Nhiều tỷ đồng xuất khẩu hàng dệt may qua... hợp đồng miệng

27/08/2008 12:00 - 1387 lượt xem

Nhiều DN dệt may thừa nhận việc sản xuất, giao những lô hàng xuất khẩu trị giá nhiều tỷ đồng mỗi năm thông qua hợp đồng miệng. Nếu có rủi ro thì  gần như chắc chắn DN trắng tay.  

Đây là thực trạng “vừa làm vừa run” khá phổ biến đối với DN xuất khẩu dệt may. Lãnh đạo một công ty may xuất khẩu tại Nam Định thừa nhận, nếu có tranh chấp quốc tế xảy ra thì... thua to, do DN không hề biết L/C của đối tác là gì cả. Nếu bên nhập khẩu xù nợ, không thanh toán,  DN cũng không biết đòi ở đâu, vì không có hợp đồng, chỉ tin nhau bằng miệng là làm. Dù tiếng là làm hàng FOB nhưng DN hoàn toàn không nắm được đằng chuôi.“Dù chưa có lần nào bị chậm thanh toán hay rủi ro, nhưng nếu xảy ra thì DN trắng tay ”, vị lãnh đạo này nói.

Bà Sinh Duyên, Công ty May Hai, Hải Phòng cho biết, thực tế khi làm hàng xuất khẩu, DN sản xuất hàng may mặc cũng chỉ biết phòng chống rủi ro cho các “hợp đồng miệng” bằng cách chọn đối tác có uy tín để hợp tác kinh doanh.

Một DN làm hàng xuất khẩu lâu năm lý giải, dù biết rủi ro, sợ nắm đằng lưỡi nhưng các DN vẫn phải buộc lòng “nhắm mắt đưa chân” là do hầu hết các đơn hàng đều bắt mối qua trung gian, chứ không phải do các DN của nước nhập khẩu trực tiếp đến nhà máy ký kết hợp đồng. Các công ty trung gian này mới là người trực tiếp đến khảo sát nhà máy, đặt hàng, vì vậy không thể có hợp đồng trên giấy tờ đàng hoàng với các DN sản xuất. Phía trung gian chịu trách nhiệm lo toàn bộ từ nguyên liệu, mẫu mã, đầu ra, nên họ có quyền sinh quyền sát.

Theo một giám sát viên người Việt làm việc cho một công ty môi giới xuất khẩu hàng dệt may, thậm chí có công ty trung gian không hề đăng ký kinh doanh, không đặt trụ sở cố định. Họ tuyển người làm việc cũng không ký hợp đồng  lao động nhưng mức lương khá hấp dẫn.

Một kiểm soát viên người Việt làm việc cho công ty môi giới có thu nhập từ 500 USD đến vài ngàn USD mỗi tháng. Chưa kể một số khoản thu nhập khác mà các DN gia công chi cho kiểm soát viên để có được sự thông thoáng khi kiểm tra sản phẩm, chất lượng.

“Khi có tranh chấp về lương thưởng với một công ty trung gian, tôi doạ kiện ra toà thì công ty đó tá hoả, xin bồi thường 20 triệu đồng để tôi im lặng. Lúc đó tôi mới biết, công ty này không hề xin phép đặt văn phòng tại VN mà làm ăn chui. Thế nhưng nhiều DN sản xuất hàng may mặc vẫn ký hợp đồng và xuất khẩu hàng triệu sản phẩm mỗi năm thông qua trung gian này. Nếu bên nhập khẩu thay đổi kế hoạch, chắc chắn trung gian cao chạy xa bay, để lại DN sản xuất ngậm quả đắng”, một giám sát viên cho biết.

Nguồn: vietnamnet.vn
Quảng cáo sản phẩm