NCTO đang theo đuổi nhiều chiến lược khác nhau để đối phó với hàng dệt may Trung Quốc

10/09/2008 12:00 - 1274 lượt xem

Hội đồng quốc gia các tổ chức dệt may (NCTO) đang theo đuổi một chiến lược đa phương để chống lại sự thâm nhập các mặt hàng nhập khẩu giá rẻ khi hạn ngạch tự vệ đối với hàng dệt may của Trung Quốc bị dỡ bỏ vào ngày 1 tháng 1 năm 2009.

Phần một trong chiến lược này là huy động hỗ trợ cho chương trình giám sát mới của chính phủ đối với hàng dệt may của Trung Quốc mà NCTO hy vọng sẽ dẫn tới một cuộc điều tra chống bán phá giá do chính phủ khởi xướng nếu giá nhập khẩu của Trung Quốc thấp một cách không công bằng. Việc này sẽ tạo điều kiện cho việc tiếp tục chương trình giám sát đang áp dụng đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam mà sẽ hết hiệu lực vào ngày 19 tháng 1 nhưng NCTO lại muốn gia hạn thêm.

Một nguồn tin cho biết chương trình giám sát đối với Trung Quốc mà NCTO đang theo đuổi sẽ bao gồm các loại hàng hiện nay đang bị áp dụng hạn ngạch tự vệ như sợi cotton, vải sợi, tất ngắn, áo sơ mi dệt sợi cotton, đồ lót và quần cotton dành cho nam.

Theo nhiều nguồn tin thân cận với NCTO thì chương trình giám sát đối với Trung Quốc sẽ trở thành một “lời cảnh báo” tới các nhà nhập khẩu mà hiện chính phủ Hoa Kỳ đang “quan sát” và họ có nguy cơ  bị đánh thuế cao nếu định giá sản phẩm một cách không công bằng. Những nguồn tin này cho biết thêm thuế chống bán phá giá áp vào hàng hóa của Trung Quốc trung bình là 79% trong 5 năm qua.

Vào tháng 6, trong báo cáo kèm theo Bản phân bổ tài chính của năm 2009 cho Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và các cơ quan liên quan, Ủy ban phân bổ các nguồn tài chính của Hạ viện Hoa Kỳ đã thúc giục Bộ thương mại Hoa Kỳ bắt đầu tiến hành chương trình giám sát  đối vớiTrung Quốc và gia hạn chương trình giám sát đối với Việt Nam. Bản phân bổ tài chính này đã tránh không nhắc đến những vấn đề không liên quan.

Phần thứ hai trong chiến lược của NCTO, theo một nguồn tin từ NCTO, là đánh giá khả năng mà một số chính phủ có thể theo đuổi một vụ kiện trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới để chống lại việc trợ cấp cho hàng dệt may của Trung Quốc. Nguồn tin này cũng cho biết mục tiêu của NCTO là có được càng nhiều vụ kiện càng tốt.

NCTO tin rằng Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ thua trong một vụ kiện như thế này bởi vì việc trợ cấp của chính phủ Trung Quốc rõ ràng gây ra thiệt hại cho ngành dệt  may ở các nước khác trên thế giới. Nếu những doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng có thể chỉ ra rằng những trợ cấp dệt may này gây ra thiệt hại  đối với ngành sản xuất của họ thì Trung Quốc sẽ phải thay đổi các chính sách trợ cấp của mình hoặc sẽ phải đối mặt với các biện pháp trả đũa.  

Tuy nhiên, việc tiến hành một vụ kiện như vậy trong khuôn khổ WTO của các nước đang mất đi thị phần của họ ở Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu do trợ cấp của Trung Quốc đối với ngành dệt may là một kế hoạch dài hơi vì bất cứ chính phủ nào cũng đều phải tiêu tốn khá nhiều thời gian để tiến hành một vụ kiện như thế này và quyết quyết tâm theo đuổi nó.

NCTO hiện đang nghiên cứu một vụ kiện như vậy  do các chính phủ nước ngoài khác tiến hành cùng với Eurocoton, tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất hàng dệt may Châu Âu và là đối tác trực tiếp của NCTO.

Một vụ kiện như vậy không có nghĩa là thay thế cho những lựa chọn khác mà theo NCTO thì họ đang theo đuổi theo một hướng đi riêng biệt, đó là làm thế nào để các nhà sản xuất hàng dệt may của Hoa Kỳ đệ đơn kiện chống bán phá giá chống lại các nhà xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc hoặc đệ đơn kiện hành động tự vệ của Trung Quốc theo mục 421. Nếu chỉ một mình NCTO thôi thì không thể đứng ra đệ đơn kiện chống bán phá giá vì sản phẩm dệt may không được coi là những sản phẩm tương tự.

Vấn đề này sẽ được giải quyết nếu chính chính phủ Hoa Kỳ đứng ra đệ đơn kiện khi kết quả của chương trình giám sát đối với hàng dệt may của Trung Quốc cho thấy hàng nhập khẩu được bán với mức giá không công bằng. Một nguồn tin cho biết NCTO đang theo đuổi chương trình giám sát với hy vọng rằng Bộ thương mại Hoa Kỳ có thể sẽ tiến hành chương trình đó trong kỳ tới. Nhưng theo các nguồn tin khác thì dường như chương trình giám sát đối với Trung Quốc sẽ không được tiến hành trong năm nay vì không nhận được sự ủng hộ của chính quyền.

Vào khoảng giữa tháng 7, chủ tịch Ủy ban chiến  lược của Hạ viện Hoa Kỳ, ông Charles Rangel (D-NY), cho biết ông hy vọng sẽ phát triển một kế hoạch để đối phó với những tác động của việc chấm dứt hạn ngạch tự vệ đối với Trung Quốc lên ngành sản xuất dệt may của Hoa Kỳ và các nước khác.
 
Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ Hạ viện trong tuần này cho biết ông Rangel sẽ không tiết lộ “một cách tiếp cận cụ thể” nào trong vòng một vài tuần tới, và ngài Chủ tịch không giữ vai trò gì trong chương trình giám sát này.

Nhưng nguồn tin này cũng cho biết thêm rằng ông Rangel thấy việc dỡ bỏ hạn ngạch là một “vấn đề nghiêm trọng” mà sẽ gây tác động đến ngành công nghiệp Hoa Kỳ cũng như các nước hiện nay đang được miễn thuế khi xuất khẩu mặt hàng dệt may của họ vào thị trường Hoa Kỳ.

Về chương trình giám sát hàng dệt may, NCTO đang cố gắng để thu thập được 70 chữ ký cho bức thư của Hạ viện Hoa Kỳ gửi tổng thống Bush để giục tổng thống khởi động một chương trình giám sát  đối với Trung Quốc như một sự đối phó hiệu quả với việc Trung Quốc bán phá giá hàng hóa và tình trạng ngày càng mất nhiều việc làm ở Hoa Kỳ.

Một nguồn tin từ NCTO cho biết John Spratt (D-SC) và Howard Coble (R-NC) đã viết một bức thư gửi các đồng nghiệp vào ngày 14 tháng 7 để kêu gọi sự ủng hộ. Bức thư đó nói rằng “nguyên nhân lớn nhất” gây nên tình trạng mất công ăn việc làm ở các ngành sản xuất là do “chính sách thương mại tồi, các hành vi thương mại không công bằng và thiếu những chính sách thúc đẩy thương mại hiệu quả.”

NCTO cũng đang cố gắng thúc đẩy chương trình giám sát đối với Trung Quốc bằng việc thu thập các chữ ký của các Hiệp hội thương mại hàng dệt may ở các nước khác cho một bức thư gửi chủ tịch và và các thành viên cấp cao của Ủy ban chiến lược và tài chính của Thượng viện Hoa Kỳ.

Bức thư này kêu gọi các thượng nghị sĩ ủng hộ chương trình giám sát hàng xuất khẩu Trung Quốc của chính phủ như một cách để đảm bảo ngành dệt may của Hoa Kỳ không bị sụp đổ bởi hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Bức thư viết rằng : “Bằng việc hỗ trợ cho việc mở rộng chương trình này (chương trình giám sát hàng dệt may ) sang cả Trung Quốc, sẽ giúp đảm bảo rằng hàng hóa được bán phá giá của Trung Quốc sẽ không tràn vào thị trường Hoa Kỳ một cách phi pháp và đe dọa gây thất nghiệp hơn 1 triệu người dân của chúng ta”. Một bức thư tương tự sẽ được gửi tới Bộ trưởng Bộ thương mại -  ông Carlos Gutierrez và đại diện thương mại của Hoa Kỳ - bà Susan Schwab.  

Vào ngày 15 tháng 8, 13 Hiệp hội thương mại của các nước khác đã đồng ý ký vào bức thư gửi đến chủ tịch Ủy ban tài chính Max Baucus (D-MT) và thành viên cấp cao trong Thượng viện - ông Charles Grassley (R-IA) cũng như ông Rangel và thành viên cấp cao trong Ủy ban chiến lược của Hạ viện – ông Jim McCrery (R-LA).

Đó là các Hiệp hội của Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, El Salvador, Ethiopia, Kenya, Lesotho, Madagascar, Mexico, Nicaragua, Peru, Philippines và Nam Phi. Các nguồn tin cho biết NCTO đang hy vọng có thêm nhiều Hiệp hội khác ký tên vào bức thư trước khi nó hết hạn để gửi vào cuối tháng 8.

Tuần này NCTO có kế hoạch tổ chức một cuộc họp với các đại sứ quán của các chính phủ nước ngoài về tác động của việc dỡ bỏ hạn ngạch tự vệ đối với Trung Quốc vào ngày 1 tháng 1. Theo thông báo ngày 21 tháng 8 mà NCTO gửi các đại sứ quán nước ngoài thì hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ tăng mạnh sau khi hạn ngạch này được dỡ bỏ và làm ảnh hưởng đến “hàng tỉ đôla kim ngạch xuất khẩu” từ các nước khác vào Hoa Kỳ.

Bản ghi nhớ chỉ ra rằng 7,2 tỉ đôla kim ngạch xuất khẩu của Trung Hoa Kỳ hiện đang bị đe dọa, theo sau đó là Mehico với 4,1 tỉ đôla, Trung Đông với 1,9 tỉ đôla,  các quốc gia châu Phi hạ Sahara với 1,2 tỉ đôla và vùng Andean với 1 tỉ đôla.

NCTO thừa nhận là không dễ để tiếp tục duy trì chương trình giám sát đối với Việt Nam và mở rộng chương trình này ra cả Trung Quốc do có sự phản đối từ phía các nhà nhập khẩu. Kết quả là NCTO đã cố gắng để tạo ra càng nhiều áp lực càng tốt đối với chính quyền Bush và Quốc hội để đảm bảo rằng chính phủ sẽ gia hạn chương trình giám sát đối với Việt Nam và mở rộng với cả Trung Quốc.

Các nhà nhập khẩu đã phản bác lại lập luận của NCTO cho rằng hàng hóa nhập khẩu từTrung Quốc có thể tăng đến 600% khi hạn ngạch tự vệ được dỡ bỏ và kèm theo đó là giá hàng hóa giảm mạnh giống như đã từng xảy ra khi hạn ngạch Hiệp định đa ngành kết thúc vào ngày 1 tháng 1 năm 2005. Theo các nhà nhập khẩu thì lượng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc sẽ không có khả năng tăng mạnh đến như vậy bởi vì các nhà sản xuất Trung Quốc đang phải đối mặt với việc gia tăng chi phí tiền lương và vận chuyển, và điều này làm cho hàng hóa của họ có tính cạnh tranh kém hơn.

NCTO bác bỏ lập luận trên và chỉ ra tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc là 15% trong suốt 4 tháng đầu năm nay và tăng gần 10 tỉ đôla. Rất nhiều trong số những sản phẩm xuất khẩu này hiện nay đang thâm nhập vào thị trường Châu Âu, nơi mà hạn ngạch đã được dỡ bỏ từ đầu năm, tuy nhiên Trung Quốc sẽ lại tập trung chú ý tới thị trường Hoa Kỳ sau khi hạn ngạch được dỡ bỏ vào ngày 1 tháng 1 năm 2009.
Quảng cáo sản phẩm