Mỹ chính thức phản đối việc công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường

01/12/2017 12:00 - 839 lượt xem

ENTERNEWS.VN Mỹ đã chính thức tuyên bố với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng họ phản đối việc công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Với động thái này, Mỹ vẫn sẽ duy trì thuế chống bán phá giá cao đối với hàng hóa Trung Quốc.

Tuyên bố nói trên của Mỹ đã được đệ trình lên WTO nhằm hỗ trợ Liên minh châu Âu (EU) trong một cuộc tranh cãi với Trung Quốc, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho tương lai của WTO.

Hiện Trung Quốc đang thuyết phục EU để được công nhận là nền kinh tế thị trường nhằm cắt giảm đáng kể thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc.

Mỹ và EU cho rằng, vai trò quá lớn của nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm trợ cấp tràn lan sẽ khiến giá cả trong nước bị can thiệp mạnh mẽ mà không biến động theo thị trường.

Nếu Trung Quốc được công nhận là nền kinh tế thị trường, sẽ làm suy yếu nhiều biện pháp bảo hộ thương mại của các quốc gia chống lại làn sóng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, gia tăng rủi ro cho nhiều ngành công nghiệp phương Tây.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã nói với Quốc hội vào tháng 6 rằng, vụ việc này là "vụ tranh chấp nghiêm trọng nhất mà chúng ta đang phải đối mặt tại WTO lúc này" và một quyết định ủng hộ Trung Quốc "sẽ là thảm hoạ cho WTO”.

Ông Lighthizer đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng với cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO và kêu gọi những cải cải cách mạnh mẽ tại tổ chức này.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ (USTR) cho rằng, không nên công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường chỉ vì nghị định thư gia nhập năm 2001 hết hạn vào năm ngoái.

"Các thành viên WTO sẽ không từ bỏ các quyền phản đối việc sử dụng giá cả hoặc chi phí không được xác định theo điều kiện kinh tế thị trường nhằm xác định các biện pháp chống bán phá giá”, báo cáo nhấn mạnh.

Động thái này diễn ra khi căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang gia tăng và chính quyền Trump đang chuẩn bị áp dụng một số giải pháp, như thuế quan hoặc hạn ngạch về thép và nhôm, thậm chí là một cuộc điều tra về đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc.

Ngày 28/11, Bộ Thương mại đã khởi động các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu tấm nhôm từ Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ nói rằng trong 16 năm làm thành viên của WTO, quốc gia này đã không thể chấm dứt được những thực tiễn chi phối thị trường của Trung Quốc.

"Chúng tôi lo ngại rằng việc tự do hóa kinh tế của Trung Quốc dường như đã chậm lại, với vai trò can thiệp của Nhà nước ngày càng tăng", ông David Malpass, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ về các vấn đề quốc tế, phát biểu tại một sự kiện ở New York ngày 30/11.
"Các doanh nghiệp Nhà nước của Trung Quốc hiện không phải đối mặt với những khó khăn về ngân sách và chính sách công nghiệp của Trung Quốc ngày càng trở nên bất lợi cho các công ty nước ngoài. Trong khi tín dụng xuất khẩu đang được sử dụng theo cách phi kinh tế làm bóp méo thị trường”, ông Malpass nhấn mạnh.

Báo cáo của Mỹ đệ trình lên WTO cũng cho rằng Trung Quốc nên được đối xử theo cách giống như các nước Đông Âu, như Ba Lan, Rumani và Hungary khi họ gia nhập tổ chức tiền thân của WTO là Hiệp ước chung về Thuế quan và Thương mại vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970.

Tuy nhiên, các nước này cuối cùng đã được công nhận là nền kinh tế thị trường khi bằng chứng về trợ cấp và chi phối của Nhà nước ít dần. 


Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp
Quảng cáo sản phẩm