Mỹ ban hành qui định chính thức về dán nhãn quốc gia xuất xứ

15/01/2009 08:45 - 1525 lượt xem

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa công bố chi tiết qui định cuối cùng về chương trình ghi nhãn quốc gia xuất xứ bắt buộc (COOL) tuân theo các bộ Luật Nông nghiệp 2002 và 2008.

Toàn văn của qui định cuối cùng này sẽ được phát hành trong Đăng bạ Liên bang ngày 15/01/2009. Qui định này bắt đầu có hiệu lực vào ngày 16/03/2009, tức 60 ngày sau ngày đăng công báo. Các bản sao về qui định này và các thông tin bổ sung hiện đã được đăng tải trên mạng tại địa chỉ http://www.ams.usda.gov/COOL.

Qui định trên liên quan đến các loại thịt bò, cừu, gà, dê và heo; cá và động vật có vỏ (shellfish) nuôi và đánh bắt tự nhiên; nông sản phẩm dễ hư thối (nhất là rau quả tươi và đông lạnh); các loại hạt macadamia, hồ đào; nhân sâm và đậu phộng.

Các hàng hóa chịu tác động của COOL phải được dán nhãn quốc gia xuất xứ khi bán lẻ. Đối với hải sản, phương pháp sản xuất, tự nhiên hay nuôi trồng, phải được ghi rõ. Hàng hóa được loại trừ khỏi qui định dán nhãn bắt buộc này nếu hàng hóa đó là một chất thành phần trong một mặt hàng thực phẩm chế biến.

Định nghĩa về một mặt hàng thực phẩm chế biến vẫn không có gì thay đổi từ ngày 01/08/2008. Hàng hóa được loại trừ khỏi qui định COOL là các mặt hàng được chuyển hóa từ một hàng hóa chịu tác động của qui định COOL nhưng đã trải qua sự biến đổi vật lý hoặc hóa học như nấu chín, chế biến để bảo quản hoặc xông khói, hoặc được phối hợp với các hàng hóa chịu tác động của qui định COOL hoặc các thành phần thực phẩm chính khác như sôcôla, tẩm bột và sốt cà chua.

Các cơ sở dịch vụ thực phẩm  như các nhà hàng ăn uống, cafeteria, quầy thực phẩm, quán bar, … cũng được loại trừ

Qui định chính thức này đặt ra các yêu cầu về dán nhãn các hàng hóa bị tác động của qui định này và các yêu cầu về theo dõi sổ sách đối với các nhà bán lẻ và các nhà cung ứng. Luật qui định các mức phạt vạ lên tới 1.000 USD cho mỗi vi phạm của các nhà bán lẻ và các nhà cung ứng không tuân theo qui định này.

Qui định này cũng mô tả cụ thể các tiêu chuẩn phải được đáp ứng cho các hàng hóa bi chi phối có mang dòng công bố “xuất xứ từ Hoa Kỳ”. Ngoài ra, qui định này cũng có các điều khoản về dán nhãn xuất xứ áp dụng cho hàng nước ngoài bị chi phối bởi qui định trên, sản phẩm thịt từ nhiều nguồn, sản phẩm thịt xay cũng như các sản phẩm hỗn hợp khác.

USDA có kế hoạch dành ngân sách để đẩy nhanh và mở rộng việc huấn luyện nhân sự, khởi động việc triển khai hệ thống theo dõi tự động, thực hiện khảo sát các nhà bán lẻ, kiểm toán các chuỗi cung ứng bán lẻ và tiếp tục các hoạt động giáo dục và dịch vụ lưu động.

Hiện nay, USDA đã có các thỏa hiệp hợp tác với 42 tiểu bang để tiến hành việc rà soát lại hệ thống bán lẻ.

Nguồn: http://www.vinanet.com.vn

 

Quảng cáo sản phẩm