Ngành gỗ với cơ hội mới

23/02/2018 12:00 - 1000 lượt xem

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, đứng thứ hai châu Á.

Mặc dù năm 2017, ngành chế biến gỗ còn một số khó khăn do cạnh tranh thị trường cao, rào cản kỹ thuật từ những thị trường nhập khẩu lớn còn nhiều. Song DN xuất khẩu thuộc ngành gỗ đều khá thành công khi toàn ngành đạt 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng trên 12% so với năm 2016. Thị trường tiêu thụ nội địa cũng ổn định ở mức 1,47 tỷ USD/năm.

Các DN ngành gỗ đang đặt trọng tâm phát triển mạnh thị trường nội địa song song xuất khẩu để hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD tiêu thụ nội địa và 10 tỷ USD xuất khẩu gỗ vào năm 2020.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, lợi thế trước mắt của DN ngành gỗ từ năm 2018 là áp lực cạnh tranh toàn cầu không tăng, tiềm năng DN còn nhiều, nên khả năng tăng thị phần là lớn. Bên cạnh lực lượng lao động phù hợp, năng lực cạnh tranh toàn ngành tốt. Những đối thủ cạnh tranh thị trường xuất khẩu với Việt Nam như Trung Quốc đang bị kiện chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ, khiến đồ nội thất nước này đang giảm sức cạnh tranh.

Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất trên thế giới tăng trưởng, trong khi đồ nội thất là thế mạnh của DN Việt Nam. Bên cạnh đó, những thuận lợi về Luật Lâm nghiệp, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mới ký (với châu Âu), sẽ mang đến cơ hội mới cho DN ngành gỗ. Tuy vậy, DN phải chủ động, nhanh chóng nắm bắt tình hình thị trường xuất khẩu. Bởi các nước Indonesia, Malaysia là những đối thủ mạnh, có thể vượt Việt Nam để giành lấy thị trường.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay ngành gỗ Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mặc dù DN trong ngành phần lớn là DNNVV, trong đó có cả hộ sản xuất gia đình, nhưng DN hiện đã đầu tư nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh theo Đề án phát triển kinh tế hợp tác và liên kết chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp.

Cả nước hiện đã có bốn mô hình hợp tác liên kết giữa công ty chế biến, sản xuất sản phẩm gỗ với người trồng rừng gỗ lớn, có chứng nhận quản lý rừng bền vững. Về thị trường, DN cũng chú trọng phát triển thị trường truyền thống và mở rộng thị trường xuất khẩu, tranh thủ nắm bắt thời cơ (như việc Trung Quốc đang hạn chế phát triển các ngành thâm dụng lao động, trong đó có ngành chế biến gỗ). Trong khi ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn phát triển, nhưng ít thâm dụng lao động do sử dụng công nghệ mới trong sản xuất.

Thậm chí, nhiều DN thấy có công nghệ chế biến gỗ mới là nhập đưa vào sản xuất ngay. Vì thế, từ cuối năm 2017 đến nay các đơn hàng ở thị trường Trung Quốc đang chuyển sang DN Việt Nam (cụ thể là DN tại tỉnh Bình Dương) khá nhiều. Đây là điều kiện khách quan đem đến thuận lợi cho DN Việt Nam, để DN ngày càng hoàn thiện năng lực sản xuất, tạo ra tốc độ phát triển tốt.

Ở những thị trường khác, như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản vẫn xác định là thị trường trọng tâm của ngành gỗ từ năm 2018, bởi doanh số xuất khẩu vào các thị trường này luôn tăng trưởng tốt nhất.
Để xuất khẩu bền vững, Hiệp hội và cộng đồng DN Việt Nam đã cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp, bằng việc xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ trong DN và toàn chuỗi cung ứng. Đưa ngành chế biến gỗ Việt Nam trở thành ngành sản xuất bền vững bằng nguyên liệu gỗ hợp pháp.

Bên cạnh xuất khẩu, thị trường nội địa hiện cũng được DN ngành gỗ tập trung phát triển đều ở mọi phân khúc tiêu thụ. Bởi thị trường nội địa cũng đang tăng tiêu thụ sản phẩm gỗ theo sự phát triển ổn định trở lại của thị trường bất động sản.

Theo đó, các dự án bất động sản (nhà ở xã hội, căn hộ cho thuê, từ bình dân đến cao cấp) có nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội ngoại thất tăng dần theo tốc độ xây dựng và tại rất nhiều phân khúc giá cả, tạo nên một thị trường đa dạng và lâu dài.
Nguồn: thoibaonganhang.vn
Quảng cáo sản phẩm