Nhiều cơ hội tăng xuất khẩu vào châu Âu

08/05/2009 12:00 - 1120 lượt xem

Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do sức mua ở thị trường châu Âu sụt giảm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Tâm, Vụ trưởng Vụ châu Âu thuộc Bộ Công Thương, cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào một trong những thị trường hàng đầu của Việt Nam này.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc phỏng vấn ngắn ông Tâm sau buổi tọa đàm doanh nghiệp Á-Âu (ASEM) diễn ra tại TPHCM ngày 6-4, xoay quanh vấn đề phát triển ngoại thương.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Ông đã cho biết kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào liên minh châu Âu (EU ) trong năm 2008 tăng 19,36% so với năm 2007, đạt 10,85 tỉ đô la Mỹ. Liệu Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng này trong giai đoạn khó khăn hiện nay?

- Ông Nguyễn Chí Tâm: Khó khăn hiện nay là khó khăn chung, chứ không của riêng ai. Một trong những khó khăn tại thị trường châu Âu là sức mua giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế.

Vị trí đặt quảng cáoNhưng nói như thế không có nghĩa là Việt Nam không còn cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này. Cơ hội cụ thể là cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện đang gắn kết với khả năng thực tế của nền kinh tế, là các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản… và đây là những mặt hàng mà liên minh châu Âu (EU) không sản xuất được mà phải nhập khẩu.

Mặc dù, dệt may và giày dép đang gặp một số khó khăn liên quan đến vấn đề chống bán phá giá của EU, và từ năm 2009 không còn hỗ trợ về quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn tìm được lối vào thị trường này nếu họ biết phát huy thế mạnh và khai thác thị trường tốt.

- EU sẽ đóng vai trò thế nào trong chính sách phát triển ngoại thương của Việt Nam trong tương lai?

Liên minh châu Âu (EU) là một thị trường rất quan trọng của Việt Nam vì sức mua tại 27 quốc gia châu Âu này đóng góp 22-25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.

Bên cạnh đó, châu Âu là thị trường có công nghệ cao và những công nghệ này rất cần cho quá trình phát triển kinh tế hướng đến bền vững của Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam và EU hướng đến tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, và Chính phủ Việt Nam cũng đã có chương trình với tầm nhìn 2015 để thúc đẩy mối quan hệ này.

Để đáp ứng với tình hình hiện tại thì cần có một cách tiếp cận mới cho Hiệp ước mậu dịch tự do giữa Việt Nam và EU. Tiến trình này nằm trong tiến trình đàm phám Hiệp định tự do giữa các nước ASEAN và EU, nhưng tiến trình đàm phán giữa ASEAN và EU trong 2 năm vừa qua gặp một số trở ngại.

Phía Việt Nam sẵn sàng xem xét cách tiếp cận mới của phía EU về Hiệp định tự do song phương. Nếu hiệp định này được ký kết sẽ mở ra nhiều vấn đề, không chỉ là thương mại và đầu tư, mà còn là môi trường, phát triển bền vững, lao động, mua sắm Chính phủ... là những lĩnh vực mà EU đang rất muốn thiết lập quan hệ với Việt Nam.

- Tại hội nghị, một số diễn giả có nói các quốc gia không đơn phương mà cần phối hợp để cùng vượt qua ảnh hưởng của khủng khoảng. Theo ông việc hợp tác sẽ mang lại gì cho các quốc gia là thành viên của ASEM, cụ thể là Việt Nam?

Hợp tác để cùng vượt qua khủng hoảng là một nhu cầu tất yếu, và hiện khó có một nước nào có thể đơn phương vượt qua khủng hoảng. Điều này đã thể hiện rõ trong trường hợp của Việt Nam, là nước đang hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới và đang thực hiện các cam kết của mình một cách chuẩn mực hơn. Nhu cầu này không chỉ có đối với các nước đang phát triển như Việt Nam mà ngay cả đối với các nước phát triển như khối EU.

Với tư cách là điều phối viên quan hệ của ASEAN và EU, Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng và các chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp EU đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong quá trình hợp tác.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

Quảng cáo sản phẩm