Nếu EVFTA chậm trễ, xuất khẩu cần nhìn dài hạn

19/05/2017 12:00 - 1021 lượt xem

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) khi nào có hiệu lực thật khó trả lời sau phán quyết mới nhất của Tòa án châu Âu. Trường hợp có sự chậm trễ sẽ khiến kỳ vọng tăng kim ngạch xuất khẩu theo dự kiến của Việt Nam vào EU trong năm 2018 trở nên khó hơn. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn nếu muốn thâm nhập sâu vào thị trường khắt khe này.

Hôm 16/5, theo phán quyết của Tòa án châu Âu, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, sẽ chỉ được phê chuẩn và đi vào hiệu lực khi có sự đồng ý của Quốc hội mỗi nước thuộc Liên minh này.
Điều này đồng nghĩa quyền tự do đàm phán các FTA của Ủy ban Liên minh châu Âu sẽ bị thu hẹp lại và chỉ Chính phủ các nước thuộc khối Liên minh mới là đơn vị đưa ra quyết định cuối cùng.

Bao giờ có hiệu lực?
Nhận định về diễn biến mới này, nhất là tác động tới Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) cho biết, việc phê chuẩn EVFTA phải được Quốc hội các nước thuộc Liên minh châu Âu thông qua. Do vậy, khó xác định chính xác thời gian kết thúc quy trình phê duyệt và khi nào Hiệp định thương mại này có hiệu lực hiện vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Diễn biến này khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang trông ngóng EVFTA có hiệu lực vào năm 2018 không khỏi bất ngờ và hụt hẫng. Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP, rõ ràng hy vọng của Việt Nam về sự trỗi dậy vượt bậc nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đến thời điểm này phụ thuộc lớn vào Hiệp định khả thi nhất – EVFTA.

Năm 2016, EU là một trong những thị trường nước ngoài quan trọng nhất của Việt Nam (xếp thứ hai sau Mỹ) khi chiếm đến 19,24% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Thương mại hai chiều tăng 9,5% chủ yếu do tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng của hàng xuất khẩu Việt Nam sang EU. EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ. Đặc biệt, khoản thặng dư thương mại liên tục gần 22,9 tỷ USD mà Việt Nam có được trong giao thương với EU dẫn tới kết quả thặng dư thương mại khoảng 2,5 tỷ USD.

Riêng bốn tháng đầu năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đạt 11,3 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2016 và hiện đứng thứ hai sau Mỹ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khả năng mở rộng và đổi mới mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này chưa cao, hiệu quả xuất khẩu còn thấp.

Tại thị trường EU, xuất khẩu của Việt Nam tập trung chính vào thị trường Đức, Anh, Pháp, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha và chủ yếu là xuất thô các mặt hàng nông lâm thủy sản. Trong khi đó, nhiều DN xuất khẩu kỳ vọng EVFTA (dự kiến ban đầu có hiệu lực vào năm 2018) sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tăng 50% vào năm 2020.

Cần chiến lược dài hạn
Trong khi chờ đợi EVFTA được quốc hội các nước EU thông qua, với vấn đề xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, bà Miriam Garcia-Ferrer, Tham tán thứ nhất của Phái đoàn EU tại Việt Nam, đặc biệt lưu ý đến việc tuân thủ những tiêu chuẩn từ EU.

Theo bà Miriam, thực tế việc nhập khẩu nông lâm thủy sản của EU từ Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 1,8% và đa phần là sản phẩm thô, có giá trị thấp. Trong đó, xuất khẩu nhiều là cà phê, chè, thủy hải sản, trái cây, riêng các sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm sữa, rau, thịt vẫn chiếm tỷ trọng ít.

Vị nữ tham tán này khuyến nghị các DN nông sản, thực phẩm của Việt Nam rằng thời gian tới, để xuất khẩu tốt sang thị trường EU, cần xác định thuế suất ưu đãi và các quy tắc xuất xứ nếu như EVFTA có hiệu lực.

Theo khuyến nghị của vị nữ tham tán này, vấn đề là thương hiệu của các sản phẩm Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao, thực tế do Việt Nam chưa phải là quốc gia có nguồn hàng hóa chất lượng cao. Thông qua EVFTA, EU có thể hỗ trợ Việt Nam cải thiện vấn đề này.

Còn theo nhận định gần đây của Ts. Trần Toàn Thắng, Phó ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu chỉ nhìn vào thuế quan, chẳng hạn với EVFTA, trong số một loạt hàng hóa thiết yếu của Việt Nam xuất khẩu sang EU, khi thay đổi thuế sẽ có thay đổi về giá, nhưng như thế không có nghĩa là khách hàng EU sẽ mua nhiều hơn.
Theo Ts. Thắng, chỉ nhìn vào việc thay đổi dòng thuế sẽ thấy rất nhiều, nhưng nếu nhìn từ nguồn cầu, tổng lượng xuất khẩu có thay đổi được hay không lại là một câu chuyện khác khi nhìn vào cấu trúc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU hiện nay.
Giới chuyên gia cho rằng những diễn biến mới về thời gian thực thi EVFTA cũng là cơ hội cho các DN Việt có thêm thời gian để có sự chuẩn bị dài hơi, bài bản hơn và học cái nhìn dài hạn hơn vào thị trường EU.

Trên thực tế, EU là thị trường có mức thu nhập cao song có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ. Có thể nói đây là một thị trường khó tính nên các DN Việt muốn vào thị trường này phải vượt qua các hàng rào kỹ thuật. Mà điều này rất khó khăn cho các DN xuất khẩu của Việt Nam.

Vì vậy, để thâm nhập vào thị trường EU, chiến lược dài hạn của các DN Việt Nam là cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, đáp ứng những tiêu chuẩn đặt ra, cũng như dài hạn trong tầm nhìn về xây dựng và phát triển thương hiệu Việt mới có thể tạo nên sức cạnh tranh cho hàng Việt tại EU dù EVFTA có chậm trễ đến mấy.

Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn
Quảng cáo sản phẩm