Mỹ sẽ tiếp tục siết quy định về thuế nhập khẩu với thép, nhôm?

05/01/2018 12:00 - 1992 lượt xem

Chiến lược an ninh mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ dẫn tới nhiều hành động bảo hộ thương mại hơn nữa, bao gồm cả khả năng áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép và nhôm, một quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Trump cho hay.

Cuối tháng 12/2017, tài liệu về chiến lược an ninh mới của Tổng thống Trump được công bố, mà không đề cập cụ thể tới các cuộc điều tra theo Mục 232 (thuộc Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962) của Bộ Thương mại Mỹ về việc liệu tăng nhập khẩu thép và nhôm có đe dọa đến an ninh quốc gia hay không. Tuy nhiên, các đề xuất trong quá trình điều tra trên đều sẽ hết hiệu lực trong tháng 1 này, và rất có thể sau đó Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu hoặc đưa ra hạn ngạch nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng, vị quan chức này nói với Reuters.

Cũng theo vị quan chức này, tài liệu trên nêu rõ quan điểm của ông Trump rằng sức mạnh kinh tế là một phần không thể tách rời của an ninh quốc gia và ông sẽ hợp thức hóa mối quan hệ giữa hai yếu tố này. Theo đó, các cuộc điều tra theo Mục 232 đối với sản phẩm thép và nhôm đang được thảo luận dưới góc nhìn liên hệ với an ninh quốc gia, vị quan chức này bổ sung.
Ngoài ra, việc điều tra theo Mục 301 về hoạt động sở hữu trí tuệ của Trung Quốc cũng có thể dẫn tới nhiều hành động cưỡng chế thương mại, tương tự như việc chính phủ Mỹ vừa tự khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhôm tấm của Trung Quốc.

“Tôi nghĩ chính phủ Mỹ sẽ thực hiện các hành động cưỡng chế liên quan đến vấn đề phi thị trường của Trung Quốc. Chiến lược an ninh mới nhận thấy Trung Quốc là một đối thủ lớn của Mỹ và dưới góc nhìn về an ninh quốc gia, chúng tôi cần phải hành động để bảo vệ lợi ích của nước Mỹ và người lao động Mỹ,” vị quan chức này nói.

Những cuộc gặp gỡ gần đây giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm ấm lại mối quan hệ cá nhân giữa hai người. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn chưa thể bình thường hóa sau vòng đối thoại kinh tế hồi tháng 7/2017, khi cả hai bên đều không thể thống nhất giải pháp giúp giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, ông David Malpass, từng nói với Financial Times trong tháng 11 rằng Mỹ chưa có kế hoạch nối lại vòng đàm phán với chính phủ Trung Quốc.

Mới đây, Mỹ cùng với Liên minh châu Âu đã lên tiếng phản đối yêu cầu của Trung Quốc với Tổ chức Thương mại Thế giới để được công nhận là nền kinh tế thị trường.
Nguồn: vietnambiz.vn
Quảng cáo sản phẩm