Nhập siêu giảm mạnh: Nỗi lo từ tín hiệu vui

09/02/2009 12:00 - 1078 lượt xem

Theo số liệu vừa được Bộ Công Thương thông báo, ước nhập siêu tháng 1/2009 chỉ đạt 300 triệu USD, giảm gần 8 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên nhập siêu giảm mạnh trong suốt 4 năm qua (tháng 1/2006 xuất siêu 446 triệu USD).
 
Tuy nhiên, “mặt thứ hai của tấm huân chương” khiến niềm vui khó có thể trọn vẹn khi con số nhập siêu giảm mạnh lại đang báo hiệu một cơn bão mới cho nền kinh tế.

Nhập siêu giảm mạnh dù xuất khẩu giảm

Nỗi lo thứ nhất xuất phát từ chính nguồn gốc giảm nhập siêu. Tháng 1 năm nay, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến hầu hết các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu trong tháng giảm tới 24,2% so với cùng kỳ năm trước (tương đương với 1,2 tỷ USD).

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu như cà phê, nhân điều, chè lượng xuất khẩu giảm khoảng 20-30% và giá xuất khẩu giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, da giầy, hàng điện tử linh kiện máy tính, sản phảm gỗ, sản phẩm nhựa... đều có kim ngạch xuất khẩu giảm từ 20 - 30%.

Chính vì vậy, “công lao” giảm nhập siêu không thuộc về tăng trưởng xuất khẩu mà phụ thuộc phần lớn vào việc giảm nhập khẩu. Khập khẩu trong tháng này giảm tới 44,8% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 4,1 tỷ USD so với mức 7,2 tỷ USD của tháng 1/2008. Kim ngạch nhập khẩu giảm cả về lượng và trị giá ở tất cả các mặt hàng, thậm chí giảm sâu đối với một số mặt hàng như ô tô nguyên chiếc, thép, phôi thép, xăng dầu...

Theo Bộ Công Thương, nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất của nhiều ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu then chốt đều giảm mạnh lượng nhập khẩu. Đơn cử như lượng nhập khẩu phôi thép giảm 74%, phân bón giảm 65,2%, giấy giảm 43,3%... so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu giảm ở cả 30 nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu của nền kinh tế, trong đó nhóm hàng máy, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng vốn tăng rất mạnh ngay từ những tháng đầu năm của các năm trước thì nay đã giảm gần 20%, có tới 12/30 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

Đây thực sự là điều đáng lo ngại khi hầu hết các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đều đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. “Đầu tàu” xuất khẩu hiện nay là dệt may đang phụ thuộc 70% nguyên liệu nhập khẩu, sản phẩm gỗ phụ thuộc 80%, dược phẩm phụ thuộc gần 100% nguyên liệu nhập khẩu, đến ngay như những mặt hàng xuất khẩu “của nhà trồng được” như thủy sản, điều, cao su... cũng phải nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài.

Vì vậy, việc giảm mạnh các mặt hàng nhập khẩu nói trên cho thấy nỗi lo lớn về một nền sản xuất đang đình trệ và gây khó khăn cho xuất khẩu trong những tháng tới khi nguồn cung hàng nguyên, nhiên liệu sản xuất bị giảm sút.

Nhiều ngành sản xuất khó khăn

Bộ Công Thương cho biết, hầu hết các ngành công nghiệp đều đang gặp khó khăn nên đã giảm công suất khai thác so với cùng kỳ năm trước, thậm chí có ngành chỉ sản xuất cầm chừng nhằm tiêu thụ lượng hàng còn tồn kho từ năm trước.

Sản lượng than sạch khai thác trong tháng 1 ước đạt 2,67 triệu tấn, bằng 75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, than xuất khẩu ước đạt 1 triệu tấn, bằng 87% so với cùng kỳ năm 2008.

Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới nên xuất khẩu than giảm mạnh, thêm vào đó là tình hình tiêu thụ than của các ngành công nghiệp trong nước giảm nên ngành than đã giảm công suất khai thác. Tương tự, ngành phân bón đang phải đối đầu với bài toán tiêu thụ 2 triệu tấn phân bón tồn kho nên sản lượng phân lân, phân bón NPK giảm mạnh (19,8% và 58%).

Trong tháng 1/2009, các nhà máy sản xuất giấy (chủ yếu là các nhà máy sản xuất giấy bao gói) vẫn chưa đi vào sản xuất mà chủ yếu tiêu thụ lượng sản phẩm tồn kho năm 2008. Vì vậy, sản phẩm giấy, bìa chỉ bằng 89,6% so với cùng kỳ.

Nhưng khó khăn nhất vẫn là “người hùng” của năm 2008 - ngành dệt may. Ngay từ những ngày đầu năm 2009, ngành dệt may đã phải đối mặt với nhiều cạnh tranh. Trong nước, sản phẩm quần áo may sẵn của Việt Nam đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của Trung Quốc với giá bán thấp và việc tiết kiệm chi tiêu người tiêu dùng. Vì vậy, lượng sản xuất cũng như tiêu thụ hàng Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán giảm đáng kể. Sản phẩm quần áo người lớn tháng 1 chỉ bằng 94,1% so với cùng kỳ.

Đối với sản xuất hàng xuất khẩu, do đơn hàng bị cắt giảm mạnh nên một số doanh nghiệp nước ngoài tại Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Long An... phải đóng cửa, sa thải hàng loạt công nhân. Tình hình sẽ còn khó khăn hơn khi giá hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu chính dự kiến giảm hơn 10%, riêng thị trường Mỹ sẽ cắt giảm nhập khẩu 15% hàng dệt may.

Nguồn nguyên liệu đầu vào và giá trị sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh báo hiệu khả năng tăng trưởng trong những tháng tiếp theo là rất vất vả. Sản xuất công nghiệp là nơi cung cấp nguồn hàng cho xuất khẩu và tiêu dùng của xã hội nên sản xuất bị ngưng trệ sẽ kéo tốc độ tăng trưởng chung xuống theo.

Một nỗi lo lớn khi nhiều nhà máy đóng cửa sẽ khiến hàng chục, hàng trăm nghìn người mất việc làm, trông chờ vào bảo hiểm thất nghiệp của Nhà nước, gây sức ép lên nguồn ngân sách vốn đang bị thu hẹp từ việc giảm xuất khẩu, giảm và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng vốn hỗ lãi suất, kích cầu.

Nguồn: Báo Công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm