Ngăn chặn gian lận xuất xứ để “cứu” hàng Việt

29/07/2019 12:00 - 328 lượt xem

 Như Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, thời gian qua, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa đang ngày càng gia tăng và để lại nhiều hệ lụy.

Mức độ nguy hại đến mức báo động vì nó không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín quốc gia trên trường quốc tế. 

Theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng, thực ra, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa đã xảy ra từ mấy năm trước, tuy nhiên mức độ và tần xuất không nhiều như thời gian gần đây.

Muôn hình gian lận xuất xứ

Nguyên nhân là do cuộc chiến thương mại của các nước lớn đang diễn ra gay gắt trong khi Việt Nam lại được hưởng nhiều ưu đãi từ việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhiều doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ Việt Nam để trốn tránh các đòn trừng phạt, và hưởng ưu đãi thuế từ các Hiệp định FTA.

Việc gian lận xuất xứ diễn ra đối với hàng hóa nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định...

Bên cạnh đó, các đối tượng thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.

Đáng lo ngại, nhiều vụ hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba.

Ngoài ra, có trường hợp sử dụng C/O giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan.

Về vi phạm liên quan đến ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.

Tổng hòa giải pháp

Để ngăn chặn tình trạng gian lận trên, ngành Hải quan tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ như đối chiếu hồ sơ chặt chẽ để kịp thời phát hiện những lô hàng có dấu hiệu vi phạm, những mặt hàng có kim ngạch XNK tăng trưởng đột biến; tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp có nguy cơ cao về gian lận C/O, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có hợp tác với người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực gia công...

Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng phối hợp với cơ quan Hải quan các nước để xác định những doanh nghiệp, cơ sở từ bên ngoài có móc nối với doanh nghiệp trong nước thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh để lợi dụng C/O của Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đi các nước…, tập trung điều tra, phát hiện “doanh nghiệp ma”, doanh nghiệp bình phong của các đối tượng nước ngoài để thực hiện hành vi đưa hàng thành phẩm từ nước ngoài về Việt Nam sau đó gắn nhãn mác, C/O Việt Nam để xuất đi nước thứ ba.

Để có thể ngăn chặn hiệu quả vấn đề gian lận C/O, theo ngành Hải quan cần có sự vào cuộc đồng bộ của cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý có liên quan. Các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Khoa hoạc và Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... cần sớm hoàn thiện các quy định và quy trình cấp C/O. Quá trình, trước, trong và sau khi cấp C/O cần có sự kiểm tra, đánh giá việc chấp hành của doanh nghiệp và cả cơ quan có chức năng cấp C/O. 

Nguồn: Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Quảng cáo sản phẩm