Phòng vệ thương mại trong EVFTA: Nắm vững cam kết để bảo vệ lợi ích chính đáng

13/05/2020 12:00 - 256 lượt xem

Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa hai bên sẽ tăng nhanh, dẫn tới gia tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM), đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) trong nước cần chủ động biện pháp ứng phó.


Với EVFTA, gần như 100% số dòng thuế và kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa của hai bên sẽ được xóa bỏ thuế NK sau lộ trình tương đối ngắn. Theo đó, cơ hội gia tăng xuất khẩu (XK) cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: Dệt may, da giày, đồ gỗ, nông-thủy sản… là rất lớn. Tuy vậy, đại diện Cục PVTM (Bộ Công Thương) - nhận định, với mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA thì áp lực cạnh tranh đối với các DN Việt Nam và nhiều DN EU trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn, do vậy, nhu cầu sử dụng các công cụ PVTM sẽ gia tăng đáng kể.


Ngay trong Hiệp định EVFTA cũng đã có chương về các biện pháp PVTM, bao gồm các điều khoản liên quan đến việc sử dụng các công cụ PVTM truyền thống trong WTO. Theo Cục PVTM, về cơ bản, nội dung PVTM dựa trên các quy định của WTO, đồng thời bổ sung các nguyên tắc mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về PVTM của ta, giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ “phòng vệ” hợp pháp, tiến bộ, đảm bảo hiệu quả của việc tham gia Hiệp định.


Đề cập điểm mới về PVTM trong EVFTA, theo Cục PVTM, EVFTA có bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ này để tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn cho DN XK. Ngoài ra, EVFTA cũng quy định về cơ chế tự vệ song phương (thời gian chuyển đổi trong 10 năm), để đảm bảo việc cắt, giảm thuế quan theo Hiệp định không gây ra các cú “sốc” đối với các ngành sản xuất trong nước.


Cục PVTM cho biết, năm 2018 EU đã tiến hành nhiều cuộc rà soát biện pháp tự vệ áp dụng với thép NK. Việc rà soát này nhằm đưa ra các điều chỉnh áp dụng biện pháp tự vệ cho phù hợp với những thay đổi về bối cảnh, đảm bảo lợi ích, ngành sản xuất của EU. Theo thống kê, trong 27 nhóm thép EU áp dụng biện pháp tự vệ, Việt Nam XK 20/27 nhóm và bị áp dụng biện pháp với 3/27 nhóm.


Trước các biện pháp bảo hộ ngày càng gia tăng, đại diện Cục PVTM nhấn mạnh, thực thi Hiệp định EVFTA đòi hỏi các DN cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết, kể cả các quy định về PVTM để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà Hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Bên cạnh đó, việc gia tăng số lượng các vụ việc PVTM có thể tạo ra một số khó khăn nhất định cho cơ quan điều tra PVTM của Việt Nam do bị hạn chế về nguồn lực.


Để chủ động ứng phó có hiệu quả với các biện pháp PVTM, Cục PVTM khuyến cáo, các DN cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra PVTM của các nước XK. Đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường XK mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng XK quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM và đã từng kiện hàng hóa XK của Việt Nam; chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu; có chiến lược rà soát giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng tại nước sở tại để cập nhật thông tin.


Ngoài ra, khi đã có thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa liên quan, DN cần cập nhật tin tức và tích cực tham gia, hợp tác trong quá trình điều tra, tránh việc bị cơ quan điều tra sử dụng số liệu sẵn có bất lợi khi đưa ra kết luận về vụ việc. DN cần thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các khuyến cáo về các biện pháp PVTM từ cơ quan chức năng để có các kế hoạch cụ thể.


Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo sản phẩm