường và tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và những triển vọng từ các FTA đang đàm phán thì tín hiệu lạc quan về XK không phải là không có cơ sở. Mặt khác, dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào các lĩnh vực sản xuất quan trọng, nhất là lĩnh vực chế biến, chế tạo. Đây cũng được coi là nền tảng cho việc gia tăng sản lượng, kim ngạch hàng hóa phục vụ XK. Đơn cử như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tổng KNXK của 10 nước đối tác trong CPTPP là gần 2.500 tỷ USD. Việt Nam hiện mới XK sang các nước này khoảng 42 tỷ USD, chiếm khoảng 1,7% tổng nhập khẩu của các nước; trong đó, nhiều thị trường và đối tác trong CPTPP có cơ cấu xuất nhập khẩu mang tính bổ sung lớn với Việt Nam.

Song, để tận dụng được lợi thế từ các FTA mang lại, đặc biệt là CPTPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, sức ép cạnh tranh là có nhưng chưa phải thách thức lớn nhất. Quan trọng là các DN phải tự đổi mới chính mình, thay đổi tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, thị trường thế giới đặt ra các yêu cầu kiểm soát chặt về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, bao bì, ghi nhãn sản phẩm... thì đây không hẳn là rào cản mà là nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng ta cần phải thay đổi để nắm bắt được cơ hội. “Nhà nước sẽ đồng hành cùng DN nhưng sự chủ động của DN là cần thiết, yếu tố quyết định sự thành bại của DN”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Xoay quanh vấn đề phát triển thị trường XK, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, nhiều người đang hiểu chưa hết, chưa đúng về XK, nghĩ phải ra nước ngoài, bán hàng cho người nước ngoài và người ta phải trả ngoại tệ mới là XK. Thực tế chỉ cần chúng ta cung ứng dịch vụ, sản phẩm cho DN nước ngoài trên đất nước Việt Nam thì đó cũng là XK. Do đó, vấn đề xúc tiến XK phải làm ngay từ trong nước. “Điều cơ bản nhất trong XK là đối tác; đối tác không phải chỉ để cùng nhau XK mà phải xúc tiến XK, là tạo ra mạng lưới, tạo ra chuỗi giá trị và đầu vào”, ông Võ Trí Thành nêu quan điểm.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng XK trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương để phối hợp đánh giá nguyên nhân suy giảm tăng trưởng XK đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành và dự báo xu hướng tăng trưởng sản xuất, XK trong cả năm 2019… Bộ Công Thương cũng đã tổ chức các đoàn làm việc trực tiếp với các địa phương (Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng…) để tháo gỡ khó khăn cho những dự án trọng điểm, thúc đẩy sản xuất và XK. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy XK, tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa; tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối DN XK nông, thủy sản của Việt Nam với những DN có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới; tổ chức hoạt động cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo hướng đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp C/O...
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Quảng cáo sản phẩm