Những người đánh bắt và nuôi tôm Mỹ

06/12/2006 12:00 - 1726 lượt xem

Ngoài ra, ban lãnh đạo Liên minh còn nghĩ ra nhiều sáng kiến khác như đánh lệ phí vào thiết bị đánh bắt tôm; xin tiền từ ngân sách bang; quyên tiền từ những người "có lòng" với tôm, một "sản phẩm lãng mạn" của nước Mỹ như cách gọi của Chủ tịch Liên minh, ông Eddie Gordon (bang Nam Carolina)

Hiệp hội tôm bang Lousiana lúc nào cũng hoạt động rất năng nổ. George Barisich, chủ tịch Hiệp hội, một trong hai đại biểu của bang Louisiana trong Đoàn chủ tịch của Liên minh tuyên bố xanh rờn: "Louisiana chiếm 60% số người nuôi tôm trong Liên minh, chúng tôi chịu 60% phí tổn (cho vụ kiện)”. Nhưng đến nay, chưa thể nói là bang này thành công trong việc quyên tiền khi nhiều người nuôi tôm còn rất phân vân, và thậm chí chưa hiểu biết lắm về cái chương trình "mỗi pao một xu" kia.

Liên minh tôm miền Nam đã xuất hiện vào tháng 10/2002 nhằm đại diện cho quyền lợi của những người đánh bắt tôm ở tám bang (Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama, Floria, Georgia, Nam và Bắc Carolina).

Có thể thấy rằng, khó khăn đầu tiên của những người đánh bắt tôm Mỹ là vấn đề "tiền đâu". Đến nay, vụ kiện còn chưa bước nổi đến vạch xuất phát chính là do những người đánh bắt tôm Mỹ không huy động được đủ tiền để khởi động, chưa nói đến việc theo đuổi nó.

Ngoài ra, ý định kiện tụng sẽ đe dọa bát cơm manh áo của các nhà nhập khẩu tôm. Do đó, tất nhiên, vấp phải phản ứng quyết liệt từ những người này. Mà dường như, xét về tiềm lực kinh tế, bên nhập khẩu mạnh hơn nên tương đối rảnh tay để kêu gọi và vận động chống lại nó.

"Người ta xuống đây và người ta hứa hẹn... Vào lúc cuối ngày, chỉ có họ là kiếm được tiền."

Richard Gutting, Giám đốc Học viện Nghề cá Quốc gia, đại diện cho các nhà nhập khẩu Mỹ nói về các công ty luật đang tán tỉnh những người đánh bắt tôm.

Nhiều nỗ lực điều đình giữa các nhà nhập khẩu và những người đánh bắt tôm đã được thực hiện nhưng chưa mang lại kết quả. Đến đầu tháng 12, Gordon cho biết Liên minh vẫn sẵn sàng thương lượng với các nhà nhập khẩu tôm. Mặt khác, cũng vào thời điểm này, họ tuyên bố trước năm mới sẽ công bố tên công ty luật đại diện cho họ tiến hành vụ kiện. Nhưng đến nay, sáu công ty luật của thủ đô Washington vẫn đang mỏi mòn chờ tin nhạn.

Ai may mắn được chọn sẽ ngay lập tức phải lên danh sách các nước cần kiện, và nộp đơn yêu cầu tiến hành điều tra chống bán phá giá lên Bộ Thương mại Mỹ. Nhưng vấn đề gay cần nhất, khó khăn nhất là làm thế nào chứng minh được cho Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ thấy: tôm nhập khẩu gây tổn hại nghiêm trọng như thế nào cho những người đánh bắt tôm nước này. Và then chốt không kém, số tôm đó phải được bán ở Mỹ với giá thấp hơn chi phí đánh bắt hoặc nuôi trồng tại nước xuất khẩu.

John DeSantis, phóng viên kỳ cựu của tờ báo địa phương bang Lousiana đã nhận xét, khó mà chứng minh được những điều trên. Ông và các cộng sự đã trân trọng xếp sự tụt giá của tôm là sự kiện quan trọng thứ hai trong vùng năm 2002.

Bộ Thương mại Việt Nam vừa thông báo, nhiều khả năng cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2, các nhà sản xuất tôm ở Mỹ sẽ khởi kiện Việt Nam và Trung Quốc bán phá giá tôm vào thị trường nước này.

Nói về tổn hại nghiêm trọng đến những người đánh bắt tôm của Mỹ, cần phải nhắc tới hiện tượng hai đợt lạnh bất thường vào mùa xuân năm ngoái đã khiến tôm Louisiana chui hết xuống vịnh Mexico. Hiện tượng tự nhiên này đã khiến chính quyền bang phải hỗ trợ tài chính cho những người sống bằng tôm nơi đây. Ngoài ra, còn phải nhắc tới việc áp dụng thiết bị ngăn rùa bị mắc vào lưới (turtle-excluder devices - TED). Số lượng rùa Kemp-Ridley cần bảo vệ quả là có tăng lên, nhưng lượng tôm thì giảm đi trông thấy. Vả lại, tôm của Mỹ chủ yếu là tôm chì, tôm thẻ với nguồn khai thác chính là đánh bắt nên tôm tự nhiên ngày càng cạn kiệt, chi phí đánh bắt bị đôn lên cao.

Sẽ là không thuyết phục nếu nói tôm nhập khẩu là tai họa của những người đánh bắt tôm Mỹ. Theo một tờ báo ở Lousiana, hãy nghĩ đến điều kiện tự nhiên và khả năng cạnh tranh của chính bản thân mình.

Đặng Hương

Quảng cáo sản phẩm