Nông sản chủ lực cũng lao đao

20/10/2008 12:00 - 1279 lượt xem

Sau caosu, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác của VN như càphê, tiêu, gạo cũng nằm trong hiệu ứng domino của cơn khủng hoảng tài chính thế giới. Tuy nhiên sự thiệt hại vẫn chưa xảy ra, nên sự bình tĩnh ứng phó lúc này rất cần thiết...

Càphê rớt giá, vẫn có thể cầm cự

Hôm 16.10, ông Đoàn Triệu Nhạn (Phó Chủ tịch HH Càphê VN - Vicofa) khá lo lắng khi cho biết: Giá càphê thế giới đang xuống từng ngày. Chỉ trong vòng 3-4 ngày, giá trên sàn giao dịch London từ hơn 2.000USD/tấn đã rớt xuống chạm mức thấp nhất 1.669USD/tấn.

Theo Vicofa, năm nay Brazil (nước sản xuất càphê lớn nhất thế giới) đã dự kiến thu hoạch sản lượng khổng lồ hơn 45,85 triệu bao.Tuy nhiên nước này dự kiến giữ lại khoảng 12 triệu bao (năm 2007 chỉ giữ 5 triệu bao) để cân đối hàng hóa cung cấp cho năm sau.

Trong khi đó, nhu cầu dùng càphê thế giới vẫn tăng khoảng 2%/năm. Nên giá càphê rớt, không phải do cung vượt cầu. Nguyên nhân bởi khủng hoảng tài chính thế giới, việc cắt giảm chi phí cũng như sự phòng thủ trong biến động khó lường của thị trường tài chính đã khiến các nhà đầu cơ chựng lại.

Hiện các nhà đầu cơ thế giới còn lo sợ một số lượng hàng lớn nổ ra khi nhiều nước như VN, Brazil bắt đầu vào vụ, trong khi chưa thể ngăn được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Viễn cảnh đó có thể làm thị trường hàng hoá rất dễ giảm thêm trong những phiên giao dịch tới.

Tại VN - nước xuất khẩu càphê thứ 2 thế giới - giá càphê xô tại các vựa lớn như Đắc Lắc, Lâm Đồng được các DN mua vào khoảng 26 triệu đồng/tấn, giảm trung bình 5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên đó là chưa vào vụ chính. Có lo ngại, đến cuối tháng 10.2008 vào vụ thu hoạch với dự kiến tổng sản lượng hơn 1 triệu tấn, giá càphê sẽ rớt tiếp? Ông Nhạn cho rằng, dù rớt ở mức giá 24-25 triệu đồng/tấn, nông dân vẫn còn có thể cầm cự.

Hồ tiêu liêu xiêu, nông dân trữ hàng vượt khủng hoảng

Theo ông Đỗ Hà Nam (Chủ tịch HH Hồ tiêu VN) năm nay tổng sản lượng cả nước đạt hơn 90.000 tấn. Các DN đã xuất khẩu được hơn 65.000 tấn trước cơn khủng hoảng. Chịu ảnh hưởng hiệu ứng domino thì với lượng tiêu còn tồn lại ít và đang ở cuối vụ thu hoạch nên không lao đao như càphê.

Tuy nhiên cũng không ít người trồng tiêu... liêu xiêu. Bởi giá hồ tiêu hiện đã giảm 25%, mặt bằng chung, giá còn khoảng 40.000 đồng/kg. Tại tỉnh BRVT- nơi trồng tiêu lớn thứ nhì của Đông Nam Bộ, giá lại giảm mạnh, giá tiêu đen từ 60.000 đồng/kg giảm xuống còn 38.000-39.000 đồng/kg đối với loại tiêu xô. Với giá đó, cân đối với vật tư nông nghiệp, theo nông dân, lời lãi quá ít, không cân xứng. Vì vậy nhiều vùng người dân quyết định trữ lại chờ qua cơn khủng hoảng.

Gạo: Nỗ lực "hạ nhiệt" nỗi lo cho nông dân

Mỗi năm VN xuất khoảng 2 triệu tấn gạo cho các thị trường chủ lực như Indonesia, Philippines, còn lại khoảng 2 triệu tấn đưa sang các nước Cuba, Malaysia, Iraq, Iran. Trước đây ít tháng, do e ngại khủng hoảng lương thực, DN đã hạn chế nguồn cung, buộc 2 thị trường chủ lực là Indonesia và Philippines phải xoay một phần từ nguồn khác nhằm đảm bảo lương thực trong nước. Trong khi đó, lượng gạo đáp ứng nhu cầu các thị trường như Iran, Iraq, Cuba thì đã căn cơ. Bởi vậy, không khó hiểu khi lượng lúa gạo tồn lại trong dân đã khó tiêu thụ.

Về phần mình, theo một số DN xuất khẩu gạo, vừa qua, dù giá gạo nguyên liệu đã giảm (gạo 15% bán tại kho chỉ còn khoảng 6.000đồng/kg, 5% tấm chừng 7.000đồng/kg, giảm từ 2.000-3.000đồng/kg so với thời điểm sốt giá) nhưng DN cũng mua bán cầm chừng bởi đầu ra khó khăn, trong khi kho dự trữ thì đang "ăm ắp". Dẫu vậy việc Chính phủ chỉ đạo ngân hàng, DN tạo các điều kiện thu mua lúa cho dân, cũng đã phần nào "hạ nhiệt" nỗi lo.

Nguồn: thongtinthuongmaivietnam.com.vn

Quảng cáo sản phẩm