Nghiên cứu tổng thể: Kinh nghiệm của doanh nghiệp và quá trình điều tra chống bán phá giá

18/05/2010 12:00 - 1838 lượt xem

Tác giả: Bruce Blonigen, Giáo sư Khoa học Xã hội tại Khoa Kinh tế thuộc Đại học Oregon, Chuyên gia nghiên cứu của NBER, Cộng tác viên của GEP.

Tóm lược: Nghiên cứu này lần đầu tiên xem xét một cách hệ thống việc các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã có kinh nghiệm đệ đơn chống bán phá giá ảnh hưởng như thế nào tới việc đệ đơn và kết quả của vụ kiện trong tương lai. Những kinh nghiệm này có thể tác động tới cả chi phí kiện, cũng như khả năng thành công và độ lớn của biên độ phá giá. Các phân tích thống kê về các vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ chỉ ra rằng kinh nghiệm chống bán phá giá làm tăng hoạt động đệ đơn và khả năng có được phán quyết chắc chắn hay thoả thuận đình chỉ nhưng làm giảm đáng kể biên độ phá giá. Kết quả gần đây cho thấy rằng kinh nghiệm không ảnh hưởng tới biên độ phá giá nhiều như tới việc giảm chi phí kiện dẫn đến xuất hiện ngày càng nhiều các vụ kiện thiếu lý lẽ.

1. Giới thiệu

Điều tra chống bán phá giá (AD) bắt đầu khi có đơn kiện của một bên trong nước có liên quan. Đây là một nhà sản xuất điển hình (hoặc một nhóm nhà sản xuất) mà sản phẩm của họ đang cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu là đối tượng của cuộc điều tra. Sau đó cơ quan có thẩm quyền điều tra sẽ xác định thực sự có bán phá giá hay không, bán phá giá được định nghĩa là việc doanh nghiệp nước ngoài bán sản phẩm với giá thấp hơn giá công bằng hay giá thông thường, và liệu những hành động thương mại như vậy có gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa trong vụ kiện hay không. Nếu những tiêu chuẩn này thoả mãn, một mức thuế chống bán phá giá tương đương với biên độ phá giá đã tính toán sẽ được áp dụng với các sản phẩm nhập khẩu. Ở Hoa Kỳ, việc tính toán biên độ phá giá do Cục Thương mại Quốc tế của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USDOC) tiến hành, và Uỷ ban Thương mại Quốc tế (USITC) sẽ xác định tổn thất.

Có sự tác động qua lại rất lớn giữa những người đệ đơn kiện và cơ quan có thẩm quyền điều tra chống bán phá giá ở Hoa Kỳ. Bên đệ đơn phải trình cho cơ quan có thẩm quyền một đơn kiện phù hợp về trường hợp mà họ muốn điều tra và sau đó cung cấp đầy đủ thông tin cũng như các phân tích và lý lẽ pháp lý trong suốt quá trình điều tra. Các thông tin chi tiết về luật pháp cũng như cách thức mà các cơ quan của chính phủ áp dụng luật trong các trường hợp thực tế là rất quan trọng. Sự phức tạp của việc kiện tụng và quá trình đưa ra biện pháp chống bán phá giá cho thấy rằng việc các bên đệ đơn có kinh nghiệm hay có ý thức học hỏi đóng một vai trò quan trọng trong quá trình kiện và kết quả của vụ kiện chống bán phá giá. Đặc biệt, người ta cho rằng các kinh nghiệm sẵn có làm giảm chi phí kiện về sau và đồng thời cũng làm tăng ảnh hưởng của những người đệ đơn khi họ tranh cãi về vụ kiện và có nhiều khả năng thu được kết quả có lợi hơn. Việc nhận thức về những tác động như vậy rõ ràng thúc đẩy việc đệ đơn nhưng tác động của nó đến kết quả vụ kiện còn rất mơ hồ như chúng ta xem xét chi tiết ở phần tiếp theo. Mặc dù việc học hỏi có thể làm tăng khả năng đưa ra phán quyết có lợi ở những vụ kiện này, nhưng người ta lại coi trọng chi phí kiện thấp hơn là những tác động như vậy nên họ thường sẽ lựa chọn các vụ kiện thiếu lý lẽ hơn.

Nghiên cứu này lần đầu tiên dự báo và xem xét một cách hệ thống tác động tiềm ẩn của việc tìm hiểu về cách thức đệ đơn kiện và kết quả của vụ kiện chống bán phá giá. Chúng tôi dùng những số liệu chi tiết về vụ kiện chống bán phá giá và kết quả ở Hoa Kỳ từ những năm 1980 đến những năm 1990 để kiểm chứng các giả thuyết của mình. Những phân tích thực nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng việc tìm hiểu có tác động lớn đến việc đệ đơn. Mọi thứ khác không đổi, ngay cả những tác động lên ngành sản xuất nội địa trong khoảng thời gian đồng nhất, các hoạt động chống bán phá giá trước đó trong ngành sản xuất SIC có 4 con số làm tăng khả năng đệ đơn chống bán phá giá trong một năm của một ngành sản xuất trung bình từ mức cơ bản 2% lên 9%. Việc học hỏi (hoặc các kinh nghiệm) của những người đệ đơn cũng ảnh hưởng tới kết quả của cuộc điều tra chống bán phá giá ở Hoa Kỳ. Đối với biên độ chống bán phá giá, các kinh nghiệm sẵn có thực sự đã khiến cho biên độ phá giá thấp hơn khoảng 12%, trong khi biên độ mẫu trung bình là 43.5%. Thực tế này phù hợp với trường hợp mà tác động của các kinh nghiệm tới chi phí kiện (và hệ quả là làm tăng các vụ kiện thiếu lý lẽ) chiếm ưu thế hơn bất cứ tác động nào tới người đệ đơn để có được biên độ phá giá cao. Mặt khác, chúng tôi cũng tìm thấy những bằng chứng cho thấy khả năng đưa ra một phán quyết chắc chắn tăng từ khoảng 42% lên 54% khi những người đệ đơn đã có kinh nghiệm cho dù họ lựa chọn cùng các vụ kiện thiếu lý lẽ với chi phí thấp. Một cách tương tự, những kinh nghiệm sẵn có làm tăng khả năng đưa ra một thoả thuận đình chỉ từ 3% lên 7%. Tóm lại, những kinh nghiệm sẵn có khiến cho người ta đệ đơn kiện nhiều hơn và các bằng chứng cho thấy rằng số lượng đơn tăng lên là do các vụ kiện thiếu lý lẽ. Các kinh nghiệm sẵn có cũng giúp cho những người đệ đơn có nhiều khả năng đạt được kết quả có lợi hơn nhưng hầu như không có tác động lên biên độ phá giá, do vậy việc tăng các vụ kiện thiếu lý lẽ sẽ khiến biên độ phá giá giảm đi đáng kể với những người đã có kinh nghiệm đệ đơn kiện. Một lưu ý cuối cùng là mặc dù ngành sản xuất thép có một số lượng lớn những người đã nhiều lần đệ đơn kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ thì kết quả chúng tôi thu được không thể hiện chi tiết về ngành thép và cũng không thay đổi đáng kể khi chúng tôi loại bỏ những quan sát về hoạt động chống bán phá giá trong ngành sản xuất thép ra khỏi mẫu. Phần còn lại của nghiên cứu này theo trình tự như sau: Phần hai sẽ là lý thuyết ngắn gọn về việc kinh nghiệm sẵn có ảnh hưởng như thế nào lên hoạt động đệ đơn và kết quả chống bán phá giá ở Hoa Kỳ. Phần ba sẽ cung cấp những số liệu chi tiết về những người đệ đơn lặp lại được chọn làm mẫu trong số liệu chống bán phá giá của Hoa Kỳ và cuối cùng là phần bốn đưa ra những phân tích số liệu quan trọng về tác động của các kinh nghiệm sẵn có.

Quảng cáo sản phẩm