Phiên tham vấn công khai điều tra CBPG mặt hàng thép mạ có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc

13/01/2017 12:00 - 1118 lượt xem

Trong một vụ việc điều tra chống bán phá giá, tham vấn là một quy trình có ý nghĩa quan trọng với tất cả các bên. Điều 6.2 Hiệp định chống bán phá giá của WTO quy định: “Trong suốt quá trình điều tra, các bên có liên quan phải được tạo đầy đủ cơ hội để có thể bảo vệ lợi ích của mình. Để đạt được điều đó, các cơ quan có thẩm quyền, khi được yêu cầu, phải tạo điều kiện cho tất cả các bên liên quan được gặp gỡ các bên có lợi ích trái với họ để có thể trình bày các quan điểm đối lập nhau cũng như những lập luận phản bác quan điểm của nhau…”.

Pháp luật về chống bán phá giá của Việt Nam cũng có quy định về việc tổ chức phiên tham vấn cho các bên liên quan tại Điều 14-Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004 về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và Điều 29-Nghị định 90/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 07 năm 2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh 20/2004/PL-UBTVQH11. Theo đó, cơ quan điều tra sẽ tổ chức phiên tham vấn công khai với các bên liên quan để tạo điều kiện cho các bên trình bày ý kiến và cung cấp thông tin cần thiết. Ngoài ra, cũng theo Điều 29 của Nghị định 90/2005/NĐ-CP, trong thời hạn 07 ngày làm việc tính từ ngày tổ chức tham vấn, các bên liên quan có quyền gửi văn bản trình bày thêm quan điểm của mình liên quan đến vụ việc chống bán phá giá cho cơ quan điều tra.

Do vậy, nhằm tạo điều kiện các bên liên quan bảo vệ lợi ích của mình theo quy định tại Điều 6.2 Hiệp định chống bán phá giá của WTO và Điều 14 Pháp lệnh 20/2004/PL-UBTVQH11, Điều 29 Nghị định 90/2005/NĐ-CP của pháp luật Việt Nam, ngày 22 tháng 12 năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã tổ chức buổi tham vấn trong vụ việc điều tra chống bán phá giá mặt hàng thép mạ xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc tại trụ sở của Cục Quản lý cạnh tranh, 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Các bên liên quan tham dự buổi tham vấn gồm: đại diện các nhà sản xuất trong nước, đại diện các nhà nhập khẩu, đại diện các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài là bị đơn hoặc có liên quan trong vụ việc, đại diện Phòng Thương mại quốc tế Trung Quốc, Hiệp hội Thép Việt Nam, đại diện của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam.

Tại buổi tham vấn này, đại diện của các bên liên quan đã có bài trình bày quan điểm của mình đối với các vấn đề liên quan đến vụ việc. Ý kiến của các bên liên quan có thể tóm tắt như sau:

1. Ý kiến của các nhà sản xuất trong nước
Đại diện bên Bên yêu cầu (Công ty Luật Mayer Brown JSM) khẳng định việc điều tra chống bán phá giá là biện pháp hoàn toàn thích đáng để bảo vệ ngành sản xuất tôn mạ của Việt Nam trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh của một số doanh nghiệp từ các nước bị điều tra. Căn cứ pháp lý của vụ việc cũng như tiến trình điều tra cho đến thời điểm hiện tại là hoàn toàn phù hợp với quy định liên quan của pháp luật Việt Nam, Điều VI của GATT 1994 và Hiệp định thực thi Điều VI GATT 1994.

Trước những dấu hiệu hành vi bán phá giá của thép mạ từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đã ảnh hưởng tiêu cực và gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, Bên yêu cầu đề nghị Cục QLCT xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tại quyết định cuối cùng, rà soát lại hồ sơ, dữ liệu của các doanh nghiệp bị điều tra bảo đảm việc tính toán biên độ phá giá chính xác (theo đại diện của nhà sản xuất trong nước mức thế chống bán phá giá sơ bộ là thấp) và xem xét áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực cho giai đoạn 90 ngày trước ngày áp thuế sơ bộ.

2. Ý kiến của nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài
Ý kiến của công ty Posco Hàn Quốc
- Công ty Posco Hàn Quốc cho rằng vụ việc này không có thiệt hại/đe dọa gây thiệt hại đáng kể cũng như không có mối quan hệ nhân quả giữa thép mạ nhập khẩu với thiệt hại/đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
- Việc nhập khẩu thép mạ từ Hàn Quốc không gây ra hoặc đe dọa thiệt hại đáng kể nào (nếu có) cho ngành sản xuất trong nước do:
+ Lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chiếm 4.57% là tỷ lệ rất nhỏ trong giai đoạn điều tra so với các sản phẩm nhập khẩu khác trong đó bao gồm thép mạ cao cấp và mác thép có chứng nhận cung ứng cho phân khúc thị trường cao cấp sử dụng cho các lĩnh vực ô tô và điện tử.
+ Giá bình quân của thép mạ nhập khẩu từ Hàn Quốc cao hơn 85 đô la Mỹ/tấn so với giá bình quân của các đơn vị sản xuất thép mạ tại Việt Nam

- Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu từ Hàn Hàn Quốc, đặc biệt là từ POSCO, sẽ dẫn đến ảnh hưởng bất lợi chung cho nền kinh tế Việt Nam, tác động đáng kể đến các kế hoạch sản xuất và đầu tư trong tương lai Samsung và LG Electronics khởi công cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam.

- Công ty Posco Hàn Quốc đề ngị xem xét lại vấn đề phân tích thiệt hại, tính toán biên độ thiệt hại, áp dụng nguyên tắc thuế suất thấp hơn và loại trừ Hàn Quốc khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá.

Ý kiến của một số nhà sản xuất/xuất khẩu của Trung Quốc
Các nhà sản xuất/xuất khẩu của Trung Quốc không có bình luận nào về vấn đề thiệt hại.
Một số nhà sản xuất/xuất khẩu của Trung Quốc (Công ty Bengang Steel Plates Co., Ltd, Công ty Tianjin Haigang Steel Coil Co., Ltd và công ty Bazhou Sanqiang Metal Products) đề nghị cơ quan điều tra có một số điều chỉnh trong việc tính toán biên độ bán phá giá của các công ty này. Các điều chỉnh này đều liên quan đến việc tính toán biên độ bán phá giá cụ thể đối với từng công ty và không liên quan đến phương pháp tính toán chung của Cơ quan điều tra.

3. Các công ty nhập khẩu trong vụ việc không có ý kiến bình luận nào trình bày tại Phiên tham vấn cũng như gửi đến Cơ quan đều tra

4. Ý kiến của các Bên liên quan khác
Ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc (CCOIC)
- Hiện nay Bộ Công Thương đang tiến hành điều tra song song vụ việc chống bán phá giá sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc (AD02) và vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam (SG05). Do thép mạ là nguyên liệu đầu vào của sản xuất tôn mạ màu do vậy phía Trung Quốc quan ngại nếu cả 2 vụ việc AD02 và SG05 đều có thiệt hại, vì vậy Phòng Thương mại quốc tế Trung Quốc đề nghị tại các báo cáo cuối cùng Cục QLCT cần làm rõ phần thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và giải thích đầy đủ, toàn diện, trọn vẹn dựa trên các bằng chứng xác thực và khách quan.

- Đối với vụ việc AD02, đề nghị Cơ quan điều tra cần làm rõ một số vấn đề sau:
+ Khác biệt về sản phẩm: Sản phẩm thép mạ của ngành sản xuất trong nước có chiều rộng từ 900mm trở lên, phục vụ các công trình công nghiệp đóng tàu. Trong khi đó, sản phẩm thép mạ của Trung Quốc có chiều rộng từ 600mm đến 820mm, phục vụ công trình dân dụng. Do có phân khúc thị trường khác nhau nên 2 dòng sản phẩm nêu trên không có sự cạnh tranh với nhau.
+ CCOIC cho rằng báo cáo sơ bộ không cung cấp đầy đủ bằng chứng khách quan để chứng minh rằng hàng hóa nhập khẩu bị điều tra là nhân tố gây ra tác động ép giá hay kìm giá trong nước cũng như có ảnh hưởng xấu đến doanh thu và lợi nhuận.
+ Chứng cứ chứng minh thiệt hại thể hiện tại Báo cáo sơ bộ là chưa đầy đủ, việc sản xuất kinh doanh không thể hiện sự sụt giảm do công suất, sản lượng, doanh thu, lao động, năng suất lao động và lợi nhuận đều tăng.
+ CCOIC đề nghị Cục QLCT cần rà soát lại các phân tích về thiệt hại và tính toán biên độ thiệt hại dưa trên những chứng cứ khách quan của vụ việc trong giai đoạn điều tra cuối cùng,.
+ Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá sẽ dẫn đến một sự tổn thất rất lớn đối với đa số người tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời báo cáo sơ bộ chưa xem xét đến vấn đề lợi ích kinh tế xã hội của Việt Nam.

Ý kiến của Hiệp hội thép Việt Nam
Đề nghị Cục QLCT tính toán mức bán phá giá thật sự hợp lý nhằm ngăn chặn sản phẩm thép mạ bán phá giá vào Việt Nam, bởi khi thép mạ giá rẻ từ Trung Quốc nhập khẩu ổ ạt vào Việt Nam sẽ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, dần dần sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, có thể hình thành lợi thế độc quyền của sản phẩm thép mạ nhập khẩu gây lũng đoạn thị trường.

Tất cả ý kiến bình luận của các bên liên quan sẽ được cơ quan điều tra phân tích, phản ánh trong báo cáo cuối cùng.

Nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh
Quảng cáo sản phẩm