Ngành sản xuất SPTT nội địa nước nhập khẩu bao gồm những chủ thể nào?

28/07/2009 12:00 - 4378 lượt xem

ADP định nghĩa “ngành sản xuất nội địa” là “tập hợp/tổng thể các nhà sản xuất trong nước của nước nhập khẩu sản xuất SPTT (với sản phẩm bị điều tra) hoặc những nhà sản xuất có tổng sản phẩm chiếm phần đáng kể trong tổng sản lượng sản xuất trong nước những sản phẩm đó”.

Tuy nhiên, ADP có dự liệu một số ngoại lệ:

Ngoại lệ 1: Trường hợp bị loại trừ khỏi khái niệm “ngành sản xuất SPTT nội địa”

Thực tế có những nhà sản xuất nội địa có thể được lợi từ việc bán phá giá của sản phẩm nhập khẩu hoặc bản thân họ có liên quan đến việc này, bao gồm các trường hợp sau:

- nhà sản xuất nội địa đồng thời là nhà nhập khẩu những sản phẩm đang bị điều tra chống bán phá giá;

- nhà sản xuất có quan hệ với nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu sản phẩm đang bị điều tra chống bán phá giá ADP qui định những trường hợp như thế này bị loại trừ khỏi danh sách các nhà sản xuất nội địa được xem xét trong vụ việc có liên quan.

Ngoại lệ 2: Trường hợp thu hẹp khái niệm “ngành sản xuất trong nước”

Trong một số trường hợp, lãnh thổ nước nhập khẩu có thể được chia thành hai hoặc nhiều thị trường cạnh tranh riêng biệt và tập hợp các nhà sản xuất tại một trong những thị trường đó có thể được coi là ngành sản xuất nội địa độc lập (hoặc ngành sản xuất nội địa vùng - regional industry) nếu:

(i) các nhà sản xuất tại thị trường đó bán toàn bộ hoặc gần như toàn bộ sản phẩm của họ tại thị trường đó; và

(ii) nhu cầu của thị trường này đối với sản phẩm liên quan không được cung ứng ở mức độ đáng kể bởi các nhà sản xuất SPTT ngoài vùng lãnh thổ đó.

Khi xảy ra trường hợp như thế này, có thể coi là có thiệt hại ngay cả khi phần lớn ngành sản xuất trong lãnh thổ nước nhập khẩu không bị tổn hại gì (do nằm ở các vùng khác) nếu:

- có sự tập trung lượng hàng nhập khẩu bán phá giá vào thị trường (vùng) đó; và

- hàng nhập khẩu được bán phá giá gây tổn hại (thiệt hại) đối với các nhà sản xuất sản xuất ra toàn bộ hoặc gần như toàn bộ lượng sản phẩm tại thị trường đó.

Ngoại lệ 3: Trường hợp mở rộng khái niệm “ngành sản xuất nội địa

Các trường hợp này xảy ra khi thị trường hai hoặc nhiều quốc gia đã đạt đến một mức độ hội nhập cao, có những đặc tính của một thị trường thống nhất (ví dụ: trường hợp của Liên minh châu Âu). Khi đó, ngành sản xuất trong toàn bộ khu vực kinh tế đã hội nhập được hiểu chung là “ngành sản xuất nội địa”: điều này có nghĩa là thiệt hại được xem xét là thiệt hại đối các ngành sản xuất của tất cả các quốc gia trong khu vực kinh tế hội nhập đó chứ không riêng ngành sản xuất của quốc gia nào.

Quảng cáo sản phẩm