Những nội dung cụ thể thúc đẩy thương mại Việt- Anh

22/04/2009 12:00 - 1064 lượt xem

Không chỉ thương mại, Anh hiện cũng là nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD. Sự hiện diện của các công ty Anh tại Việt Nam cũng được đánh giá rất tích cực, trong đó nhiều tập đoàn có đóng góp lớn vào nhiều lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam.
 

Hiện tại, quy mô quan hệ kinh tế, thương mại Việt- Anh là tương đối lớn. Năm 2008, thương mại song phương đạt gần 2 tỷ USD. Quý I/2009, con số này đạt gần 353 triệu USD trong bối cảnh thị trường sụt giảm. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là giày dép, dệt may, đồ gỗ, nông sản, hàng tiêu dùng… và nhập khẩu máy móc, thiết bị, dược phẩm và thiết bị y tế, hàng tiêu dùng.. Việt Nam thường xuất siêu sang Anh rất lớn.

Không chỉ thương mại, Anh hiện cũng là nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD. Sự hiện diện của các công ty Anh tại Việt Nam cũng được đánh giá rất tích cực, trong đó nhiều tập đoàn có đóng góp lớn vào nhiều lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam như BP, Rolls Royce, Prudential, HSBC, Standard Chartered Bank, Vodafone…

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới khó khăn đã ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước. Do đó, Ủy ban Hỗn hợp Kinh tế - Thương mại Việt Nam- Anh (JETCO 2) đặt mục tiêu tìm các biện pháp hiệu quả để đẩy mạnh hợp tác song phương. Thông qua JETCO, hai bên muốn đạt được những mục tiêu cụ thể đã được xác định trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Anh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 3/2008, hướng tới “Quan hệ đối tác vì sự phát triển” với tầm nhìn chiến lước đến năm 2013. Trong đó, một số mục tiêu quan trọng nhu thương mại song phương đặt mục tiêu đạt 4 tỷ USD và đầu tư trực tiếp đạt 3 tỷ USD.

Trong biên bản Kỳ họp JETCO 2, được ký hôm 22/4, hai bên đã thống nhất 11 vấn đề đẩy mạnh hợp tác, tạo thuận lợi hóa cho thương mại và đầu tư song phương như cấp visa cho thương nhân tại cửa khẩu, thủ tục hải quan đối với hàng mẫu, thuế khai khoáng, hỗ trợ Việt Nam tham gia sàn giao dịch cà phê Luânđôn, mở cửa thị trường dược phẩm theo cam kết WTO, hợp tác XTTM, hơp tác đào tạo...

Ngoài ra, Anh ủng hộ đối với Việt Nam trong vấn đề bán phá giày mũ da của Việt Nam và thương mại tự do, mở cửa thị trường. Những tiến bộ của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương hiệu- những tiêu chí quan trọng để công nhận quy chế nền kinh tế thị trường, cũng được Anh đánh giá cao.

Đánh giá về kết quả nói trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh nói: “Đã thể hiện sự đồng thuận của hai bên và tin rằng những nội dung trên sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước”. Đại sứ Anh Mark Kent cho rằng: “Đây là những vấn đề quan trọng đối với quan hệ thương mại và đầu tư song phương”.

Nguồn: Báo công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm