Phân tích tình hình kiện chống bán phá giá mặt hàng dệt may trên thế giới 5 năm trở lại đây và những tác động đến Việt Nam

17/07/2012 12:00 - 4730 lượt xem

Trong 5 năm trở lại đây kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, xuất khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng nhưng đồng thời cũng gặp phải nhiều rào cản tại các thị trường nước ngoài, một trong những rào cản đó là các vụ kiện chống bán phá giá. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp để cùng nhìn lại tình hình kiện chống bán phá giá mặt hàng dệt may của Việt Nam và trên thế giới để từ đó có những khuyến nghị cho thời gian tới.
 
 
Tổng quan tình hình kiện chống bán phá giá mặt hàng dệt may Việt Nam và trên thế giới giai đoạn 2006 đến 2011.
 
 
Trên thế giới tình hình kiện Chống bán phá giá trong thời gian qua có nhiều biến động. Cụ thể theo thống kê của WTO về các vụ kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng dệt may trong giai đoạn 1995 đến 2000 là giai đoạn có nhiều nhất các vụ khởi kiện chống bán phá giá đối với hàng dệt may với 110 vụ, trong giai đoạn 2001- 2005 tổng số vụ là 96 vụ và 5 năm trở lại đây giai đoạn 2006 đến 2011 tổng số là 94 vụ. Bảng thống kê số vụ chống bán phá giá cho chúng ta thấy năm 2008 là năm có số vụ khởi kiện nhiều nhất với 39 vụ và năm có ít vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng dệt may là năm 2011 không có vụ kiện nào.
(Nguồn: www.wto.org)
 
Trong tổng số các vụ kiện chống bán phá giá từ 2006 - 2011, Thổ Nhĩ Kỳ là nước khởi kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng dệt may nhiều nhất trên thế giới với tổng số 19 vụ kiện với mặt hàng này. Theo sau đó ở vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Brazil với 16 vụ và Columbia là 14 vụ.
 
 

Nước khởi kiện

Số vụ kiện

Nước khởi kiện

Số vụ kiện

Thổ Nhĩ Kỳ

19

Pakistan

4

Brazil

16

Indonesia

3

Columbia

14

Peru

2

Argentina

12

Hàn Quốc

2

Ấn Độ

8

Isarel

1

EU

5

Đài Loan

1

Hoa Kỳ

5

Mexico

1

 

 

Nam Phi

1

 
  (Nguồn: http// www.wto.org)
 
Cũng theo thống kê của WTO thì trong 5 năm qua nước bị kiện chống bán phá giá mặt hàng dệt may nhiều nhất là Trung Quốc với 43/94 vụ. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may của Trung Quốc là lớn nhất và là nước có lợi thế về nguyên vật liệu, nhân công, mặt hàng chủng loại đa dạng do đó Trung Quốc vẫn là mục tiêu chính của các nước nhằm áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Đứng thứ 2 là Đài Loan – Trung Quốc bị kiện 11 vụ kiện CBPG đối với mặt hàng dệt may và đối với khu vực EU thì chỉ có duy nhất một vụ kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng "khăn lau sàn" (Mã HS 6307.10.00) của Đức xuất khẩu sang Isarel trong năm 2010.

Nước bị kiện

Số vụ kiện

Trung Quốc

43

Đài Loan

11

Indonesia

8

Ấn Độ

6

 
 
 
 
    (Nguồn: http//www.wto.org)
 
 
Ngoài chống bán phá giá trong giai đoạn 5 năm trở lại đây các nước trên thế giới cũng sử dụng thêm biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dệt may cụ thể: Giai đoạn 2006 đến 2011 trên thế giới chỉ có 9 vụ điều tra chống trợ cấp, số lượng các vụ kiện chống trợ cấp nói chung và chống trợ cấp đối với hàng dệt may nói riêng đều rất thấp. Riêng EU và Hoa Kỳ là hai thị trường khởi kiện điều tra chống trợ cấp nhiều nhất nhưng trong 5 năm qua EU cũng chỉ điều tra khởi kiện có 1 vụ liên quan đến dệt may, còn đối với Hoa Kỳ có 2 vụ kiện liên quan đến hàng dệt may. Các vụ kiện do Hoa Kỳ khởi kiện đối với hàng đệt may là (mã vụ kiện USA-CVD-537 và USA-CVD-520) đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc.
 
 
Như vậy có thể nói 5 năm vừa qua là giai đoạn chứng kiến những biến động lớn trong tình hình kiện chống bán phá giá chống trợ cấp mặt hàng dệt may trên thế giới. Mặt hàng dệt may Việt Nam tuy chưa bị kiện nhưng Việt Nam luôn bị đặt trong tình trạng “báo động đỏ” về khả năng bị kiện chống bán phá giá mặt hàng này. Cụ thể ngày từ đầu năm 2007 Hoa Kỳ bắt đầu chương trình giám sát đặc biệt đối với mặt hàng dệt may của Việt Nam và có thể khởi xướng chống bán phá giá khi có điều kiện. Cùng với đó, sự gia tăng mạnh về lượng xuất khẩu của một số mặt hàng khác (như đồ gỗ, bao bì nhựa…) vào thị trường Hoa Kỳ cũng khiến cho tình hình trở nên “căng thẳng”. 
 
 
Thiệt hại do các vụ kiện chống bán phá giá hàng dệt may gây ra
 
 
Cho đến nay không có thông kê đầy đủ nào về những thiệt hại mà doanh nghiệp dệt may trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải chịu do những vụ kiện chống bán phá giá gây ra từ trước đến nay. Tuy nhiên có thể nhận thấy một cách rõ ràng rằng mọi vụ kiện chống bán phá giá đều gây ra những thiệt hại lớn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, dù mới chỉ bị điều tra hoặc đã bị áp thuế chống bán phá giá. Trong quá trình điều tra có một thực tế là ngay từ khi biết tin một mặt hàng nhập khẩu bị điều tra chống bán phá giá từ Việt Nam (thậm chí ngay từ khi việc điều tra mới chỉ là nguy cơ), các nhà nhập khẩu nước đó đã “dè chừng” và bắt đầu tìm kiếm nguồn cung mới từ các nước khác do lo ngại một vụ kiện chống bán phá giá sẽ dẫn tới những mức thuế bổ sung cao khiến giá hàng hóa từ Việt Nam bị đội lên. Kết quả là trước và trong quá trình điều tra, lượng đơn hàng từ nước đang điều tra giảm sút đáng kể, gây ảnh hưởng bất lợi, nhiều khi là rất lớn, cho doanh nghiệp xuất khẩu. Thêm vào đó, để theo kiện doanh nghiệp buộc phải bỏ ra các chi phí vật chất và nhân lực rất lớn phục vụ các yêu cầu tố tụng liên quan (ví dụ thuê luật sư tư vấn, trả lời Bảng câu hỏi điều tra, tham gia các phiên điều trần, vận động hành lang…). Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể kham nổi các chi phí này. Trong khi đó nếu bỏ không theo kiện, doanh nghiệp có thể mất hoàn toàn thị trường liên quan (do thuế áp dụng cho những trường hợp “không hợp tác” thường rất cao, mang tính trừng phạt). Đây là lựa chọn rất khó khăn cho doanh nghiệp. Sau khi có quyết định áp thuế chính thức bị xếp vào diện bị áp dụng quy chế nền kinh tế phi thị trường, các mức thuế chống bán phá giá cuối cùng được xác định cho doanh nghiệp Việt Nam thường là rất cao (so với thực tế). Mức thuế bổ sung cao như vậy làm tăng đáng kể giá bán của hàng hóa Việt Nam tại thị trường nhập khẩu, khiến hàng hóa khó có thể cạnh tranh được với hàng hóa nội địa hoặc hàng hóa tương tự được nhập khẩu từ các nước khác. Cạnh tranh và xuất khẩu khó khăn có thể khiến doanh nghiệp ngừng sản xuất, thậm chí phá sản, kéo theo những ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động đặc biệt với mặt hàng dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động. Các ngành cung cấp nguyên liệu đầu vào liên quan và đầu tư nước ngoài trong ngành bị kiện cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Điều tồi tệ là những hậu quả bất lợi này có thể kéo dài nhiều năm (bởi một biện pháp thuế chống bán phá giá kéo dài ít nhất 5 năm và còn có thể bị gia hạn nhiều lần). Mỗi năm các doanh nghiệp có thể phải mất thêm các chi phí để theo đuổi các thủ tục rà soát hàng năm hoặc cuối kỳ nếu bị yêu cầu. Tóm lại, khi đã vướng vào các vụ kiện, đặc biệt khi vụ kiện phát sinh ở thị trường xuất khẩu trọng điểm, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng liên quan và những chủ thể khác có thể sẽ phải chịu những thiệt hại rất lớn. Vì vậy, việc quan tâm đến các yếu tố có thể tác động đến khả năng bị kiện chống bán phá giá là rất cần thiết nhằm phòng tránh các vụ kiện khi có thể và có biện pháp sẵn sàng đối phó với chúng nếu xảy ra
 
 
Những yếu tổ làm tăng nguy cơ bị kiện chống bán phá giá của hàng dệt may Việt Nam.
 
 
Tăng trưởng xuất khẩu và khủng hoảng kinh tế trong những năm gần đây. Nhân tố cạnh tranh dẫn đến giá rẻ, xuất khẩu tăng đột biến là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều loại hàng hóa Việt Nam có nguy cơ bị kiện và cũng là tác nhân khiến nhiều mặt hàng tuy chưa bị kiện nhưng luôn trong tình trạng “báo động”. Hiện tại, cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế đang lan rộng trên toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam giảm sút nghiêm trọng. Xuất khẩu chững lại có thể khiến nhiều người suy đoán là nguy cơ bị kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam cũng phần nào giãn ra. Trên thực tế, nguy cơ này không hề giảm, bởi mặc dù không bị đe dọa bởi lượng hàng nhập khẩu ồ ạt, ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu bản thân họ lại gặp những khó khăn lớn trong việc duy trì sản xuất và cạnh tranh do khủng hoảng kinh tế, và như một lẽ tự nhiên, họ tính tới việc sử dụng nhiều hơn các công cụ “bảo hộ” có thể, trong đó có chống bán phá giá. Điều này đã phần nào được chứng minh việc gia tăng mạnh các vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng dệt may trong năm 2008. Tính chất các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là các mặt hàng sản xuất giản đơn dựa vào lợi thế tự nhiên và nguồn nhân công rẻ sẵn có, chủ yếu là gia công cho nước ngoài, hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng không cao như lương thực, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ… do đó chủ yếu cạnh tranh
bằng giá đây là một yếu tố khiến nguy cơ bị kiện chống bán phá giá gia tăng.
 
Trên thực tế hiện nay tính cộng đồng trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn rất hạn chế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sẵn sàng cạnh tranh lẫn nhau để giành giật các hợp đồng bằng mọi giá, tự gây thiệt hại xuất khẩu của Việt Nam và khiến nguy cơ bị kiện chống bán phá giá gia tăng.
 
 
Nền kinh tế phi thị trường trong cam kết gia nhập WTO, Việt Nam đã phải chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường đến 2018. Đây là một yếu tố rất bất lợi đối với doanh nghiệp Việt Nam khi bị kiện bởi khi tính toán biên độ phá giá, cơ quan điều tra nước ngoài sẽ không sử dụng các số liệu về chi phí, giá cả tại Việt Nam mà thay thế bằng các số liệu cho các chi phí tương ứng từ một nước thứ ba nào đó. Phương pháp tính toán này thường khiến biên độ phá giá cao hơn nhiều so với thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Đây rõ ràng là một yếu tố có thể “khích lệ” các nhà sản xuất nội địa nước nhập khẩu đi kiện. Tóm lại, từ các phân tích trên có thể thấy nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị kiện chống bán phá giá tại các thị trường nước ngoài đang gia tăng hơn bao giờ hết do cả những nguyên nhân khách quan không thể kiểm soát được và những nguyên nhân chủ quan.
 
 
Khuyến nghị đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam
 
 
Trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng từ phía các doanh nghiệp dệt may và các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này, dường như khả năng chủ động phòng tránh, đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của doanh nghiệp dệt may, hiệp hội dệt may Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. 
 
 
Hiện tượng phổ biến là các doanh nghiệp hầu như không hiểu biết cần thiết về kiện chống bán phá giá và do đó rất bị động khi một vụ kiện xảy ra. Trên thực tế các vụ kiện như vụ Tôm, Cá da trơn hay Da giầy đã chứng minh và xu hướng  các vụ kiện chống bán phá giá có nguy cơ xảy ra ngày càng lớn, thiệt hại từ các vụ kiện chắn chắn không nhỏ, trong khi bản thân hoạt động xuất khẩu cũng đang gặp nhiều khó khăn, rõ ràng các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đang bị đặt vào tình thế không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu chiến lược của doanh nghiệp là tiếp tục hướng vào xuất khẩu, bên cạnh các giải pháp để tăng cường sức cạnh tranh, doanh nghiệp cần có những chuẩn bị tối thiểu cho khả năng bị kiện chống bán phá giá sau đây:
 
 
- Trang bị kiến thức về bản chất, đặc điểm, dấu hiệu và những vấn đề cơ bản nhất về kiện chống bán phá giá: Để làm đúng, trước hết doanh nghiệp cần hiểu đúng vấn đề;
 
 
- Thường xuyên nắm bắt thông tin về khả năng bị kiện chống bán phá giá tại thị trường liên quan: Biết trước sự việc để có đủ thời gian đối phó là đặc biệt cần thiết;
 
 
- Từng bước chuẩn hóa hệ thống sổ sách kế toán, lưu giữ tất cả các dữ liệu có thể làm bằng chứng chứng minh không bán phá giá: trong điều tra chống bán phá giá, các số liệu về sản xuất, bán hàng có yếu tố quyết định khả năng chứng minh của doanh nghiệp; và việc này nếu không có hệ thống từ trước thì lúc xảy ra vụ kiện không thể khắc phục được;
 
 
- Lưu ý đến các giải pháp thị trường nhằm tránh từ xa nguy cơ bị kiện (ví dụ chuyển hướng dần từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng; đa dạng hóa sản phẩm và thị trường…)
 
 
- Liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội: một vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu mặt hàng liên quan sang một thị trường, vì vậy việc phòng tránh cũng như đối phó với các vụ kiện cần sự tham gia, liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, hiệp hội
 
 
- Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp tốt với các cơ quan quản lý để được cung cấp cho các thông tin về giá cả, về thị trường quốc tế thường xuyên.
 
  Minh Đạt
 
Quảng cáo sản phẩm