Nông sản Việt chinh phục thị trường thế giới

09/01/2019 12:00 - 3830 lượt xem

Mặc dù chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, nông sản Việt Nam vẫn nỗ lực lớn để thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2018 vượt mức kỷ lục 40 tỉ USD. Nhiều mặt hàng đã xuất hiện ở một số thị trường khó tính…

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch: Kỳ vọng vào các FTA

Tôi nghĩ rằng, hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương đang chờ nông sản Việt khai thác thị trường.

Đơn cử, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến thực thi vào năm 2019. Đây là một FTA quan trọng, chiếm tới 19% lượng xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi các dòng thuế quan dần dần về 0%. Trong đó, nông sản là một trong những mặt hàng chủ lực vào thị trường EU.
Tương tự, tại thị trường Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam ở mức cao, đạt 311 triệu USD. Theo kế hoạch, đến năm 2020, nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này đạt 500 triệu USD, phấn đấu đạt 1 tỉ USD vào năm 2025.

Cùng với thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN cũng được xem là những thị trường giàu tiềm năng để mở rộng với nông sản Việt.
Có thể thấy, mặc dù nhiều quốc gia được liệt kê là những thị trường khó tính về nhập khẩu hàng hóa, nông sản, tuy nhiên với sự nỗ lực lớn, nông sản Việt từng bước thâm nhập những thị trường này. Doanh nghiệp Việt Nam đang kỳ vọng lớn về xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.

Nhưng điều bất cập nhất hiện nay là nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn đi nhanh nhưng không coi trọng xây dựng thương hiệu, niềm tin, năng lực vững chắc. Mặt khác, tiêu chuẩn cho hàng hóa vào thị trường các nước rất rõ ràng nhưng doanh nghiệp Việt Nam chậm tuân thủ. Doanh nghiệp xuất khẩu không nên chỉ là người mua, đứng ngoài mà phải sát cánh cùng nông dân, tư vấn, hỗ trợ nông dân để cải thiện đất, phân bón, để bảo đảm chất lượng đồng nhất. Yêu cầu đặt ra là sản xuất ngày nào, lô nào, ai làm, ai bảo đảm chất lượng? Theo tôi, xuất khẩu ổn định phải có hệ sinh thái sạch. Đặc biệt, nông dân, hợp tác xã, hiệp hội cần liên kết tạo sự phát triển bền vững về chuỗi giá trị.

Bà Võ Phương Thủy - Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp: Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Với nhiều giải pháp được triển khai quyết liệt và đồng bộ, việc tiêu thụ nông sản của tỉnh Đồng Tháp tại thị trường nội địa và xuất khẩu đã có những kết quả tích cực.

Số lượng doanh nghiệp tham gia vào chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo không ngừng tăng lên hằng năm, năm 2015 có 27 doanh nghiệp, năm 2017 lên tới 80 doanh nghiệp.

Ngoài mở rộng thị trường trong nước, doanh nghiệp từng bước thâm nhập thị trường nước ngoài. Thực tế cho thấy, trong năm 2017, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương mới chỉ xuất khẩu được 3,5 tấn xoài sang Nga. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2018, hợp tác xã này xuất khẩu sang thị trường Australia 20 tấn.

Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản không ngừng đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm vào thị trường các nước. Ngoài ra, thông qua lượng lớn nông sản xuất khẩu, người tiêu dùng nước ngoài đang từng bước tiếp cận sản phẩm “made in Vietnam”.

Bà Punthila Puripreecha - Giám đốc vận hành Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam: AEC mở ra nhiều cơ hội mới

Với không gian thị trường 660 triệu dân, GDP năm 2016 đạt 2.551 tỉ USD và dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hứa hẹn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cho đến nay, Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan trong AEC (2018 hoàn tất lộ trình loại bỏ thuế). Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, trong đó có nông sản, để mở rộng thị trường.

Ngoài việc kinh doanh ở Việt Nam, MM Mega Market Việt Nam còn hỗ trợ, tìm kiếm những nhà cung cấp trong nước để đưa hàng vào bán tại hơn 1.400 siêu thị và cửa hàng tiện lợi trong chuỗi phân phối của công ty trong khu vực ASEAN.

Đáng chú ý, vào quý I/2018, MM Mega Market Việt Nam đã nhận giấy phép xuất khẩu trực tiếp và xuất đơn hàng đầu tiên hơn 100 tấn nông sản Việt gồm khoai lang vàng, khoai lang tím, thanh long, trái cây sấy, bánh tráng… sang 700 siêu thị Big C Thái Lan. Sản phẩm nông sản của Việt Nam được người tiêu dùng các nước trong khu vực đánh giá cao về chất lượng và giá cả cạnh tranh… Một số mặt hàng như vú sữa, bơ Đà Lạt… rất được quan tâm tại thị trường Thái Lan.

Năm 2019, MM Mega Market Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu 1.000 tấn Thanh Long, 1.000 tấn khoai lang tím và 250 tấn cá basa phi lê đông lạnh của Việt Nam sang thị trường Thái Lan.

Hiện nay MM Mega Market Việt Nam đang tổ chức các chuyến đi thực tế cho đội ngũ thu mua từ Thái Lan sang Việt Nam. Trong các chuyến đi, MM Mega Market Việt Nam cũng giới thiệu các vùng nguyên liệu, quy trình nuôi trồng, sản xuất, quá trình kiểm soát chất lượng…, giúp nhà thu mua có đầy đủ thông tin về nguồn hàng tại Việt Nam. Do vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu đưa hàng vào hệ thống cần tìm hiểu nhu cầu thị trường của sản phẩm đang có cũng như của đội thu mua. Nếu doanh nghiệp sản xuất nông sản của Việt Nam có nhu cầu, chúng tôi sẽ hỗ trợ về quy trình, kỹ thuật để đưa hàng hóa vào hệ thống của MM Mega Market Việt Nam.

Doanh nghiệp cần lưu ý một số tiêu chuẩn đối với hàng nông sản xuất khẩu là quá trình trồng, thu hoạch tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGap/GlobalGap và đóng gói theo tiêu chuẩn HACCP; có hình thức đẹp; thời hạn sử dụng sản phẩm tại điểm đến phải còn từ 15-18 ngày.

Ông Yuichiro Shiotani - Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam: Chất lượng nông sản phải ổn định

Nhật Bản là một trong những nước có chỉ số tiêu thụ hàng hóa cao nhất. Do đó, có rất nhiều nước muốn bán sản phẩm tốt vào thị trường Nhật Bản. Chính vì vậy, các doanh nghiệp khi đưa hàng vào thị trường Nhật Bản phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn. Theo đó, chất lượng sản phẩm cao thì giá bán cao và ngược lại. Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam được người tiêu dùng Nhật nói riêng và các nước nói chung ưa chuộng. Doanh nghiệp Việt Nam cần thấy được điểm thuận lợi trên mà tận dụng cơ hội đưa nông sản đến tay người tiêu dùng các nước.

Vào tháng 10/2018, chúng tôi đã xuất khẩu xoài của Việt Nam sang Nhật Bản. Xoài Việt Nam đã có mặt ở Nhật Bản để cạnh tranh với xoài Thái Lan, Philipines, Pakistan, Mexico… Xoài Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản lựa chọn nhiều. Tuy nhiên, mặt hàng này có hai điểm yếu về giá và chất lượng cần được khắc phục. Giá xoài Việt đang cao hơn xoài một số nước. Độ ngọt thiếu tính ổn định. Xoài Pakistan độ ngọt (độ đường) từ 18-20 độ, xoài của Nhật độ ngọt từ 15-24, xoài Thái Lan, Philipines độ ngọt từ 15-18, xoài Việt Nam có độ ngọt trung bình là 15, nhưng đáng tiếc là không ổn định, thường dao động trong khoảng 10-20 độ. Điều này tạo sự không hài lòng cho người mua.

Muốn xoài Việt Nam có chỗ đứng ở thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt phải tìm hiểu kỹ thị trường để biết sản phẩm tương tự có chất lượng, giá cả như thế nào, từ đó sẽ quyết định cải thiện chất lượng sản phẩm, kiểm soát giá bán cho phù hợp.

Đơn cử, tôi thấy rằng, đối với nông sản Việt Nam, điều rất quan trọng là cần phải hạn chế sự không đồng đều về chất lượng. Khi tôi trao đổi về trái xoài Việt Nam, người nông dân Nhật Bản cho biết có thể khống chế độ đường từ 20-22, mức độ đường của trái xoài ổn định thì khi bán ở thị trường Nhật Bản chắc chắn người tiêu dùng Nhật Bản sẽ chọn và ưa dùng hơn. Tóm lại, phương pháp sản xuất không phức tạp, quan trọng là chọn thời điểm thu hoạch, cách bảo quản và thời điểm xuất hàng sao cho phù hợp.

Ông Nguyễn Huy - đại diện Công ty Bureau Veritas: Có những tiêu chuẩn khắt khe

Thời gian tới, nông sản dễ dàng vào thị trường các nước thông qua các chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, mở cửa không có nghĩa là thoải mái xuất khẩu. Chắc chắn thị trường nhập khẩu sẽ kiểm soát chặt về chất lượng, cũng như hàng loạt quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm được đưa ra nhằm bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ sản xuất trong nước.

Ở thị trường khó tính sẽ xuất hiện những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, nguồn gốc… Đặc biệt, có những quy định chứng minh nguồn gốc thực phẩm thông qua hình thức từ trang trại đến kệ bán hàng. Vấn đề đặt ra hiện nay là muốn phát triển thị trường, doanh nghiệp phải tuân thủ những yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm…

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao: GlobalGAP là giấy thông hành tốt nhất

Xuất khẩu nông sản hiện nay chưa bền vững, mặc dù không ít nông sản Việt Nam đã có mặt ở những thị trường khó tính. Có rất nhiều nguyên nhân.

Nông dân vẫn chưa coi trọng tiêu chuẩn chất lượng. Trong khi đó, các tiêu chuẩn chất lượng đang là yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển. Ghi nhận trên thị trường nhập khẩu hiện nay, chứng nhận GlobalGAP được xem là giấy thông hành tốt nhất để đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối trên thế giới. Vì các nhà bán lẻ rất quan tâm về các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Nếu như chưa đạt tiêu chuẩn của GlobalGAP, doanh nghiệp cũng phải đạt LocalGAP. Tiêu chuẩn LocalGAP là “cầu nối” quan trọng để đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ, lý do: Quản lý tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước dựa trên hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, hệ thống luật pháp, để kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn và trách nhiệm của hệ thống bán lẻ. Từ trách nhiệm này, các nhà bán lẻ khắp thế giới phải kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm mà mình phân phối, chấp nhận nhập hàng hay không. Đây chính là “quyền lực lớn” của các nhà bán lẻ.

Nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất nông sản, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã cùng Tổ chức GlobalGAP xây dựng tiêu chuẩn LocalGAP, đây là bước đệm để đưa nông sản vào thị trường thế giới với chi phí thấp hơn. Sau bước đệm này, các nhà sản xuất sẽ có thời gian, điều kiện để từng bước tiến tới chứng nhận GlobalGAP.
Nguồn: Báo Dầu khí
Quảng cáo sản phẩm