Mỹ sẽ không thay đổi nhiều trong chính sách

28/11/2008 12:00 - 1278 lượt xem

Ngày 20/1 tới, chính quyền mới của Tổng thống Barack Obama sẽ chính thức điều hành nước Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng sẽ có những thay đổi về chính sách thương mại giữa nước Mỹ với các đối tác, trong đó có Việt Nam. DĐDN có cuộc trao đổi với Luật sư Jon E. Huenemann, thuộc Cty Luật Miller Chevalier (Hoa Kỳ) xung quanh vấn đề này.

- Theo ông, chính quyền Obama có thay đổi nhiều về chính sách thương mại với Việt Nam?

Tôi nghĩ rằng chính quyền mới sẽ quan tâm nhiều hơn về chính sách thương mại với tầng lớp trung lưu của Mỹ. vì vậy, theo tôi cách tiếp cận của DN cũng mang nhiều màu sắc thực tế hơn và ít màu sắc về lý tưởng. Vì vậy, về vấn đề GSP chẳng hạn Việt Nam phải đẩy mạnh đối thoại với Mỹ và tập trung vào các nội dung để thuyết phục.

- Về vấn đề GSP, cả ở tầm vĩ mô và vi mô các DN Việt Nam nên làm gì để được hưởng GSP khi XK hàng sang Mỹ?

Vấn đề lao động và quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là những vấn đề được quan tâm đặc biệt khi đề cập tới GSP. chính vì vậy tôi lưu ý các DN Việt Nam cần tránh tâm lý qua loa khi thực hiện hai vấn đề này. Điều quan trọng lúc này là các DN Việt Nam cần xúc tiến các nỗ lực nhằm đạt được kết quả trong những vấn đề còn tranh cãi, nhằm tạo lòng tin với phía Hoa Kỳ bởi GSP chính là cánh cửa để nhập khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ có thể đạt thêm những lợi ích mới. mà hiện đang rất lớn. Những người có nhiều lợi ích về SHTT ở Mỹ họ tin rằng một quốc gia muốn được hưởng GSP và ký kết hiệp định thương mại với Mỹ thì họ phải chứng tỏ được mình đã có nhiều tiến bộ về SHTT bao gồm cả pháp luật cũng như việc thực thi những luật pháp đó. Chắc chắn một điều là những DN của Mỹ có liên quan nhiều tới SHTT họ sẽ gây sức ép với chính quyền Mỹ để đảm bảo phía Việt Nam có những tiến bộ trong việc thực thi SHTT.

Tôi cho rằng Việt Nam đã có hệ thống luật pháp về SHTT rất tiên tiến, đã có những thành công nhờ việc Việt Nam đã là thành viên WTO, cũng như Hiệp định song phương với Hoa Kỳ. Chắc chắn một điều là chính quyền mới cũng như ngành thương mại Hoa Kỳ sẽ chú ý tới những hoạt động thành công về SHTT ở Việt Nam.

- Nhiều DN Việt Nam cho biết họ rất lo ngại về những chính sách mới về thương mại trong chính quyền mới có thể sẽ ảnh hưởng tới hoạt động XK của họ sang Hoa Kỳ. Ông có lời khuyên gì với họ trong giai đoạn này?

Tôi cho rằng không có lý do gì mà DN Việt Nam phải lo ngại trong bối cảnh hiện nay. như tôi đã nói sẽ không có quá nhiều thay đổi về chính sách thương mại giữa hai nước trong thời gian tới. Tôi cho rằng quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng trưởng... những DN nào thấy có nhiều lý do có thể sẽ ảnh hưởng trong việc XK sang Hoa Kỳ thì họ cần phải chủ động và có những bước nỗ lực từ chính bản thân mình để biện luận cho trường hợp của mình.

Ngoài ra, theo đạo luật cải thiện an toàn sản phẩm tiêu dùng năm 2008 của Mỹ (có hiệu lực từ 12/11/2008) thì bất kỳ sản phẩm nào khi vào thị trường Hoa Kỳ đều phải có giấy chứng nhận nêu lên sự hợp chuẩn đối với các yêu cầu của SPSC Hoa Kỳ (quy định, lệnh cấm, tiêu chuẩn, quy tắc). Vì vậy, DN Việt Nam trước khi XK sang Hoa Kỳ nên có những thử nghiệm ngẫu nhiên và thử nghiệm thường xuyên để phát hiện lỗi. Bên cạnh đó, DN cũng nên theo dõi phản ứng của khách hàng. Nếu phát hiện lỗi phải báo cáo ngay với CPSC để có biện pháp khắc phục, nếu không sẽ bị xử phạt rất nặng. Tuy nhiên, không phải mọi sản phẩm có lỗi đều bị thu hồi, điều quan trọng là phải biết rút kinh nghiệm và tìm biện pháp khắc phục. Chính phủ Hoa Kỳ có thể ra lệnh tiêu huỷ sản phẩm nếu nó vi phạm các yêu cầu của CPSC.

- Ông có nói rằng có thể dệt may Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục bị giám sát trong thời gian tới, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Thực ra, Trung Quốc mới là mối quan ngại chủ yếu của ngành sản xuất nội địa nước Mỹ với việc chấm dứt chế độ hạn ngạch của dệt may giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào ngày 1/1/2009. Các vụ kiện chống lại Trung Quốc có thể khiến Việt Nam bị liên đới. theo tôi các vụ kiện riêng đối với Việt Nam sẽ ít xảy ra. Tôi cho rằng rất có thể chương trình giám sát hàng dệt may Việt Nam sẽ bị gia hạn khi chính quyền Obama bắt đầu nhiệm kỳ mới.

- Ngoài dệt may, một số mặt hàng khác của Việt Nam XK sang Hoa Kỳ như gỗ, bao bì nhựa... cũng đang lo ngại về một chương trình giám sát từ phía Hoa Kỳ. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Có tin đồn về khả năng có vụ kiện chống bán phá giá với đồ gỗ và bao bì nhựa của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi không thể suy đoán rằng tất cả các nhà sản xuất Hoa Kỳ đều nhất trí với việc tiến hành vụ kiện, tình hình khủng hoảng tài chính hiện nay không nhất thiết là một động lực cho việc kiện này. Tôi cho rằng các DN Việt Nam nên minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh, và cần tiến hành các bước sẵn sàng đối phó.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://www.dddn.com.vn

Quảng cáo sản phẩm