Mỹ chĩa mũi dùi thương mại vào các nước đang phát triển

15/08/2018 10:01 - 792 lượt xem

Không chỉ phát động chiến tranh thương mại với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc hay Liên minh châu Âu (EU), chính quyền Tổng thống Donald Trump còn rà soát lại chế độ miễn giảm thuế cho các nước nhỏ hơn vốn xem Mỹ là thị trường quan trọng đối với hàng hóa của họ, theo tờ The Wall Street Journal.

Mỹ gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ

Kể từ khi Trump nhậm chức tổng thống cách đây 18 tháng, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã tiến hành các đợt rà soát lại tính hợp lệ của các nền kinh tế kém phát triển hơn để tham gia một chương trình miễn thuế cho hàng ngàn sản phẩm mà họ xuất khẩu sang Mỹ, có tên gọi chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Gần đây nhất, Nhà Trắng đã chĩa mũi dùi thương mại vào Thổ Nhĩ Kỳ khi cân nhắc thu hồi chương trình GSP dành cho nước này. GSP là một chương trình liên bang cho phép miễn thuế đối với 4.800 sản phẩm từ linh kiện ô tô cho đến nữ trang xuất khẩu sang thị trường Mỹ từ 121 nước và vùng lãnh thổ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở thế giới đang phát triển.

10 nước đang được hưởng lợi lớn nhất nhờ GSP gồm Ấn Độ, Thái Lan, Brazil, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Nam Phi, Ecuador, Campuchia và Pakistan.

Thổ Nhĩ Kỳ là mục tiêu bị nhắm đến trong đợt rà soát chương trình GSP hồi đầu tháng 8 do USTR tiến hành. USTR đã bày tỏ lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ không cung cấp cho các nhà xuất khẩu Mỹ sự tiếp cận thị trường công bằng do dựng hàng rào thuế quan đối với nhiều hàng hóa Mỹ. Mỹ đang tìm cách gia tăng sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ vì các bất đồng thương mại cũng như hục hặc giữa hai nước về việc một mục sư Mỹ bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hợp tác với chúng tôi để giải quyết các mối lo ngại dẫn đến cuộc rà soát sự tiếp cận miễn thuế của hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ đối với thị trường Mỹ”, Phó Đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish nói trong một thông báo vào đầu tháng này.

Hồi tháng 3, Washington đã áp thuế nhập khẩu 25% và 10% lần lượt với thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này giận dữ và tung đòn thuế trả đũa nhằm vào nhiều hàng hóa Mỹ như gạo, thuốc lá, ô tô. Hôm 10-8, Trump đe dọa sẽ tăng gấp đôi mức thuế nhập khẩu đối với nhôm thép Thổ Nhĩ Kỳ.

Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ bị cảnh báo

Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ cũng đã được Mỹ cảnh báo rằng họ có thể mất một số đặc quyền miễn thuế.

Hồi tháng 5, Mỹ thông báo sẽ rà soát tính hợp lệ của Thái Lan đối với chương trình GPS sau khi Hội đồng các nhà sản xuất thịt heo quốc gia Mỹ nộp đơn khiếu nại cho rằng Thái Lan hiếm khi cấp phép nhập khẩu thịt heo Mỹ.

Trong hơn một thập kỷ qua, Bangkok cấm nhập khẩu thịt heo có chứa hóc-môn kích thích tăng trưởng Ractopamine mà nhiều chủ trang trại heo Mỹ đang cho heo ăn đồng thời tính phí kiểm dịch cao đối với các lô thịt heo của Mỹ được tuyên bố không có Ractopamine.

Các hiệp hội chăn nuôi heo ở sáu tỉnh Thái Lan đã gửi thư ngỏ đến Tổng thống Trump, kêu gọi chính quyền Mỹ ngừng gây sức ép buộc Thái Lan nhập thịt heo Mỹ trong lúc thị trường Thái Lan đang dư thừa nguồn cung.
“Động thái này sẽ tạo ra thảm họa không tưởng tượng nổi cho những nông dân nuôi heo Thái Lan”, bức thư có đoạn.

Anan Tridechapong, người phát ngôn của Hiệp hội những người chăn nuôi heo Thái Lan, nói rằng các hộ nông dân nuôi heo quy mô nhỏ đang khốn đốn vì giá thịt heo trong nước thấp và tình hình sẽ khó khăn hơn đối với họ nếu Thái Lan cho phép nhập thịt heo Mỹ.

Năm 2017, Thái Lan xuất khẩu 4,2 tỉ đô la Mỹ hàng hóa sang Mỹ theo chương trình GSP, chiếm 13% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan sang Mỹ.

Trong khi đó, hồi tháng 4, Indonesia bị USTR cáo buộc thực hiện một loạt các rào cản thương mại và đầu tư gây ra “những hậu quả nghiêm trọng” đối với doanh nghiệp Mỹ. Trong năm 2017, khoảng 10% trong số 20 tỉ đô la hàng hóa Indonesia xuất khẩu sang Mỹ được hưởng chế độ miễn thuế của chương trình GSP.

Vào cuối tháng 7, một nhóm quan chức cấp cao của chính phủ Indonesia gồm Bộ trưởng Thương mại Enggartiasto Lukita đã sang Washington để trình bày các lập luận thuyết phục Mỹ giữ Indonesia trong chương trình GSP.

Tính hợp lệ của Ấn Độ trong chương trình GSP cũng đang bị USTR đánh giá lại vì những mối lo ngại về tiếp cận thị trường. Các lãnh đạo ngành bơ sữa và ngành thiết bị y tế của Mỹ nói rằng họ đối mặt với rào cản thương mại tại thị trường Ấn Độ. Năm ngoái, khoảng 5,6 tỉ đô la trong 49 tỉ đô la hàng hóa Ấn Độ bán sang Mỹ được miễn thuế nhờ chương trình GSP.

Giải quyết vấn đế mất cân đối thương mại song phương

USTR có thẩm quyền đánh giá lại tính hợp lệ của một nước đang được hưởng GSP. Trong những thập kỷ gần đây, USTR hầu như chỉ tiến hành các hoạt động rà soát như vậy dựa trên các khiếu nại từ các hiệp hội kinh doanh hay các nghiệp đoàn và các khiếu nại này thường liên quan đến các vấn đề như sử dụng lao động trẻ em hay nhân quyền.

Bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, USTR bắt đầu tiến hành tiến trình “rà soát chủ động” đối với tính hợp lệ của các nước đang được hưởng GSP nhằm tạo ra “một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp Mỹ”, theo lời của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Tính hợp lệ tham gia chương trình GSP sẽ được đánh giá dựa vào việc liệu các đối tác thương mại đang được hưởng GSP có cung cấp cho các doanh nghiệp Mỹ sự tiếp cận thị trường của họ một cách hợp lý và công bằng hay không.

Vòng rà soát thứ nhất tập trung vào 25 nước châu Á và Thái Bình Dương và vòng rà soát tiếp theo sẽ được tiến hành với các nước Đông Âu, Trung Đông và châu Phi vào mùa thu này.

Cho đến nay, chưa có nước nào đang được hưởng GSP bị Mỹ thu hồi chế độ này.

Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á ở Singapore, cho biết Mỹ đang sử dụng các cuộc rà soát này để gây sức ép buộc các nước đàm phán các hiệp định tự do song phương với Mỹ hoặc phải chấp nhận các nhượng bộ thương mại khác. Đối với nhiều nước, động thái của Mỹ gây lo ngại vì Mỹ là một thị trường rộng lớn đối với nhiều hàng hóa của họ.

Chưa đến 1% hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đến từ chương trình GSP trong năm 2016, tương đương khoảng 19 tỉ đô la trong tổng kim ngạch nhập khẩu 2.200 tỉ đô la của Mỹ vào năm đó. Mặc dù đây là con số nhỏ so với Mỹ nhưng rất quan trọng đối với một số nước nghèo.

Cách tiếp cận mới về chương trình GSP cũng phù hợp với  nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm giải quyết các vấn đề mất cân đối thương mại song phương giữa Mỹ và các đối tác thương mại trên thế giới.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Quảng cáo sản phẩm