Ngành da giày chuẩn bị đối phó với kiện phá giá

06/12/2006 12:00 - 1653 lượt xem

(VietNamNet) - Sau khi Uỷ ban Châu Âu (EC) chính thức thông báo quyết định mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm giày, mũ da của Việt Nam và Trung Quốc theo đơn kiện của Liên minh ngành sản xuất giày da Châu Âu, ngành giày da Việt Nam đã chuẩn bị biện pháp đối phó.

Biên độ phá giá lên đến 130%

Soạn: AM 475549 gửi đến 996 để nhận ảnh này
60 doanh nghiệp bị liệt kê kiện bán phá giá.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh, cho biết, số liệu mà phía EC có được cho thấy kim ngạch nhập khẩu giày da từ Việt Nam vào thị trường EU là 1,163 tỷ Euro trong năm 2004, trong quí I/2005 là 283,5 triệu Euro. Thị phần của Việt Nam tại thị trường 13 tỷ Euro của EU chiếm 11% trong năm 2002 đã tăng lên 15% trong đầu năm 2005, tương ứng với khoảng 78,1 triệu đôi trong của năm 2002, 34,9 triệu đôi trong quý I/2005 và dự kiến khoảng 139,6 triệu đôi trong năm 2005.

Theo đơn kiện của Liên minh sản xuất giày da châu Âu, EC đã quyết định mở cuộc điều tra đối với 33 mã sản phẩm của giày da Việt nam và Trung Quốc. Biên độ phá giá ước tính đối với Việt Nam vào khoảng 130% trong khi Trung Quốc lên đến 400%. Trong đơn kiện đã liệt kê 60 doanh nghiệp Việt Nam là bị đơn.

Hiện nay, do Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường nên EC đã quyết định chọn Brazil là nước có nền kinh tế thị trường để lập cơ sở tính toán. Tuy nhiên, bà Loan cho biết, Việt Nam có thể có ý kiến về việc lựa chọn nước thay thế có phù hợp hay không trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thông báo. Bên cạnh đó, do Việt Nam chưa được công nhận là nên kinh tế thị trường nên trong khi điều tra, EC sẽ xem xét đối với từng doanh ngiệp cụ thể và mỗi doanh nghiệp có thể có thể yêu cầu EC công nhận doanh nghiệp mình hoạt động theo cơ chế thị trường và phải nộp yêu cầu cho EC trong vòng 15 ngày kể từ ngày khởi kiện.

Hợp tác chủ động đối phó với vụ kiện

Soạn: AM 475551 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Kê khai đầy đủ, hợp tác chặt chẽ là cách tốt nhất để theo đuổi vụ kiện.

Lường trước khả năng xảy ra vụ kiện, trong những ngày vừa qua, Cục quản lý cạnh tranh đã phối hợp cùng Hiệp hội da giày khuyến nghị các doanh nghiệp chuẩn bị các tư liệu cần thiết để chủ động đối phó với vụ kiện. Bà Loan cho biết, Hiệp hội Da giày sẽ giữ vai trò điều phối chính để cùng các doanh nghiệp thành viên tham gia vụ kiện; đối với những doanh nghiệp chưa phải là thành viên cũng sẽ được hiệp hội giúp đỡ tham gia vụ kiện.

Theo dự kiến, bắt đầu từ tháng 9, EC sẽ tiến hành điều tra tại chỗ sau khi nhận được đầy đủ các thông tin kê khai của doanh nghiệp. Vụ kiện sẽ được điều tra trong vòng 15 tháng kể từ ngày thông báo và các biện pháp áp dụng tạm thời có thể sẽ được áp dụng không quá 9 tháng kể từ ngày thông báo. Trong thời hạn 6 tháng kể từ khi có kết luận và biện pháp tạm thời, các doanh nghiệp được quyền khiếu nại trước khi hội đồng ra quyết định cuối cùng.

Theo bà Loan, để theo đuổi vụ kiện, ngay từ bây giờ hiệp hội và các doanh nghiệp cần đề nghị EC xem xét lựa chọn mẫu các doanh nghiệp thuộc diện điều tra. Doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với EC để cung cấp những thông tin cần thiết về doanh nghiệp như: địa chỉ, doanh số, các hoạt động doanh ngiệp trong việc sản xuất các sản phẩm có liên quan... Bà Loan nhấn mạnh, việc cung cấp thông tin này là rất cần thiết vì nó cho thấy doanh nghiệp đồng ý về việc có thể được lựa chọn điều tra mẫu. Nếu không đồng ý, điều này cũng có thể coi là doanh nghiệp không hợp tác với quá trình điều tra. Và khi đó EC sẽ dựa vào các thông tin có sẵn do nguyên đơn cung cấp để điều tra; điều này rất bất lợi cho các doanh nghiệp.

Sau khi chọn điều tra mẫu, doanh nghiệp sẽ nhận được bản câu hỏi thu thập thông tin cho quá trình điều tra. Theo kinh nghiệm các từ 10 vụ bán phá giá từ Châu Âu và 22 vụ bán phá giá từ tất cả các thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh đã khuyên các doanh nghiệp cần chuẩn bị các thông tin một cách kỹ càng và đáp ứng về mặt thời gian của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần hết sức chú ý đến hệ thống sổ sách kế toán. Các sổ sách phải phù hợp với các chuẩn mực của Việt Nam và thế giới để thuận lợi cho điều tra.

Trả lời cầu hỏi về khả năng EC áp mức thuế chống bán phá giá và mức thuế cụ thể là bao nhiêu đối với sản phẩm da giày Việt Nam khi kết thúc điều tra, bà Loan cho biết, ngay từ bây giờ thì chưa thể biết được Việt Nam có bị áp thuế chống bán phá giá hay không và mức thuế cụ thể là bao nhiêu. Nhưng có một điều chắc chắn là nếu bị áp thuế chống bán phá giá thì giày da Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường EU, sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và gặp nhiều bất lợi trước các đối thủ là các nước xuất khẩu cùng khu vực.

  • Nguyên Phong
Quảng cáo sản phẩm