Mỹ chấm dứt ưu đãi Ấn Độ: Nguy cơ trận chiến mới

03/06/2019 12:00 - 455 lượt xem

Nhiều ý kiến lo ngại động thái này tạo thêm một mặt trận nữa cho các cuộc chiến thương mại toàn cầu của Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ chấm dứt ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) kể từ ngày 5/6 tới.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Trump cho biết ông muốn hàng hóa Mỹ có thể tiếp cận nhiều hơn vào thị trường quốc gia Nam Á khổng lồ này.

Theo ông, New Delhi đã không đảm bảo được sẽ đem đến quyền tiếp cận công bằng và phù hợp cho Mỹ với thị trường của nước này.

Do đó, ông quyết định chấm dứt việc coi Ấn Độ là quốc gia đang phát triển được hưởng lợi từ GPS.

Chương trình GPS tạo điều kiện cho 121 quốc gia đang phát triển trên thế giới có cơ hội dễ dàng hơn tiếp cận được thị trường Mỹ. Ấn Độ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình này vào năm 2017 với việc xuất khẩu số hàng hóa miễn thuế trị giá 5,7 tỷ USD sang Mỹ, theo dữ liệu cung cấp bởi chính phủ Mỹ.

Quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể coi như cú sốc với Ấn Độ sau khi nước này nhượng bộ trước áp lực từ phía Mỹ bằng việc không mua dầu thô từ Iran, theo người phát ngôn của đảng Quốc Đại Randeep Singh Surjewala. Theo ông Surjewala, những ngành nghề chịu nhiều sức ép nhất trong bối cảnh mới sẽ bao gồm ngành nông nghiệp, phụ tùng ô tô và dược phẩm.Thông báo mới nhất về việc ngừng miễn trừ thuế quan với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức, sau chiến thắng nhiệm kỳ thứ 2 vào cuộc tổng tuyển cử tuần trước.

Trên truyền thông quốc tế, hàng loạt lo ngại bắt đầu dấy lên. CNN bình luận động thái này "tạo thêm một mặt trận nữa cho các cuộc chiến thương mại toàn cầu của Trump". Trong khi đó, The New York Times cảnh báo rằng quyết định của Tổng thống Mỹ "có thể gây ra một cuộc chiến thương mại khác với một quốc gia đồng minh".

Hồi tháng 5 vừa qua, chính quyền Mỹ cũng đã ngừng cơ chế ưu đãi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là nước hưởng lợi thứ 5 trong chương trình. Một số công ty xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ trước đây được cho phép xuất hàng vào Mỹ mà không phải chịu thuế nhập khẩu. Giá trị hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ được miễn thuế trước đây ước khoảng 1,7 tỷ USD.

Động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump có khả năng nối dài danh sách những quốc gia có căng thẳng thương mại với Mỹ. Suốt thời gian qua Mỹ đã khiến trật tự thương mại thế giới rung chuyển bằng những đợt áp thuế, phần lớn là nhằm vào Trung Quốc.

Tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu đang bị Mỹ áp thuế là 250 tỷ USD. Ông Trump đã chỉ đạo đại diện thương mại Mỹ (USTR) quá trình lấy ý kiến công chúng về việc áp thuế 25% với lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu Mỹ còn lại, ước tính khoảng 300 tỷ USD.

Mỹ cũng tuyên bố áp thuế 5% lên toàn bộ hàng hóa Mexico nhập khẩu từ ngày 10/6, tăng thêm 5% mỗi tháng cho đến khi đạt 25% vào tháng 10 nếu Mexico City không hành động để đáp ứng các yêu cầu từ Washington về chặn dòng người nhập cư phi pháp ở biên giới hai nước.

Bên cạnh đó, Mỹ áp thuế 25% với thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ ngày 23/3/2018 với lý do an ninh quốc gia. Một số trường hợp được miễn trừ gồm Argentina, Australia, Brazil và Hàn Quốc nhưng bị áp hạn ngạch. Canada và Mexico được miễn trừ hồi đầu tháng 5. Hai nước này cũng đã dỡ thuế đáp trả Mỹ.

Mỹ còn đánh thuế 20 - 50% với máy giặt nhập khẩu ; áp thuế 30% lên tấm pin mặt trời nhập khẩu từ ngày 22/1/2018.

Hiện Tổng thống Trump đang cân nhắc áp thuế 25% lên xe hơi và linh kiện xe hơi nhập khẩu dựa trên nghiên cứu của Bộ Thương mại Mỹ về nguy cơ an ninh quốc gia từ những sản phẩm này.

Một trong những mục tiêu của Tổng thống Trump khi tiến hành các cuộc chiến tranh thương mại là cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, đối phó với cái mà ông gọi là hành vi bất bình đẳng từ Trung Quốc, Liên minh châu Âu cùng nhiều bên khác, làm cho nước Mỹ mạnh trở lại, phát triển nước Mỹ mạnh mẽ trên nguyên tắc của cơ chế thị trường. Tuy nhiên, điều Mỹ phải ứng phó là sự "ăn miếng trả miếng" của các quốc gia và những người chịu ảnh hưởng trước tiên chính là người tiêu dùng Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài hay đang sử dụng nguyên vật liệu từ các quốc gia chịu đòn thuế quan của Mỹ.

Nguồn: Báo Đất Việt

Quảng cáo sản phẩm