Mỹ-Trung ngưng thương chiến, đừng hy vọng nhiều!

07/12/2018 12:00 - 1595 lượt xem

Thỏa thuận “ngưng chiến” trong cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đạt được trong bữa tiệc tối thứ Bảy 1-12 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Argentina đã thổi một luồng sinh khí mới vào các thị trường tài chính, đẩy các chỉ số chứng khoán toàn cầu tăng lên trong phiên giao dịch ngày thứ Hai 3-12.
             
Tuy nhiên, hầu như các nhà phân tích kinh tế đều cho rằng, cuộc “ngưng chiến” chỉ cho hai bên có thêm thời gian để tiếp tục thảo luận tìm biện pháp thu hẹp những khác biệt, còn những nguyên nhân gây xung đột, thì khó có khả năng giải quyết ổn thỏa. Về lâu dài, quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây xung đột và có thể tiếp tục bùng phát.

Ngay thông cáo chính thức của mỗi bên về nội dung cuộc họp giữa ông Trump và ông Tập đã có nhiều điểm không thống nhất.

Theo thông báo của phía Mỹ, ông Trump đồng ý hoãn việc tăng thuế lên khoảng 200 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc; thuế suất hiện hành 10% sẽ tăng lên 25% nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong vòng 90 ngày. Phía Trung Quốc không nói gì về thời hạn 90 ngày; Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen chỉ cho biết thuế suất sẽ không tăng đối với 200 tỉ hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 1-1-2019 trong khi Ngoại trưởng Vương Nghị nói sẽ không có chuyện tăng thuế nữa.

Phía Trung Quốc nói hai nhà lãnh đạo yêu cầu chính phủ hai nước đẩy nhanh đàm phán, tiến tới một thỏa thuận hai bên cùng có lợi (win-win), xóa bỏ mọi rào cản thuế quan và đạt sự đồng thuận đối với các vấn đề thương mại. Trong khi đó phía Mỹ không đề cập tới những nội dung này mà cho biết Trung Quốc và Mỹ sẽ đàm phán “ngay lập tức” về chính sách [của Trung Quốc] ép buộc chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các rào cản phi thuế quan và ăn cắp qua mạng Internet. Tại cuộc họp báo chiều thứ Hai 3-12, ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ còn nhấn mạnh, đó là những vấn đề có tầm quan trọng về cơ cấu, rất thiết yếu và phía Trung Quốc đã đồng ý xử lý chúng. Phía Trung Quốc không hề đề cập tới nội dung này.

Phía Mỹ cho biết, phía Trung Quốc đồng ý mua “một lượng rất lớn, nhưng chưa thỏa thuận cụ thể, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng” của Mỹ giúp làm giảm thâm hụt thương mại của nước này trong khi phía Trung Quốc chỉ nói sẽ nhập khẩu thêm hàng hóa từ Mỹ mà không xác nhận số lượng, giá trị hay thành phần hàng hóa như thông tin từ phía Mỹ.

Có những nội dung mà phía Trung Quốc nêu bật lên nhưng phía Mỹ không hề đề cập như chính sách một Trung Quốc, cam kết mở rộng quyền tiếp cận thị trường hoặc chào đón sinh viên Trung Quốc sang du học Mỹ; đổi lại phía Mỹ nói ông Tập sẽ xét lại thương vụ tập đoàn Qualcomm của Mỹ mua tập đoàn NXP của Hà Lan mà Trung Quốc không phê chuẩn, trong khi phía Trung Quốc không hề nhắc tới vấn đề này. Đối chiếu bản thông cáo chính thức của hai nước còn có thể thấy nhiều sự khác biệt như vậy.

Tuy vậy, Tổng thống Trump hôm thứ Hai vẫn ca ngợi thỏa thuận vừa đạt được, dù không có cam kết cụ thể nào, là một thành công khi Mỹ không phải nhượng bộ gì lớn mà có thể đem lại lợi ích cho nông dân và các nhà sản xuất xe hơi Mỹ. Trong một tin ngắn trên Twitter vào sáng thứ Hai, ông Trump viết: “Nông dân sẽ là người hưởng lợi Lớn và Nhanh từ thỏa thuận với Trung Quốc. Họ có ý định bắt đầu mua nông sản ngay lập tức. Chúng ta sản xuất những sản phẩm tốt nhất và sạch nhất thế giới và đó là cái người Trung Quốc muốn.” Trước đó, ông cũng tweet rằng Trung Quốc đồng ý giảm và bãi bỏ thuế nhập khẩu xe hơi của Mỹ; mức thuế hiện hành là 40% được Trung Quốc đưa lên từ mức 25% để trả đũa biện pháp tăng thuế lên hàng Trung Quốc của Mỹ.

Các cố vấn của ông Trump thì không quá lạc quan mà tỏ ra lo ngại chặng đường phía trước có thể kéo dài và khó khăn do những khác biệt quá lớn giữa hai nước và rủi ro chính trị cho cả hai nhà lãnh đạo.

Peter Navarro, cố vấn hàng đầu về chính sách thương mại của Trump, được coi là “diều hâu” nhất ở Nhà Trắng, cũng là người tham dự bữa tiệc tối giữa Trump và Tập, nói rằng chính phủ Trump phải gây áp lực mạnh để bảo đảm Trung Quốc tuân thủ các cam kết của mình. Ông Navarro cho biết ông Tập đã dành tới 20 phút để đáp lại và đưa ra cam kết liên quan tới 140 yêu cầu của ông Trump về thương mại.

“Những gì chúng ta nên tìm không phải là thảo luận thêm nữa mà là vào hạn cuối 90 ngày chúng ta phải thấy được những sự thay đổi thực sự và kiểm chứng được về cấu trúc, tạo ra những kết quả thực sự, ngay lập tức và kiểm chứng được”, ông Navarro nói.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lightizer, người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, đã được ông Trump chọn dẫn đầu đoàn đàm phán của phía Mỹ trong 90 ngày tới, cho thấy đây sẽ là thời gian có nhiều biến đổi lớn trong quan hệ Trung-Mỹ. 
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Quảng cáo sản phẩm