Obama cam kết không bảo hộ mậu dịch

23/02/2009 12:00 - 1391 lượt xem

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama hôm 19/2 đã cam kết hợp tác với Canada về năng lượng, phục hồi kinh tế và Afghanistan, đảm bảo với Canada rằng ông sẽ không theo đuổi các chính sách bảo hộ mậu dịch.
 
Ông nói rằng những thách thức toàn cầu, trong đó có an ninh, đòi hỏi phản ứng của toàn thế giới. Ông đã phê chuẩn việc tăng 17.000 lính Mỹ cho chiến trường Afghanistan song cho biết không ép Thủ tướng Harper về việc Canada rút quân vào năm 2011.

Theo ông Obama, người dân Bắc Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và ông muốn thương mại tăng trưởng, chứ không phải thu hẹp. "Tôi không nghĩ có bất kỳ điều gì trong kế hoạch phục hồi kinh tế cản trở mục tiêu này".

Là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, Canada lo ngại về điều khoản "Mua hàng Mỹ" trong kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD của ông Obama. Theo điều khoản này, các công trình công cộng được tài trợ bởi kế hoạch trên phải sử dụng sắt thép và các hàng hóa khác được sản xuất ở Mỹ.

Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Canada đạt 1,5 tỷ USD mỗi ngày. Tổng thống Obama đã nhất mạnh rằng Mỹ sẽ tuân thủ các thỏa thuận thương mại quốc tế, không theo đuổi các chính sách bảo hộ mậu dịch.

Thủ tướng Harper nói rằng ông sẵn sàng xem xét tăng cường các điều khoản về môi trường và lao động của Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ - điều mà ông Obama muốn. Tuy nhiên, ông Harper nhất quyết không ủng hộ việc đàm phán lại hiệp định này - hiệp định đã góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai quốc gia.

Các nhà bảo vệ môi trường đã kêu gọi ông Obama có lập trường cứng rắn với Canada về hoạt động khai thác dầu khí. Hoạt động này đã tạo ra một lượng lớn khí thải nhà kính. Ông Obama đã lặp lại mong muốn hợp tác với Canada về công nghệ mới nhằm thu giữ khí nhà kính, tuyên bố "đối thoại năng lượng sạch" giữa hai quốc gia.

Ông Obama được ủng hộ rất cao tại Canada, với khoảng 66% người Canada muốn ông là tổng thống. Hàng chục chiếc xe buýt chở người ủng hộ ông đã tới Thủ đô Ottawa, hy vọng nhìn thấy ông, trái ngược với cảnh hàng nghìn người biểu tình đổ về đây để phản đối chuyến thăm của ông Bush năm 2004. Tuy nhiên, an ninh thắt chặt có nghĩa là họ hầu như không thể nhìn thấy ông.

Nguồn: Báo Công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm