Ông Trump bật đèn xanh, doanh nghiệp Mỹ hăng hái kiện tụng

28/12/2017 12:00 - 2416 lượt xem

Doanh nghiệp Mỹ đang đâm đơn kiện đối thủ cạnh tranh nước ngoài với tần suất cao chưa từng thấy trong 15 năm qua. Xu hướng này khả năng sẽ duy trì trong suốt nhiệm kỳ còn lại của Tổng thống Donald Trump.

Phân tích dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, báo Washington Post phát hiện có 23 vụ kiện thương mại mới được khởi động từ tháng 1-2017, biến năm vừa qua trở thành cao điểm nhất kể từ năm 2001.

Các vụ kiện mới nhắm vào quan hệ thương mại giữa Mỹ và 29 quốc gia, cụ thể hơn là các sản phẩm như máy giặt Hàn Quốc, dầu oliu Tây Ban Nha, tấm nhôm Trung Quốc, hộp dụng cụ Việt Nam, xăng sinh học Argentina, máy bay Canada...

Cuộc cạnh tranh mới diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng có những bước đi tái định nghĩa vai trò của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu.

"Theo lệnh của Tổng thống Trump, chúng tôi đã thông báo đến các doanh nghiệp Mỹ rằng chúng tôi sẽ cứng rắn hơn bất cứ chính quyền nào trước đây, bên cạnh đó vẫn giữ các nguyên tắc công bằng, minh bạch và chuyên nghiệp. Mọi người biết chúng tôi sẽ đứng về phía người lao động Mỹ chống lại thương mại bất công" - Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố.

Thông thường, các vụ kiện thuế quan sẽ bắt đầu khi danh nghiệp Mỹ chính thức cáo buộc đối thủ cạnh tranh nước ngoài bán phá giá sản phẩm ở Mỹ hoặc hưởng lợi từ ưu đãi không công bằng (của nhà nước), hoặc cả hai. Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ sau đó sẽ quyết định làm gì tiếp theo.

Tuy thống kê là 23 vụ kiện, nhưng năm 2017 Mỹ khởi động tất cả 79 cuộc điều tra thương mại. Ví dụ, nếu một công ty Mỹ yêu cầu đánh thuế một sản phẩm từ 10 quốc gia, thì yêu cầu này sẽ dẫn đến tất cả 10 cuộc điều tra bởi Bộ Thương mại. 

Con số 79 tương đương với mức tăng 65% so với năm ngoái và cao nhất trong 16 năm qua. Hầu hết các vụ kiện mới chỉ vừa bắt đầu được thảo luận, do đó còn sớm để nói liệu chúng có thành công hay không.

Năm vừa qua có hai vụ kiện đặc biệt, trong đó 3 công ty kích hoạt một công cụ thương mại quyền lực ít khi được sử dụng của Mỹ gọi là "điều khoản bảo vệ", vốn cho phép áp thuế bao trùm lên các sản phẩm bất kể nguồn gốc xuất xứ.

Những trường hợp như vậy rất hiếm vì nó đòi hỏi Tổng thống vận dụng quyền hành pháp, trước khi ông Trump lên nắm quyền, không có công ty nào dùng phương pháp này kể từ năm 2001.

"Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy doanh nghiệp Mỹ nghĩ chính quyền ông Trump sẽ cho họ sự bảo vệ" - chuyên gia Chad Bown thuộc Viện Peterson về kinh tế quốc tế nhận xét.

Giới doanh nghiệp Mỹ vận động siết thuế nhập khẩu bào chữa rằng đó là điều cần thiết để san bằng sân chơi kinh tế và bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ, "không liên quan gì đến chính trị hay ông Trump".

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Quảng cáo sản phẩm