Nghiên cứu: Tính hợp pháp của Sản phẩm Gỗ trong mua sắm công tại VN - Thực trạng pháp luật, thực tiễn và thách thức trong thực thi VPA-FLEGT

10/07/2019 12:00 - 721 lượt xem

Thời gian: 2019

Đơn vị thực hiện: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (viết tắt là VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ký ngày 19/10/2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/06/2019.

Bằng việc tham gia Hiệp định này, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện một quyết tâm lớn trong thực hiện quản lý bền vững rừng cũng như phát triển bền vững ngành chế biến gỗ. Mặc dù Hiệp định được ký kết chỉ với đối tác EU, Việt Nam đã đưa ra một cam kết mạnh, theo đó tất cả các sản phẩm gỗ, bao gồm cả sản phẩm xuất khẩu và các sản phẩm tiêu thụ trên thị trường nội địa đều phải là sản phẩm hợp pháp. Để làm được điều này, Việt Nam cam kết sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào, bao gồm cả gỗ khai thác trong nước và gỗ nhập khẩu, là gỗ hợp pháp. Một đặc điểm khác biệt trong thực thi Hiệp định VPA/FLEGT so với bất kỳ Hiệp định nào đã ký trước đây là Chính phủ Việt Nam tham gia thực thi đồng thời ở cả hai vai trò. Thứ nhất, với vai trò của nhà quản lý, Chính phủ Việt Nam có nghĩa vụ xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (gọi tắt là VNTLAS) nhằm kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung liên quan đến gỗ. Thứ hai, với vai trò người sử dụng gỗ và các sản phẩm gỗ, Chính phủ Việt Nam suy đoán có trách nhiệm bảo đảm rằng gỗ và các sản phẩm gỗ được mua sắm bằng vốn Nhà nước là gỗ hợp pháp.

Nghiên cứu này tập trung vào vai trò thứ hai của Chính phủ trong VPA/FLEGT – vai trò “người tiêu dùng gỗ và sản phẩm gỗ có trách nhiệm”– một vai trò rất mới trong thực hiện các cam kết quốc tế. Trên thực tế, mặc dù đến nay chưa có thống kê nào chính xác về quy mô của mua sắm công gỗ và các sản phẩm gỗ, có thể khẳng định quy mô của thị trường này là rất đáng kể. Theo Báo cáo về mua sắm công bền vững của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam chi trung bình 20 - 30% ngân sách hàng năm vào mua sắm công. Con số này có thể tăng lên tới 50% nếu bao gồm chi tiêu cho thi công. Với thị phần như vậy, nếu “khách hàng Nhà nước” thực hiện nghiêm khắc yêu cầu gỗ hợp pháp, đây sẽ là sức ép lớn để các doanh nghiệp nhà thầu thực hiện gỗ hợp pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, từ đó thúc đẩy việc thực hiện gỗ hợp pháp trong ngành sản xuất chế biến đồ gỗ nói chung.

Nghiên cứu "Tính hợp pháp của Sản phẩm Gỗ trong mua sắm công tại Việt Nam - Thực trạng pháp luật, thực tiễn và thách thức trong thực thi VPA-FLEGT" được thực hiện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với sự phối hợp của các Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức FOREST TRENDS. Nghiên cứu nhằm đưa ra bức tranh và những thông tin sơ bộ đầu tiên về các khía cạnh pháp luật và thực trạng mua sắm công đối với gỗ và các sản phẩm gỗ ở Việt Nam.

Do quy mô hạn chế, Nghiên cứu này không kỳ vọng nêu đầy đủ thực trạng về pháp luật cũng như thực tiễn về gỗ hợp pháp trong các hợp đồng mua sắm công liên quan tới mặt hàng gỗ ở Việt Nam. Nghiên cứu đặt mục tiêu cung cấp những thông tin cơ bản đầu tiên về các vấn đề này, từ đó nhận diện một số bất cập và tồn tại nổi cộm nhất trong thực tiễn liên quan và các gợi ý chính sách từ đây. Hy vọng đây sẽ là cơ sở có ý nghĩa cho các nghiên cứu đầy đủ và quy mô hơn tiếp theo về gỗ hợp pháp trong mua sắm công ở Việt Nam, qua đó làm nền tảng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam trong xây dựng và thực hiện hệ thống đấu thầu công nhằm bảo đảm tính hợp pháp đối với gỗ và sản phẩm gỗ là đối tượng mua sắm trong hệ thống này.

Nhóm Nghiên cứu trân trọng cảm ơn Cơ quan Hợp tác Phát triển của Vương Quốc Anh (DFID) và Cơ quan Hợp tác Phát triển của Chính phủ Na Uy, đã tham gia hỗ trợ nguồn lực cho Nghiên cứu này.

Báo cáo Nghiên cứu được đính kèm dưới đây:
Tải tài liệu
BAO CAO GO final
Quảng cáo sản phẩm