Phòng chống gian lận xuất xứ cần sự hợp tác cao hơn của doanh nghiệp

15/11/2019 12:00 - 251 lượt xem

Gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đang gây ra những ảnh hưởng không tốt đến quan hệ thương mại quốc tế.

Việt Nam là nơi cung cấp hàng hóa nhập khẩu lớn thứ 5 cho Hoa Kỳ ở châu Á khi gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là vào nước này. Tuy nhiên, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đang gây ra những ảnh hưởng không tốt đến quan hệ thương mại song phương. Thực tế này đòi hỏi cần có sự hợp tác cao hơn để phòng chống. Đây cũng là nội dung chính của Hội thảo kinh nghiệm quốc tế do Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 14/11 tại Hà Nội.

Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam. Đặc biệt là nguy cơ bị mượn đường cũng như hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang các nước đối tác trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên nhằm hưởng thuế suất ưu đãi. Trước thực tế này, Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều giải pháp để ngăn chặn.

Về phần mình, Đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, khi Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc thì hàng nhập khẩu từ quốc gia này giảm mạnh, nên là cơ hội cho các nước thứ 3, trong đó có Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho những gian lận, đặc biệt là việc chuyển tải bất hợp pháp và gian lận xuất xứ. Điều này làm tăng nguy cơ rủi ro cho các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, nên việc hợp tác quốc tế để ngăn chặn tình trạng này là hết sức cần thiết.

Khó kiểm soát năng lực sản xuất của doanh nghiệp

Thời gian qua, Hải quan cả nước đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ xuất nhập khẩu hàng hóa giả xuất xứ Việt Nam. Đặc biệt, một số DN đầu tư nước ngoài đã thành lập các nhà máy ở Việt Nam chỉ để thực hiện một số công đoạn gia công đơn giản hoặc không sản xuất nhưng vẫn ghi xuất xứ Việt Nam. Chính vì vậy, ngành Hải quan đang phải đẩy mạnh kiểm tra năng lực các DN sản xuất những mặt hàng có khả năng gian lận.

Nhiều hàng xuất khẩu bị cảnh báo gian lận xuất xứ

Cuối tháng 10/2019, Hải quan Việt Nam đã thông báo việc phát hiện kho nhôm Trung Quốc chờ xuất đi Mỹ với giá trị lên tới 4,3 tỷ USD. Đây là lời cảnh báo rõ nét nhất về nguy cơ gian lận xuất xứ cũng như khả năng bị lợi dụng thành điểm trung chuyển hàng lẩn tránh, trốn thuế. Cũng sau sự vụ này, hàng loạt mặt hàng khác như gỗ dán, đá nhân tạo, sắt, thép... đang lọt vào danh sách cảnh báo nguy hiểm do bị phía Mỹ điều tra chống gian lận xuất xứ.

25 mặt hàng có nguy cơ bị Mỹ điều tra phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế. Các mặt hàng trong danh sách theo dõi được phân thành 4 mức độ cảnh báo. Gỗ dán là mặt hàng bị cảnh báo cấp độ 4 - cấp độ nguy hiểm cao nhất. Những mặt hàng cảnh báo cấp độ 3 là đá nhân tạo, sắt thép, xe đạp điện, đệm mút... Đây đều là những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn vào lúc này.

15% là mức thuế áp với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam vào Mỹ nhưng Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá gỗ với Trung Quốc lên tới gần 184% và thuế chống trợ cấp với sản phẩm này của Trung Quốc là gần 195%. Bức tường thuế cao gấp 10 đến 13 lần so với Việt Nam đã khiến các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc bất lực trong việc tiếp cận thị trường Mỹ. Vì thế, đã có doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách mượn xuất xứ từ các nước chưa bị Mỹ áp thuế hoặc áp ở mức thấp để đưa hàng vào Mỹ. Nhiều chuyên gia cảnh báo, Việt Nam đang có nguy cơ trở thành điểm trung chuyển hàng gian lận xuất xứ để tránh thuế.

Bên cạnh việc các bộ ngành cần tăng cường phối hợp trong giám sát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chính các doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chống gian lận xuất xứ, lẩn trốn thuế, tránh vì nguồn lợi không chính đáng trước mắt mà gây hậu họa, ảnh hưởng tới uy tín doanh nghiệp cũng như hàng hóa xuất khẩu của cả nền kinh tế.
 
Nguồn VTV.vn
Quảng cáo sản phẩm