Nông thủy sản vào WTO: Tiêu chuẩn an toàn là tấm VISA

08/05/2007 12:00 - 1551 lượt xem

Tại Hội thảo “Nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập WTO và Quy trình Nông nghiệp An toàn (GAP)" do Câu lạc bộ Xây dựng Thương hiệu Nông thủy sản Việt Nam tổ chức sáng 2/5 tại TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia đến từ Bộ Nông nghiệp tiểu bang New South Wales (Australia) khẳng định tầm quan trọng của tiêu chuẩn GAP trong xuất khẩu.
Là người gắn bó gần 40 năm trong ngành nông nghiệp và đã từng làm việc trong ngành nông nghiệp của Nhật Bản và Australia, tiến sỹ Nguyễn Quốc Vọng (chuyên viên Bộ Nông nghiệp bang New South Wales, Australia) cho rằng, việc quy hoạch đất nông nghiệp ở Việt Nam như hiện nay là không cân đối và hiệu quả rất thấp nếu xét về mặt kinh tế. Ông dẫn chứng, Việt Nam hiện còn hơn 7 triệu ha đất nông nghiệp trồng lúa nhưng chỉ có khoảng 1 triệu ha trồng dừa, cao su, trà, cà phê và 1,4 triệu ha trồng cây ăn trái, rau quả và hoa.

Trong khi đó, các quốc gia trong WTO mỗi năm cần nhập khẩu tới 103 tỷ USD rau và hoa quả, nhưng chỉ nhập khẩu khoảng 9,2 tỷ USD gạo. Đây là thách thức lớn nhất mà những người làm nông nghiệp Việt Nam cần suy tính khi muốn bàn đến chuyện chiếm lĩnh thị trường WTO trong bối cảnh Việt Nam là thành viên “sinh sau đẻ muộn” so với các thành viên khác.

Thách thức thứ hai mà tiến sỹ Vọng đưa ra là, mặc dù Việt Nam có tiềm năng rất lớn về rau quả, trái cây tươi nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này còn rất thấp. Mà nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa áp dụng 4 “luật chơi” cơ bản. Đó là luật chơi về số lượng, về an toàn thực phẩm, về chất lượng, và về giá cả.

Ông Vọng cũng đã nhấn mạnh rằng, trong 4 luật chơi đó thì cái khó nhất của nông nghiệp Việt Nam chính là quy trình “nông nghiệp an toàn” GAP (Good Agricultural Practices). Đây là một chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt từ A đến Z của dây chuyền sản xuất, bắt đầu từ khâu chuẩn bị nông trại, canh tác, cho đến khâu thu hoạch, sau thu hoạch, tồn trữ, kể cả các yếu tố liên quan như môi trường, các chất hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, bao bì và ngay cả điều kiện làm việc, phúc lợi của người lao động trong nông trại.

Còn theo ông Joseph Ekman, chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Nông nghiệp bang New South Wales (cũng là đối tác đáng tin cậy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam), hiện nay, các thị trường trong WTO thường định ra những quy định riêng về độ an toàn thực phẩm (GAP - như ASEAN GAP, Euro GAP, Freshcare…) để áp đặt đối với những quốc gia mà họ đặt mua hàng.

Đa số các quy định này rất khắt khe, nhằm mục đích hạn chế việc nhập khẩu một cách hợp pháp so với cam kết khi gia nhập WTO, vừa bảo vệ sản xuất trong nước. Ông cũng cho rằng, Việt Nam cũng cần nhanh chóng hình thành các quy định về quy trình Nông nghiệp An toàn (GAP) để một mặt hướng dẫn nông dân sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn chung của WTO, một mặt sẽ áp đặt đối với nông sản nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Ông Joseph Ekman cũng đề xuất một số kinh nghiệm để thực hiện quy trình Viet GAP (hay Việt Nam GAP). Đó là, Việt Nam nên dựa vào mô hình GAP của ASEAN để bảo đảm phù hợp với các chương trình liên vùng và quốc tế về an toàn thực phẩm. Ưu tiên hàng đầu là phải có sự bảo vệ công dân từ phía chính phủ, do vậy, chương trình GAP cần được hướng dẫn bởi nhiều chương trình về tập huấn sử dụng hoá nông, vệ sinh an toàn, nông dược, vi sinh…

Phát biểu kết luận hội thảo, giáo sư Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xây dựng Thương hiệu Nông thuỷ sản Việt Nam - đã bày tỏ sự thống nhất cao với ý kiến của các diễn giả đến từ Australia. Giáo sư đề nghị chính phủ, các bộ ngành liên quan cần nhanh chóng vào cuộc hình thành quy trình GAP Việt Nam, đồng thời ông kêu gọi nông dân Việt Nam và các doanh nghiệp chế biến hãy sát cánh hơn nữa với chính quyền để thực hiện bằng được quy trình GAP Việt Nam, vì đây chính là yếu tố sống còn của nông thuỷ sản Việt Nam khi hội nhập với WTO.

Quảng cáo sản phẩm